Kinh tế tư nhân chỉ bứt phá khi Nhà nước và doanh nghiệp cùng hành động
Để Nghị quyết số 68-NQ/TW về kinh tế tư nhân đi vào cuộc sống, cần sự song hành chặt chẽ giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Kinh tế tư nhân chỉ có thể phát huy vai trò động lực khi môi trường thể chế được cải thiện đồng bộ, minh bạch. Tuy nhiên, không chỉ Nhà nước, chính các doanh nghiệp cũng cần chủ động nâng cao năng lực quản trị, cải thiện năng suất và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
"Phát pháo lệnh” cho kinh tế tư nhân
Nghị quyết số 68-NQ/TW như "phát pháo lệnh” mở ra cuộc cách mạng toàn diện không chỉ với khu vực tư nhân mà còn với chiến lược quản trị quốc gia và tương lai phát triển đất nước. Ông Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Tư nhân Việt Nam phát biểu tại Hội thảo khoa học “Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế” do Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam và Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam tổ chức ngày 26/5. Lần đầu tiên trong lịch sử, kinh tế tư nhân, vốn từng gặp không ít hoài nghi, được xác lập là trung tâm của nền công vụ kiến tạo và phục vụ, được trao trọng trách là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, ông Điều nói.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch thường trực Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn BRG, bày tỏ sự phấn khởi trước tinh thần của Nghị quyết số 68-NQ/TW. Theo bà, Nghị quyết đã nhìn thẳng vào thực trạng khu vực tư nhân, đánh giá đúng những đóng góp về GDP, thu ngân sách, việc làm… đồng thời thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, nguyên nhân và giải pháp.
Đặc biệt, theo bà Nga, việc Nghị quyết số 68-NQ/TW cùng với các Nghị quyết khác của Bộ Chính trị về khoa học công nghệ, chuyển đổi số; hội nhập quốc tế; hoàn thiện pháp luật… được ban hành đồng bộ đã tạo cảm hứng mạnh mẽ, củng cố niềm tin cho giới doanh nhân trên hành trình phát triển và thực hiện trách nhiệm xã hội.
Để đưa Nghị quyết số 68-NQ/TW vào cuộc sống, theo ông Điều, cần có sự đồng thuận về nhận thức và thống nhất hành động giữa các cơ quan quản lý, giới nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp; tránh để xảy ra “lỗ hổng” trong chính sách hoặc xung đột lợi ích giữa các thành phần kinh tế.
Còn theo bà Nga, vấn đề mấu chốt là phải thể chế hóa đầy đủ, toàn diện và khoa học các nội dung của Nghị quyết số 68-NQ/TW, khi đó, doanh nghiệp mới yên tâm đầu tư, làm giàu chính đáng, đóng góp cho đất nước.
Cải cách bộ máy phải song hành với cải cách thị trường
Ở góc độ chuyên gia, PGS.TS. Trần Đình Thiên, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng cho rằng, muốn kinh tế tư nhân phát triển, cần đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ: tháo gỡ trói buộc thể chế và tạo dựng những yếu tố mới. Trong đó, cải cách bộ máy Nhà nước cần đi đôi với cải cách thị trường để kiến tạo một môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các khu vực kinh tế.
Theo ông Thiên, đã đến lúc phải “thay máu” lực lượng doanh nghiệp bằng cách phát triển mô hình doanh nghiệp hiện đại, xây dựng cấu trúc tổ chức phù hợp với thời đại. Cùng với đó là hệ thống thể chế tương thích, tạo điều kiện để doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh và nâng cao năng lực quốc gia.

Ông đặc biệt đánh giá cao tính đồng bộ, xuyên suốt trong hành động từ Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân đến Chương trình hành động của Chính phủ. Những chính sách này không đặt trọng tâm vào ưu đãi, mà tập trung vào tạo lập công bằng, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, xóa bỏ thanh tra, kiểm tra chồng chéo, không áp dụng hồi tố bất lợi và tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận nguồn lực như đất đai, vốn.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc định vị lại vai trò của Nhà nước trong quan hệ với doanh nghiệp, chuyển từ “quản lý” sang “hỗ trợ và thúc đẩy phát triển”. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân phải được đặt làm trung tâm trong tiến trình cải cách. Cùng với đó là hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị sản xuất nội địa nhằm gia tăng nội lực và giá trị gia tăng của nền kinh tế.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho rằng để Nghị quyết số 68-NQ/TW đi vào cuộc sống hiệu quả, cần sự song hành chặt chẽ giữa Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Kinh tế tư nhân chỉ có thể phát huy vai trò động lực quan trọng của nền kinh tế khi môi trường thể chế được cải thiện một cách đồng bộ, minh bạch. Tuy nhiên, không chỉ Nhà nước, chính các doanh nghiệp cũng cần chủ động nâng cao năng lực quản trị, cải thiện năng suất và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Đặc biệt, ông Hiếu nhấn mạnh vai trò hết sức quan trọng của các hiệp hội doanh nghiệp. Đây là cầu nối thiết yếu giữa Nhà nước và doanh nghiệp, là lực lượng phản biện chính sách, đề xuất giải pháp và hỗ trợ hội viên tiếp cận thị trường, công nghệ. Nếu muốn có khu vực tư nhân vững mạnh, không thể thiếu những hiệp hội doanh nghiệp mạnh, chuyên nghiệp và có khả năng dẫn dắt, ông Hiếu khẳng định.