Nga - Ukraine: Sau trao đổi tù nhân, bước tiếp theo sẽ là gì?
Sau khi Nga và Ukraine hoàn tất đợt trao đổi tù nhân theo thỏa thuận đạt được ngày 16/5 tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, thế giới đang chờ đợi các bước đi tiếp theo của các bên để tìm kiếm giải pháp chấm dứt xung đột.
Hoàn tất thỏa thuận
Nga và Ukraine vừa hoàn tất cuộc trao đổi tù nhân lớn nhất kể từ khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022. Theo đó, nguồn tin từ Moscow cho biết, hai bên đã tiến hành trao đổi 3 đợt: 390 người ngày 23/5, 307 người ngày 24/5 và 303 người ngày hôm qua 25/5.

Bộ Quốc phòng Nga ra tuyên bố nói rõ: “Theo thỏa thuận đạt được giữa Nga và Ukraine hôm 16/5 tại Istanbul, trong giai đoạn từ 23 – 25/5, hai bên đã hoàn tất việc trao trả theo công thức 1.000 người đổi lấy 1.000 người”. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng xác nhận thông tin này.
Trong số 1.000 người được thả của mỗi bên, có 120 người là dân thường, còn lại là các tù nhân.
Trao đổi tù nhân này là bước đi cụ thể hóa duy nhất cho nỗ lực hướng tới hòa bình từ các cuộc đối thoại trực tiếp giữa Nga và Ukraine sau hơn 3 năm xung đột bùng phát. Tuy nhiên sau những hoạt động ngoại giao sôi động những ngày qua, nỗ lực đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine đang có dấu hiệu chững lại khi cả hai bên đều chưa có kế hoạch cho các cuộc đàm phán trực tiếp mới.
Những toan tính chiến lược?
Ngày 23/5, khi Nga và Ukraine bắt đầu tiến hành đợt trao đổi tù nhân đầu tiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã lên tiếng bày tỏ ủng hộ tiến trình đàm phán, và khẳng định nước này sẽ có vòng đàm phán thứ hai với Ukraine. Ông Lavrov cũng cho biết sau khi hai bên hoàn tất công việc trao đổi tù nhân, Nga sẵn sàng đề xuất một dự thảo cho thỏa thuận hòa bình lâu dài với Ukraine - tuy nhiên không đề cập chi tiết về dự thảo sắp được đề xuất này.

Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định, nước này cùng với các đối tác đang cân nhắc việc sắp xếp một cuộc họp cấp cao giữa Ukraine, Nga, Mỹ, các nước Liên minh châu Âu và Anh: “Chúng tôi đang cân nhắc một cuộc họp của tất cả các nhóm một lần nữa và muốn nó diễn ra ở cấp cao, với sự tham gia của cả Mỹ, Ukraine, Nga, Liên minh châu Âu và Anh. Một cuộc họp như vậy có thể diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, Vatican hoặc Thụy Sĩ”.
Dù vậy, vẫn chưa có bất kỳ cuộc đàm phán trực tiếp nào được lên lịch. Theo các nhà phân tích, điều này phản ánh tính toán chiến lược từ cả hai phía.
Đây được xem là khoảng dừng cần thiết để Nga và Ukraine đánh giá tình hình, xác định lại các mục tiêu và gia tăng đòn bẩy trước khi bước vào bất kỳ cuộc đàm phán quan trọng nào có thể diễn ra trong tương lai. Nga muốn giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột, đó là Ukraine phải trung lập, công nhận những vùng lãnh thổ mà nước này đã sáp nhập và phương Tây phải dừng hỗ trợ quân sự cho Kiev – trong khi Ukraine tới nay vẫn giữ lập trường không nhượng bộ các vấn đề về lãnh thổ.
Tuy nhiên trên thực địa, giao tranh vẫn diễn ra ác liệt.
Một số nguồn tin chưa được kiểm chứng cho biết, ngay trong đêm 23/5 đã có 367 thiết bị bay không người lái và tên lửa được phóng từ phía Nga về các thành phố của Ukraine, bao gồm cả thủ đô Kiev, khiến một số người thiệt mạng và bị thương.

Bộ Quốc phòng Nga thì cho biết các đơn vị phòng không của nước này đã phải đánh chặn 95 thiết bị bay không người lái từ phía Ukraine trong tổng quãng thời kéo dài hơn 4 tiếng. Theo thông báo của Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin, đã có 12 thiết bị bay của Ukraine bị đánh chặn trước khi bay vào vùng trời thủ đô.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ngay lập tức lên tiếng chỉ trích những động thái gia tăng xung đột này của cả Nga và Ukraine. Tuy nhiên, những diễn biến này cũng cho thấy, mỗi bên đều đang nỗ lực củng cố vị thế quân sự của mình, điều thường thấy trước khi bước vào mọi quá trình đàm phán quan trọng.

Tuy nhiên, hiện các kênh ngoại giao gián tiếp thúc đẩy hòa bình Nga – Ukraine vẫn đang hoạt động. Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục khẳng định vai trò trung gian và sẵn sàng tổ chức đàm phán nếu được hai bên chấp thuận. Thụy Sĩ cũng tuyên bố sẵn sàng làm trung gian và đăng cai tổ chức một hội nghị hòa bình giữa Nga và Ukraine, với kỳ vọng xây dựng được một khuôn khổ chung về hòa bình dựa trên các nguyên tắc quốc tế.
Một điều đáng chú ý là sau khi Nga - Ukraine nối lại đàm phán trực tiếp đầu tiên sau 3 năm, các nước dường như đã có sự thay đổi lớn trong cách tiếp cận đối với cuộc xung đột này, đó là tạo dựng một hòa bình bền vững không thể ép buộc giữa hai nước. Hiện các nước đang tập trung vào việc tạo ra môi trường cho đối thoại nhằm hướng tới một tiến trình hoà bình bền vững và lâu dài cho cả Ukraine và Nga.