Phòng chống tham nhũng, lãng phí

Vụ mỏ cát có giá khởi điểm 1,2 tỷ “đấu” lên 370 tỷ đồng ở Quảng Nam: Sẽ xử lý để cảnh cáo, răn đe chung

Tấn Tài 26/05/2025 10:55

Cơ quan công an khẳng định sẽ xử lý nghiêm vụ mỏ cát có “giá khởi điểm 1,2 tỷ đồng nhưng doanh nghiệp đấu giá lên đến 370 tỷ đồng” nhằm cảnh cáo, răn đe chung, tránh tình trạng thao túng thị trường, gây ảnh hưởng đến hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn.

Ngày 26/5, trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, Đại tá Nguyễn Hà Lai, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, Cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án vi phạm các quy định về đấu giá tại điểm mỏ ĐB2B (xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam).

Đây là vụ đấu giá mỏ cát gây xôn xao dư luận thời gian qua khi giá khởi điểm ban đầu chỉ khoảng 1,2 tỷ đồng nhưng trải qua 200 vòng đấu giá, một doanh nghiệp đã trúng đấu giá với số tiền hơn 370 tỷ đồng.

Sẽ xử lý nghiêm để cảnh cáo, răn đe chung

Theo Đại tá Nguyễn Hà Lai, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, thời gian qua, lực lượng Công an từ cấp cơ sở đến các phòng nghiệp vụ đang vào cuộc, phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động khai thác, vận chuyển, mua bán khoáng sản vật liệu xây dựng trên địa bàn; bảo đảm các hoạt động trên đúng theo quy định của pháp luật. Không để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản bị buông lỏng, dẫn đến thất thoát ngân sách, tài nguyên.

z-01.jpg
Cơ quan Công an khởi tố vụ án liên quan đến việc đấu giá mỏ cát tại điểm mỏ ĐB2B.

Đồng thời, Công an sẽ xem xét các vụ đấu giá, nếu có dấu hiệu lũng đoạn, thông đồng để làm giá thì xử lý nghiêm.

Liên quan đến vụ việc mỏ cát tại điểm mỏ ĐB2B (xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) có giá khởi điểm 1,2 tỷ đồng nhưng trải qua 200 vòng đấu giá, Công ty Cổ phần MT Quảng Đà (trụ sở tại số 461-463 Nguyễn Hữu Thọ, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) là đơn vị trả mức giá cao nhất với số tiền trúng đấu giá hơn 370 tỷ đồng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện Cơ quan CSĐT đang tiếp tục củng cố hồ sơ, đề nghị khởi tố các bị can liên quan do vi phạm các quy định về đấu giá.

Thủ tục khởi tố bị can sẽ được tiến hành ngay sau khi cơ quan công an và Sở Tư pháp Quảng Nam hoàn thiện, điều chỉnh xong các thủ tục pháp lý liên quan.

Đại tá Nguyễn Hà Lai cũng nhấn mạnh, cơ quan công an sẽ xử lý nghiêm vụ việc này đã làm “án điểm” nhằm cảnh cáo, răn đe chung đối với các doanh nghiệp có hành vi thao túng, làm lũng đoạn công tác đấu giá các mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn.

Trước đó, như Báo Đại biểu Nhân dân đã thông tin, vào ngày 18/10/2024, Công ty đấu giá Hợp Danh Hòa Thuận đã tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại điểm mỏ ĐB2B nằm trên địa bàn xã Điện Thọ (thị xã Điện Bàn). Điểm mỏ này có diện tích 6,04 ha với trữ lượng theo kế hoạch được phê duyệt là 159.000 m3. Mức giá khởi điểm đưa ra là 1,2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trải qua gần 20 giờ, đến rạng ngày 19/10/2024 thì cuộc đấu giá mới kết thúc với số tiền chốt phiên lên tới 370 tỷ đồng. Theo đó, Công ty Cổ phần MT Quảng Đà là đơn vị trúng đấu giá mỏ cát với số tiền 370 tỷ đồng.

Sau khi kết quả phiên đấu giá được công bố đã gây xôn xao dư luận. Nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh mục đích của các đơn vị tham gia đấu giá, đẩy giá quá cao so với thực tế như vậy. Liệu có phải các doanh nghiệp khai khoáng này cố tình đẩy giá cát trên thị trường tăng cao, còn đơn vị tham gia đấu giá, bỏ giá cao rồi bỏ cọc (!?).

Trước những bất thường trong vụ đấu giá mỏ cát tại xã Điện Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng đã có công văn gửi Công an tỉnh và các Sở ngành liên quan về việc “kiểm tra dấu hiệu bất thường đối với trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản cát làm vật liệu xây dựng thông thường tại điểm mỏ cát ký hiệu ĐB2B, xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn”.

Đến ngày 25/12/2024, Chánh Thanh tra Sở Tư pháp tỉnh Quảng Nam đã ban hành quyết định xử phạt Công ty CP MT Quảng Đà 17 triệu đồng về hành vi “Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá”.

Sau đó, Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn đã ký quyết định về việc hủy kết quả phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với điểm mỏ ĐB2B tại xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn.

Thị trường cát tăng “phi mã”

Những ngày qua, tại các tỉnh miền trung, giá cát xây dựng tăng “phi mã” khiến nguồn cung trở nên khan hiếm.

Theo ghi nhận, giá cát xây dựng tại TP. Đà Nẵng hiện dao động từ 550.000 đến 700.000 đồng/m³, trong đó cát tô (cát vàng) vượt ngưỡng 700.000 đồng/m³ - mức giá cao chưa từng thấy. Nhiều đại lý vật liệu xây dựng báo giá cát xây dựng dao động 550.000 đến 750.000 đồng/m³, tăng gần 150.000 đồng so với tháng trước và cao hơn 200.000 đồng/m³ so với đầu năm 2025. Không chỉ tăng giá, nguồn cung cát hiện cũng trở nên khan hiếm nghiêm trọng.

Hiện đang đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng một khách sạn chuẩn 5 sao ở Đà Nẵng nhưng nhiều ngày qua, Công ty TNHH Xây dựng Tiến Long phải ngược xuôi khắp nơi tìm nguồn cát và bê-tông tươi. “Nguồn cát từ Quảng Nam cũng đang khan hiếm, gọi khắp các nơi nhưng giá cứ báo tăng lên theo từng ngày. Nếu tình trạng này tiếp diễn, nhiều công trình xây dựng có nguy cơ đứng bánh”, ông Nguyễn Vũ Long, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Tiến Long cho biết.

Theo tìm hiểu, trước tình trạng khan hiếm cát, một số doanh nghiệp chuyên cung cấp bê tông thương phẩm ở Đà Nẵng đã gửi thông báo đến khách hàng đề nghị tăng giá hoặc tạm ngưng cung cấp bê tông thương phẩm ra thị trường.

Trước tình trạng này, Sở Xây dựng Đà Nẵng đã có văn bản yêu cầu các đơn vị cung ứng vật liệu, các đơn vị sản xuất bê tông thương phẩm cung cấp thông tin điều chỉnh giá, tạm dừng cung ứng.

Tấn Tài