Lo ngại "hụt thu", ĐBQH tỉnh Quảng Ninh kiến nghị điều chỉnh tỷ lệ phân chia ngân sách
Tại phiên thảo luận về dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà – Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã bày tỏ lo ngại về những thay đổi trong cơ chế phân chia nguồn thu ngân sách có thể khiến một địa phương đang tự chủ về ngân sách rơi vào tình trạng phụ thuộc; đồng thời, làm giảm nguồn lực tái đầu tư phát triển.
Nguy cơ mất cân đối ngân sách hàng nghìn tỷ đồng
Bày tỏ sự đồng tình với chủ trương tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, việc thực hiện chủ trương này cần đi đôi với việc bảo đảm nguồn lực cho các địa phương phát triển.
"Tỷ lệ phân chia các khoản thu giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương cần tạo điều kiện cho địa phương phát triển; không để xảy ra tình trạng một địa phương đang từ tự cân đối được ngân sách có thể lại phải phụ thuộc vào Trung ương", đại biểu kiến nghị.

Phân tích cụ thể về tác động của phương án 1, khoản 2, Điều 35 của dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà dự kiến những khoản thu quan trọng của Quảng Ninh có thể bị ảnh hưởng. Trong đó, thuế tiêu thụ đặc biệt giảm 71 tỷ đồng; thuế bảo vệ môi trường giảm 427 tỷ đồng; thuế giá trị gia tăng giảm tới 2.050 tỷ đồng. Đặc biệt, đối với nguồn thu từ tiền sử dụng đất và tiền thuê đất (đối với các địa phương không nhận bổ sung cân đối từ Trung ương, áp dụng tỷ lệ 30% cho Trung ương và 70% cho địa phương), Quảng Ninh dự kiến sẽ giảm thêm 2.000 tỷ đồng.
Với những con số trên, đại biểu cho biết, tổng thu ngân sách địa phương của tỉnh Quảng Ninh giảm 3.289 tỷ đồng cộng với dự toán chi ngân sách địa phương, thì bản chất dự toán ngân sách địa phương tỉnh Quảng Ninh đã mất cân đối gần 4.300 tỷ đồng. Mức hụt thu này, sẽ tạo ra thách thức rất lớn cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đề xuất điều chỉnh tỷ lệ phân chia ở một số khoản thu chủ yếu
Để tháo gỡ những khó khăn này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà kiến nghị, Quốc hội xem xét điều chỉnh tỷ lệ phân chia ở một số khoản thu chủ yếu.
Đối với thuế bảo vệ môi trường, hiện tại, thuế đánh trên hàng hóa nhập khẩu thuộc ngân sách Trung ương hưởng 100%, còn thuế đánh trên hàng hóa sản xuất trong nước được phân chia. Dự thảo luật đề xuất phân chia toàn bộ thuế bảo vệ môi trường (không phân biệt xuất xứ), nhưng địa phương chỉ được hưởng 20% trên tổng số. đại biểu cho rằng, tỷ lệ này là thấp, chưa đảm bảo nguyên tắc thu thuế BVMT để tạo nguồn thu cho các hoạt động giảm thiểu ô nhiễm môi trường gây ra trên địa bàn có hoạt động sản xuất và tiêu thụ hàng hóa (ví dụ các ngành than, điện ...).

Đại biểu kiến nghị tăng tỷ lệ ngân sách địa phương được hưởng đối với thuế bảo vệ môi trường theo hướng ngân sách Trung ương 50%, ngân sách địa phương 50%. Điều này sẽ giúp các địa phương có thêm nguồn lực để khắc phục những tác động tiêu cực đến môi trường do các hoạt động kinh tế gây ra.
Về thuế giá trị gia tăng, dự thảo quy định ngân sách Trung ương hưởng 70%, ngân sách các địa phương hưởng 30%, và việc phân chia cụ thể cho từng địa phương sẽ dựa trên nguyên tắc, tiêu chí do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trong từng giai đoạn. Mặc dù, ủng hộ việc Trung ương chủ động điều phối nguồn thu song theo đại biểu, cần nghiên cứu, sửa đổi quy định cụ thể nguyên tắc, tiêu chí phân chia ngay trong luật để bảo đảm hài hòa và không gây ra những biến động lớn cho ngân sách địa phương.
Tạo điều kiện để địa phương chủ động trong cân đối thu - chi
ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà lý giải, việc quy định rõ ràng, minh bạch sẽ giúp các địa phương chủ động trong việc cân đối nguồn thu, xác định nhiệm vụ chi, đồng thời đảm bảo tính ổn định trong điều hành ngân sách hàng năm và trung hạn. "Đặc biệt, đối với các địa phương có số thu thuế GTGT lớn (như tỉnh Quảng Ninh năm 2025 dự toán Trung ương giao 21.687 tỷ đồng, tương đương 40% tổng thu NSNN trên địa bàn) thì việc xác định sớm tỷ lệ phân chia cụ thể là cơ sở quan trọng để xây dựng kế hoạch tài chính phù hợp, phát huy hiệu quả nguồn lực và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương", đại biểu nhấn mạnh. Đồng thời, cũng đề xuất chỉ nên điều chỉnh tỷ lệ phân chia vào cuối thời kỳ ổn định ngân sách khi có những biến động lớn.
Đối với thu tiền sử dụng đất và tiền thuê đất, dự thảo quy định các địa phương không nhận bổ sung cân đối phải điều tiết 30% về ngân sách Trung ương và hưởng 70%. Đại biểu cho rằng, quy mô thu từ đất đai phụ thuộc lớn vào trình độ phát triển và năng lực quản lý của từng địa phương. Để duy trì lợi thế cạnh tranh, nguồn thu này cần được tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Do đó, cần xem xét tăng tỷ lệ phân chia cho các địa phương, đặc biệt là những nơi có nguồn thu từ đất chiếm tỷ trọng lớn, để tránh ảnh hưởng đột biến đến cân đối ngân sách và tạo động lực khai thác nguồn lực đất đai bền vững.