Hội đồng nhân dân

Tăng cường đại biểu HĐND chuyên trách - một yêu cầu cấp thiếtBài 2: Bảo đảm pháp lý để quyền làm chủ được thực thi hiệu quả

Trần Quốc Việt, Phó trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh Long An 27/05/2025 06:01

Trong bối cảnh công cuộc cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy đang diễn ra mạnh mẽ, vai trò và hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

HĐND gánh vác trọng trách quyết định những vấn đề then chốt và giám sát toàn bộ hoạt động của chính quyền. Để thực sự đủ mạnh, đủ năng lực hoàn thành sứ mệnh cao cả ấy, đặc biệt khi khối lượng công việc ngày càng gia tăng và yêu cầu tính chuyên nghiệp, hiệu quả ngày càng cao, tăng cường đại biểu chuyên trách là một khía cạnh cốt lõi.

Yêu cầu này không chỉ xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn mà còn là bảo đảm pháp lý để quyền làm chủ của Nhân dân được thực thi hiệu quả nhất trong giai đoạn mới.

Yêu cầu khách quan, cấp thiết

Việc tăng cường lực lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, nhất là tại cấp tỉnh, ưu tiên hàng đầu ở cấp xã là yêu cầu cấp thiết khi tiến hành tái cơ cấu bộ máy chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp. Quan điểm này không chỉ xuất phát từ thực tiễn hoạt động của cơ quan dân cử ở địa phương, mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền Nhân dân trong giai đoạn mới. Việc tăng cường biên chế đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách là một yêu cầu khách quan và cấp thiết, xuất phát từ cả cơ sở lý luận và thực tiễn sâu sắc.

Về phương diện lý luận, Hiến pháp năm 2013 khẳng định quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân; đồng thời, giao cho Nhà nước trọng trách bảo đảm nguồn lực và cơ chế để Nhân dân phát huy tối đa quyền làm chủ. HĐND - cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương do Nhân dân trực tiếp bầu ra - không chỉ đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của dân, mà còn chịu trách nhiệm quyết định những vấn đề trọng yếu và giám sát toàn bộ hoạt động của bộ máy chính quyền tại địa phương.

b2.jpg
Tăng số lượng đại biểu HĐND chuyên trách - động lực nâng cao chất lượng giám sát, phản biện và quyết sách vì sự phát triển bền vững của địa phương. Ảnh: C. Thành

Trong bối cảnh sắp xếp lại đơn vị hành chính, không tổ chức cấp huyện, khối lượng công việc và nhiệm vụ giám sát của HĐND các cấp sẽ gia tăng rất lớn. Để phát huy trọn vẹn vai trò then chốt này, việc bố trí đại biểu hoạt động chuyên trách hết sức cần thiết: với thời gian và tâm huyết tập trung cho công tác HĐND, họ có điều kiện nghiên cứu sâu từng báo cáo, thẩm tra đề án, chủ động kiến nghị chuyên đề, thường xuyên tiếp xúc cử tri và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.

Có như thế, chất lượng quyết định của HĐND mới được nâng lên, tính đại diện của cơ quan dân cử mới có thể trở nên chân thực hơn và quyền làm chủ của Nhân dân sẽ được bảo đảm thực chất, hiệu quả trong giai đoạn đổi mới tổ chức chính quyền địa phương.

Về cơ bản, thực tiễn hoạt động của HĐND các cấp thời gian qua cho thấy: số lượng đại biểu chuyên trách còn rất khiêm tốn, nhất là ở cấp xã; đại đa số đại biểu kiêm nhiệm phải dành phần lớn thời gian cho công việc chuyên môn khác. Do đó, họ không chỉ khó tham dự đầy đủ các kỳ họp mà còn không có điều kiện nghiên cứu kỹ lưỡng từng nội dung và không tham gia đầy đủ các hoạt động giám sát liên tục, hiệu quả. Khi sắp xếp, sáp nhập xã, phường, quy mô dân số, diện tích và khối lượng công việc của chính quyền cấp xã tăng lên đáng kể, trong khi nhiều quyền hạn trước đây thuộc cấp huyện được chuyển giao xuống, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyên Thanh (Đoàn Vĩnh Long) đã chỉ ra.

Phải được quy định thống nhất trong pháp luật

Để khắc phục những bất cập trên, việc tăng cường đại biểu HĐND chuyên trách là giải pháp căn cơ. Họ sẽ có đủ thời gian và tập trung chuyên sâu để thẩm tra báo cáo, đề án; tổ chức giám sát chuyên đề; tiếp xúc cử tri thường xuyên; và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh. Trên cơ sở đó, cần bổ sung quy định cụ thể tại dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), nhằm quy định định mức biên chế chuyên trách cho HĐND cấp tỉnh và cấp xã, bảo đảm cơ quan dân cử thực sự đủ mạnh, đủ năng lực để thực thi đầy đủ vai trò quyết định và giám sát.

Cụ thể, đối với HĐND cấp tỉnh, đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ số lượng tối thiểu đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, không chỉ giới hạn ở các Phó Chủ tịch HĐND. Bổ sung quy định bắt buộc Trưởng ban và Phó Trưởng ban của các Ban HĐND cấp tỉnh phải là đại biểu hoạt động chuyên trách. Điều này nhằm bảo đảm các cơ quan tham mưu, giúp việc của HĐND có đủ nhân lực chuyên trách để thực hiện tốt chức năng thẩm tra, giám sát theo lĩnh vực được phân công, đặc biệt khi phạm vi quản lý nhà nước của cấp tỉnh được mở rộng sau khi không còn cấp huyện. Quy định này có thể xem xét bổ sung vào Điều 29 của Dự thảo Luật, làm rõ hơn cơ cấu và tiêu chuẩn hoạt động chuyên trách của các chức danh trong Thường trực và các Ban của HĐND cấp tỉnh.

Đối với HĐND cấp xã. Đây là cấp chính quyền gần dân nhất và sẽ đảm nhiệm khối lượng công việc rất lớn sau sắp xếp. Đề nghị dự thảo Luật quy định tăng đáng kể số lượng đại biểu HĐND cấp xã hoạt động chuyên trách. Ngoài các chức danh lãnh đạo Thường trực HĐND cấp xã (Chủ tịch, Phó Chủ tịch) có thể bố trí chuyên trách, cần bổ sung thêm các vị trí đại biểu chuyên trách khác để bảo đảm năng lực hoạt động của các Ban HĐND cấp xã. Số lượng cụ thể có thể được giao Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định khung dựa trên phân loại đơn vị hành chính cấp xã (quy mô dân số, diện tích, đặc điểm đô thị/nông thôn/hải đảo/miền núi) để bảo đảm tính linh hoạt và phù hợp với thực tiễn từng địa phương. Quy định này cần được cụ thể hóa tại Điều 29 và Điều 30 của Dự thảo Luật, xác định rõ cơ cấu, số lượng và tỷ lệ đại biểu chuyên trách tại HĐND cấp xã.

Tin tưởng rằng, việc tăng cường biên chế đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách sẽ là bước đột phá mang tính chiến lược, không chỉ nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử mà còn tạo động lực lan tỏa cho toàn bộ hệ thống chính quyền địa phương. Với đội ngũ đại biểu chuyên trách được trang bị đầy đủ thời gian, kiến thức và kỹ năng sẽ có thể giải quyết kịp thời những vấn đề bức thiết, đẩy mạnh minh bạch, trách nhiệm và chất lượng giám sát. Điều này không chỉ củng cố niềm tin của Nhân dân vào chính quyền mà còn góp phần xây dựng một nền hành chính thực sự “của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”, thúc đẩy phát triển bền vững và bảo đảm công bằng xã hội trong giai đoạn mới.

Trần Quốc Việt, Phó trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh Long An