Pháp luật thế giới về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Trung Quốc: Từ định hướng chiến lược đến điều tiết thực tiễn
Trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ toàn cầu ngày càng gay gắt, Trung Quốc đang nổi lên như một cường quốc đổi mới sáng tạo không chỉ nhờ đầu tư mạnh mẽ cho nghiên cứu và phát triển, mà còn nhờ một hệ thống pháp luật đồng bộ, có định hướng rõ ràng và linh hoạt theo thực tiễn.
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo bằng nhiều luật
Ngay từ đầu năm 2006, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành Phác thảo Kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ trung hạn và dài hạn quốc gia giai đoạn 2006 - 2020, trong đó lần đầu tiên xác lập đổi mới sáng tạo là chiến lược quốc gia trọng tâm. Kế hoạch nhấn mạnh rằng việc nâng cao năng lực đổi mới là nền tảng chiến lược cho sự phát triển khoa học và công nghệ, đồng thời là yếu tố then chốt trong quá trình tái cấu trúc công nghiệp và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Đổi mới sáng tạo được thể chế hóa một cách bài bản thông qua hệ thống pháp luật, các văn bản dưới luật và các công cụ điều tiết mềm nhằm bảo đảm thực thi hiệu quả.
Trụ cột đầu tiên trong hệ thống pháp lý đổi mới của Trung Quốc là các đạo luật khung như Luật Tiến bộ khoa học và công nghệ (sửa đổi năm 2021), Luật Thúc đẩy chuyển giao kết quả khoa học và công nghệ (2015), và Luật Phổ cập khoa học công nghệ (sửa đổi 2024).
Trong đó, Luật Tiến bộ khoa học và công nghệ xác định doanh nghiệp là trung tâm của hoạt động đổi mới sáng tạo, với các cơ chế ưu đãi về thuế, tài chính và đầu tư nghiên cứu và phát triển. Cụ thể, các doanh nghiệp công nghệ cao được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi. Ngoài ra, các doanh nghiệp được phép khấu trừ chi phí nghiên cứu và phát triển lên đến 75% khi tính thuế, nhằm khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này.

Để phổ biến tinh thần đổi mới ra toàn xã hội, Luật Phổ cập khoa học và công nghệ đưa ra các chính sách tích cực nhằm thúc đẩy giáo dục khoa học trong trường học, xây dựng các không gian sáng tạo cộng đồng, bảo trợ tài chính cho các tổ chức khoa học phi lợi nhuận.
Ngay từ tháng 1/1956, Chính phủ đã ban hành lời kêu gọi và kế hoạch phát triển giáo dục công nghệ. Cùng năm đó, Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân trở thành trường đầu tiên đào tạo ngành khoa học máy tính, và đến tháng 7, Đại học Thanh Hoa cũng thành lập chuyên ngành máy tính đầu tiên. Trong những thập kỷ tiếp theo, Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp tục mở rộng các ngành đào tạo về khoa học , công nghệ, đồng thời tăng cường số lượng đề tài nghiên cứu ở bậc thạc sĩ và tiến sĩ trong các lĩnh vực này. Thậm chí, kể từ năm 2015, Trung Quốc đã đẩy mạnh phát triển nhiều chương trình giáo dục khoa học dành cho trẻ em, với nội dung phong phú như lập trình máy tính, lắp ráp robot và xây dựng mô hình điện tử. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp xã hội tham gia thiết kế và triển khai các khóa học này, với mục tiêu khơi dậy trí tò mò, nuôi dưỡng tư duy sáng tạo từ sớm, đồng thời lồng ghép giáo dục khoa học, công nghệ thông qua các hoạt động khám phá và vui chơi đầy hứng thú.
Đáng chú ý, Trung Quốc đang xúc tiến xây dựng pháp luật về nghiên cứu khoa học cơ bản nhằm bảo đảm nguồn lực dài hạn cho các nghiên cứu nền tảng, đóng vai trò nền móng cho công nghệ đột phá trong tương lai. Theo Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, trong năm 2024, nước này đã đầu tư khoảng 249,7 tỷ Nhân dân tệ vào nghiên cứu cơ bản, chiếm 6,91% tổng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển.
Các công cụ khác ngoài luật khung
Bên cạnh các luật khung, Trung Quốc triển khai đồng bộ các công cụ pháp lý cụ thể để hỗ trợ và điều tiết hoạt động đổi mới. Nhà nước thiết lập các quỹ đầu tư khoa học, công nghệ có vai trò “dẫn dắt” dòng vốn thị trường, như Quỹ Khoa học công nghệ quốc gia. Đồng thời, cơ chế sandbox pháp lý được triển khai ở một số địa phương như Bắc Kinh và Thâm Quyến, cho phép doanh nghiệp công nghệ thử nghiệm sản phẩm mới trong môi trường pháp lý linh hoạt nhưng có kiểm soát. Điều này giúp chính sách vừa hỗ trợ đổi mới, vừa có khả năng tự điều chỉnh dựa trên thực tiễn.
Cùng với đó, Trung Quốc cũng chủ động thiết lập khung pháp lý để kiểm soát rủi ro đi kèm với đổi mới công nghệ. Luật Quản lý dữ liệu (2021), Luật Bảo vệ thông tin cá nhân (2021), Luật An ninh mạng (2017) hay Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi năm 2020) là những công cụ pháp lý quan trọng giúp Nhà nước kiểm soát dòng dữ liệu lớn, bảo vệ quyền riêng tư và an ninh công nghệ. Trung Quốc cũng ban hành nhiều hướng dẫn đạo đức nghiên cứu, đặc biệt trong các lĩnh vực như công nghệ sinh học, chỉnh sửa gene và trí tuệ nhân tạo. Việc này thể hiện cách tiếp cận “đổi mới có kiểm soát”, phát triển nhanh nhưng không buông lỏng quản trị.
Một điểm đáng chú ý là Trung Quốc cho phép các địa phương thực hiện mô hình “thí điểm pháp lý” với chính sách đặc thù về thu hút nhân lực, tài chính và chuyển giao công nghệ tại các khu công nghệ cao như Thâm Quyến, Hàng Châu. Cách làm này giúp Trung Quốc tận dụng ưu thế vùng miền, linh hoạt thử nghiệm chính sách mới, và nếu hiệu quả sẽ được nhân rộng trên toàn quốc - bảo đảm pháp luật luôn đi kịp thực tiễn đổi mới.
Nhìn tổng thể, hệ thống pháp luật về đổi mới sáng tạo của Trung Quốc đang dần hình thành nền tảng thể chế hiện đại, kết hợp giữa định hướng chiến lược và cơ chế vận hành linh hoạt. Nước này đã đạt được những thành tựu nổi bật trong đổi mới sáng tạo. Trong năm 2024, theo Global Times, nước này đã cấp 1,045 triệu bằng sáng chế phát minh, tăng 13,5% so với năm trước - con số phản ánh rõ hiệu quả của chính sách khuyến khích sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, dữ liệu của Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ dân số có hiểu biết khoa học cũng đạt 15,37%, cho thấy hiệu quả từ các chương trình phổ cập khoa học và giáo dục công nghệ toàn dân. Đáng chú ý, đất nước gấu trúc đã được xếp hạng 11 trong Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024, vượt qua nhiều quốc gia phát triển khác về khả năng nghiên cứu và thương mại hóa công nghệ, theo CGTN News.