Xã hội

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi): Bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người lao động

Thái Yến 26/05/2025 23:38

Để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người lao động, cơ quan soạn thảo cần xem xét, nghiên cứu, chỉnh sửa theo hướng nếu mức hỗ trợ theo luật mới cao hơn thì người lao động được quyền nhận hỗ trợ theo quy định của luật mới. Đây là đề nghị của đại biểu Quốc hội Sùng A Lềnh (Lào Cai) khi cho ý kiến về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).

Thể hiện tinh thần nhân văn, tiến bộ trong xây dựng pháp luật

Tại Điều 58, khoản 5 của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định: Người lao động và người sử dụng lao động đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành nhưng chưa có quyết định hỗ trợ thì thực hiện theo quy định tại Luật Việc làm số 38/2013/QH13.

Ảnh 1- Đại biểu Quốc hội Sùng A Lềnh (Lào Cai). Ảnh BLC
Đại biểu Quốc hội Sùng A Lềnh (Lào Cai) phát biểu. Ảnh: BLC

Với quy định trên, đại biểu Sùng A Lềnh cho rằng, để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người lao động thì cơ quan soạn thảo cần xem xét, nghiên cứu, chỉnh sửa theo hướng nếu mức hỗ trợ theo luật mới cao hơn thì người lao động được quyền nhận hỗ trợ theo quy định của luật mới. Theo đại biểu Sùng A Lềnh, cách tiếp cận này không chỉ bảo vệ người lao động mà còn thể hiện tinh thần nhân văn, tiến bộ trong xây dựng pháp luật.

Bên cạnh đó, tại Điều 40 của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Cụ thể, tại khoản 4 đã liệt kê các trường hợp không thuộc diện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Theo đó, để bảo đảm tính đầy đủ, tránh phát sinh vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện luật trong thực tiễn, đại biểu Sùng A Lềnh đã đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét bổ sung thêm trường hợp mất tích.

Cân nhắc tính khả thi về chính sách đào tạo, đào tạo lại cho người lao động cao tuổi

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có quy định về chính sách vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, tại Điều 9. Cụ thể, tại điểm a khoản 2 của điều này dự thảo quy định "đối tượng được vay vốn ưu đãi là các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người chấp hành xong án phạt tù".

Theo đại biểu Sùng A Lềnh, việc dùng từ "nhiều" trong quy định trên mang tính định tính, thiếu cơ sở để áp dụng thống nhất. Theo đó, để bảo đảm tính minh bạch, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị cơ quan soạn thảo quy định cụ thể số lượng lao động từ bao nhiêu người, bao nhiêu phần trăm tổng số lao động trở lên hoặc giao cho Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.

Cùng với đó, tại Điều 14 của Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định về chính sách hỗ trợ việc làm cho người lao động là người cao tuổi. Đại biểu Sùng A Lềnh cho biết, theo quy định của Luật Người cao tuổi, người từ đủ 60 tuổi trở lên được coi là người cao tuổi. Thực tế cho thấy, nhóm lao động này chủ yếu làm việc theo kinh nghiệm, trình độ, kỹ năng sẵn có hoặc lao động giản đơn, không yêu cầu cao về thể lực. Do đó, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị cần cân nhắc tính khả thi khi thiết kế chính sách đào tạo, đào tạo lại cho đối tượng này, tránh lãng phí nguồn lực và bảo đảm phù hợp với nhu cầu thực tế.

Ảnh 2- Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giúp người dân có động lực vươn lên, phát triển kinh tế gia đình . Ảnh VGP
Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giúp người dân có động lực vươn lên, phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: VGP

Cho ý kiến về hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quy định tại Điều 15 của Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Trong đó, khoản 1 điều luật đã liệt kê các nhóm đối tượng được hỗ trợ, trong đó có người dân tộc thiểu số.

Theo đại biểu Sùng A Lềnh, thực tế cho thấy không chỉ người dân tộc thiểu số mà cả người dân tộc Kinh sinh sống tại khu vực miền núi, vùng cao, biên giới cũng gặp rất nhiều khó khăn cần được tạo điều kiện để tiếp cận cơ hội việc làm bền vững. Vì vậy, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị bổ sung điểm b khoản 1 nội dung: "Người dân tộc thiểu số, người Kinh sinh sống tại khu vực miền núi, biên giới". “Việc bổ sung này sẽ góp phần lan tỏa hiệu quả chính sách, giúp người dân có động lực vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình và đóng góp xây dựng địa phương”, đại biểu Sùng A Lềnh nhấn mạnh.

Thái Yến