Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013
Sáng 26/5, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang chủ trì Hội nghị.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu trụ sở Bộ Quốc phòng (Hà Nội), kết nối trực tuyến với 48 điểm cầu của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng với 2.500 đại biểu tham dự.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân về việc quán triệt chủ trương của Đảng, định hướng của Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, chỉ đạo của Bộ Quốc phòng để tổ chức tuyên truyền, phổ biến và lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết, bảo đảm dân chủ, công khai, chất lượng và đúng tiến độ.
Bộ trưởng nêu rõ, Hiến pháp là văn bản pháp luật có giá trị cao nhất, quy định những nguyên tắc cơ bản, định hướng cho thể chế chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, ngoại giao, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân cũng như việc tổ chức bộ máy Nhà nước. Từ năm 1945 đến nay, đây là lần sửa đổi Hiến pháp thứ 6. Mỗi lần sửa đổi Hiến pháp đều nhằm đáp ứng tình hình thực tế và nhiệm vụ của đất nước trong từng thời kỳ cụ thể.

Bộ trưởng khẳng định: Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp lần này sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng để hoàn thiện hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng, xây dựng Quân đội theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, sắp xếp tổ chức quân sự địa phương "tinh, gọn, mạnh" đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong kỷ nguyên mới của đất nước.
“Sửa đổi Hiến pháp lần này là sự kiện chính trị có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, quyết định tương lai của đất nước. Theo quy trình phải lấy ý kiến toàn dân mà lực lượng Quân đội cũng là một thành phần trong toàn dân. Chính vì vậy, Bộ Quốc phòng tổ chức hội nghị trực tuyến, trực tiếp để các lực lượng quân đội tham gia vào những nội dung để sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, nhằm xây dựng đất nước giàu mạnh, phát triển”, Bộ trưởng Phan Văn Giang nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Quốc phòng, Đại tá Nguyễn Việt Dũng báo cáo tóm tắt nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và kết quả công tác triển khai lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết trong các cơ quan, đơn vị tại Bộ Quốc phòng.

Theo đó, trên cơ sở Kế hoạch của Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 về tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết, hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến trong toàn quân về dự thảo Nghị quyết.
Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã triển khai nghiêm túc việc lấy ý kiến đóng góp đối với dự thảo Nghị quyết, bảo đảm dân chủ, công khai, phát huy trí tuệ tập thể và trách nhiệm chính trị của cán bộ, chiến sĩ. Hình thức lấy ý kiến được thực hiện đa dạng, linh hoạt, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phù hợp với thực tế ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan, đơn vị và cá nhân tham gia góp ý.
Các cấp ủy, chỉ huy đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn quân. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh với các luận điệu chống phá, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các cơ quan thông tấn báo chí trong Quân đội mở các chuyên mục để thường xuyên phản ánh, đưa tin trong quá trình lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết.

Mặc dù thời gian triển khai ngắn, nhiều nhiệm vụ đan xen, nhưng có thể nói công tác tuyên truyền, phổ biến đã được triển khai đồng bộ, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với đối tượng và đặc điểm của từng cơ quan, đơn vị, nhất là đối với các đơn vị đóng quân trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo; thể hiện quyết tâm chính trị, phát huy trí tuệ tập thể và thống nhất cao của toàn quân đối với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Kết quả toàn quân đã tổ chức 4.686 hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết; với 415.846 ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị quyết, trong đó, có 6.779 ý ý kiến của cơ quan, đơn vị và 409.067 ý kiến của cá nhân.
Các ý kiến đều thống nhất cao với nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 trong dự thảo Nghị quyết; bám sát phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 theo chủ trương của Đảng; thống nhất cao về quy trình, cách thức soạn thảo; bố cục, kỹ thuật trình bày của dự thảo Nghị quyết; các điều khoản được kết cấu chặt chẽ, rõ ràng, dễ hiểu.

Nhiều ý kiến đại biểu cũng đã góp ý tập trung vào một số điều cụ thể. Với Điều 9 về MTTQ Việt Nam, đại biểu đề nghị sửa đổi để làm rõ vai trò trung tâm đoàn kết toàn dân, sắp xếp lại bộ máy tổ chức tinh gọn, hiệu quả, bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của Nhân dân.
Hay với Điều 10 về Công đoàn Việt Nam, đại biểu đề nghị xác định rõ Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội của người lao động, trực thuộc Mặt trận; bổ sung nhiệm vụ là đại diện người lao động trong quan hệ quốc tế và quốc gia.
Ngoài ra, một số vấn đề, như quyền trình dự án luật, pháp lệnh của các tổ chức chính trị - xã hội; quy định về tổ chức đơn vị hành chính; kỹ thuật lập hiến; bố cục dự thảo, việc trả lời chất vấn của Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân… cấp tỉnh cũng được đại biểu đóng góp ý kiến, hoàn thiện.