Quốc tế

Pháp luật thế giới về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạoEstonia: Cải cách toàn diện pháp luật về nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo

Ngọc Minh 26/05/2025 08:47

Estonia đang soạn thảo một dự luật mới nhằm thay thế Luật Tổ chức nghiên cứu và phát triển năm 1997, văn bản đã lạc hậu dù đã được sửa đổi hơn 20 lần. Dự luật mới dự kiến được thông qua trong năm 2025, với mục tiêu hiện đại hóa hệ thống pháp lý, thúc đẩy hiệu quả nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, phù hợp hơn với bối cảnh khoa học, kinh tế và xã hội hiện đại.

Dự luật là một phần trong chiến lược “Nghiên cứu, phát triển, đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp” của Estonia giai đoạn 2021 - 2035, nhằm nâng cao phúc lợi xã hội và năng suất kinh tế của quốc gia thông qua các giải pháp phát triển bền vững và có tính cạnh tranh cao. Estonia kỳ vọng cải cách này sẽ giúp củng cố hệ thống nghiên cứu quốc gia, tạo ra nền tảng pháp lý mạnh mẽ hơn để thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo và nâng cao vị thế quốc gia trong cộng đồng khoa học quốc tế.

Kết nối giữa nghiên cứu và đổi mới sáng tạo

Mục tiêu quan trọng của dự luật là tạo ra dòng chảy hiệu quả hơn từ nghiên cứu đến ứng dụng thực tiễn và đổi mới sáng tạo. Cho đến gần đây, Chính phủ Estonia có hai chiến lược riêng biệt: một cho nghiên cứu (do Bộ Giáo dục và nghiên cứu quản lý) và một cho doanh nghiệp và khởi nghiệp (do Bộ Kinh tế và truyền thông phụ trách).

Một trong những cải cách then chốt được đưa vào dự luật là tích hợp cơ cấu quản lý giữa nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Thay vì duy trì hai ủy ban độc lập như trước đây, dự luật quy định thành lập một cơ quan tư vấn duy nhất, chịu trách nhiệm hoạch định chính sách trong cả hai lĩnh vực để có thể đưa ra các tư vấn nhất quán hơn. Điều đó có nghĩa là Ủy ban Chính sách nghiên cứu sẽ được sáp nhập với Ủy ban Chính sách đổi mới sáng tạo thành một ủy ban duy nhất.

img_0356.jpeg
Nguồn ảnh: newyorker.com

Cách tiếp cận tích hợp này giúp giảm thiểu sự chồng chéo, tăng tính phối hợp và bảo đảm rằng các chính sách nghiên cứu và đổi mới sáng tạo không bị tách rời, mà cùng hướng đến mục tiêu phát triển đồng bộ và hiệu quả hơn trong dài hạn. Đồng thời, Bộ Giáo dục và nghiên cứu sẽ được trao nhiều quyền hơn đối với các hoạt động nghiên cứu và phát triển do các bộ khác thực hiện, trong các lĩnh vực bao gồm năng lượng, nhà ở và nông nghiệp.

Hệ thống tài trợ mới và định nghĩa rõ ràng hơn

Bên cạnh đó, dự luật còn đưa ra định nghĩa rõ ràng và nghiêm ngặt hơn về tổ chức nghiên cứu - điều chưa từng được quy định một cách đầy đủ trong các văn bản pháp lý trước đây. Theo đó, chỉ những tổ chức được đánh giá và công nhận chính thức về năng lực nghiên cứu mới được phép tiếp cận các nguồn tài trợ từ ngân sách nhà nước.

Quy định này không những bảo đảm sự minh bạch trong phân bổ ngân sách, mà còn tạo động lực để các tổ chức nâng cao chất lượng nghiên cứu, đồng thời hạn chế tình trạng lạm dụng nguồn lực công cho các hoạt động không đúng mục đích.

Một điểm đổi mới đáng chú ý khác là cơ chế tài trợ được thiết kế riêng biệt cho khu vực công và khu vực tư. Với nhận thức rằng mục tiêu và phương pháp tiếp cận của các đơn vị nghiên cứu công lập và tư nhân là khác nhau, dự luật đưa ra các tiêu chí đánh giá và hỗ trợ tài chính riêng phù hợp với từng nhóm đối tượng, nhằm tối đa hóa giá trị thu được từ các khoản đầu tư nghiên cứu và phát triển. Ví dụ, các trường đại học, nơi tập trung vào phát triển tri thức và đào tạo, sẽ được đánh giá theo các chỉ số học thuật, trong khi các tổ chức tư nhân sẽ được hỗ trợ dựa trên khả năng thương mại hóa nghiên cứu và tạo ra giá trị kinh tế cụ thể.

Cải cách đạo đức nghiên cứu và khoa học mở

Một điểm đổi mới nữa là dự luật sẽ hệ thống hóa các quy định về đạo đức nghiên cứu, bao gồm cả việc đưa khoa học mở vào luật, cũng như quy định cách chia sẻ tri thức và kết quả nghiên cứu sao cho an toàn và có đạo đức. Mặc dù các nguyên tắc này đã hiện diện trong hoạt động nghiên cứu tại Estonia, nhưng cho đến nay vẫn chưa được pháp luật bảo đảm.

Một hội đồng đạo đức khoa học quốc gia sẽ được thành lập, hoạt động dưới sự quản lý của Hội đồng nghiên cứu Estonia. Cơ quan này có nhiệm vụ giám sát các chuẩn mực đạo đức trong nghiên cứu, xử lý các vấn đề liên quan đến vi phạm đạo đức, đồng thời thúc đẩy việc tiếp cận mở đối với dữ liệu và kết quả nghiên cứu, vốn đang ngày càng trở thành tiêu chuẩn quốc tế.

Đơn giản hóa hành chính

Đặc biệt, dự luật nỗ lực cải cách hệ thống hành chính và pháp lý liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo. Nó sẽ hợp nhất các quy định còn phân mảnh và đơn giản hóa quy trình thủ tục, giúp các tổ chức nghiên cứu và nhà khoa học không bị sa lầy trong hành chính mà có thể tập trung tối đa vào đổi mới và sáng tạo.

Hướng tới hệ sinh thái đổi mới sáng tạo có tính cạnh tranh cao

Dự luật mới sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc để Estonia đẩy mạnh phát triển nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo. Cải cách này không chỉ nâng cao hiệu quả và minh bạch trong quản lý, mà còn thúc đẩy liên kết giữa nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu, hướng tới xây dựng một hệ sinh thái đổi mới cạnh tranh ở tầm khu vực và quốc tế. Đồng thời, đây cũng là bước tiến quan trọng trong việc hiện thực hóa các mục tiêu của chiến lược “Nghiên cứu, phát triển, đổi mới và doanh nghiệp 2021 - 2035”.

Estonia hiện có thành tích nghiên cứu và phát triển nổi bật so với quy mô quốc gia, dù hiện vẫn được EU xếp vào nhóm “nhà đổi mới trung bình”. Tuy nhiên, nước này đã tiệm cận nhóm “nhà đổi mới mạnh” và đang tập trung cải thiện điểm yếu chính: mức hỗ trợ nhà nước cho nghiên cứu và phát triển trong doanh nghiệp.

Thủ tướng Estonia Kristen Michal khẳng định, nghiên cứu và đổi mới phải đóng vai trò trung tâm trong chiến lược phát triển kinh tế. Hiện Estonia đang đầu tư vào hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ sâu (deep-tech) - bao gồm trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học và năng lượng sạch - với kế hoạch hành động giai đoạn 2023 - 2027 đã được khởi động. Dự luật mới sẽ là nền tảng pháp lý quan trọng giúp hiện thực hóa mục tiêu này.

Ngọc Minh