Nhóm thí sinh của phương thức nào có kết quả học tập tốt hơn khi vào ĐH Kinh tế Quốc dân?
Theo TS Lê Anh Đức, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Đại học Kinh tế Quốc dân, một trong những căn cứ quan trọng nhất để xác định ngưỡng quy đổi tương đương điểm trúng tuyển giữa các phương thức là đối sánh vào kết quả học tập của các nhóm đối tượng đã trúng tuyển những năm vừa qua.
Xây dựng các bảng quy đổi dựa trên nhiều dữ liệu
Tại Ngày Tư vấn tuyển sinh - Hướng nghiệp NEU Open Day 2025 của Đại học Kinh tế Quốc dân, tổ chức ngày 25/5, nhiều thí sinh, phụ huynh bày tỏ băn khoăn, thắc mắc về vấn đề quy đổi tương đương giữa các phương thức, tổ hợp xét tuyển về một thang điểm để thực hiện xét tuyển.
Trả lời thí sinh và phụ huynh, TS Lê Anh Đức, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh, dù xét tuyển theo phương thức nào, những đầu điểm này đều quy đổi về thang 30, sau đó nhà trường sẽ lấy mức điểm cao nhất để xét tuyển bình đẳng, công bằng giữa tất cả thí sinh.

TS Lê Anh Đức cho biết vừa qua, Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn chi tiết việc xây dựng quy tắc quy đổi tương đương điểm trúng tuyển, ngưỡng đầu vào giữa các phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển cho một ngành/nhóm ngành đào tạo. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT chỉ cung cấp khung quy đổi, các trường sẽ dựa trên cơ sở đó để xây dựng các bảng quy đổi riêng, dựa trên việc phân tích các hồ sơ, dữ liệu.
Theo đó, Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ dựa vào khung quy đổi của Bộ GD-ĐT làm tổng thể. Bên cạnh đó, trường còn dựa vào việc đánh giá kết quả học tập của nhiều đối tượng trúng tuyển vào trường trong những năm qua; kết hợp với thông tin Bộ GD-ĐT công bố về phổ điểm thi tốt nghiệp THPT và phổ điểm các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy được Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội công bố năm nay.
Trong đó, một trong những căn cứ quan trọng nhất là tham chiếu, đối sánh vào kết quả học tập của các đối tượng đã trúng tuyển vào Đại học Kinh tế Quốc dân những năm vừa qua.
“Chẳng hạn, nếu quy đổi điểm của 1 thí sinh thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội đạt 100 điểm, với 1 thí sinh thi tốt nghiệp THPT đạt 28 điểm có tương đương nhau hay không thì trước hết phải dựa vào khung quy đổi của Bộ GD-ĐT, tức là dựa vào tổng thể, mà trong đó dữ liệu vào Đại học Kinh tế Quốc dân là một tập con của tổng thể đó.
Đồng thời, cũng cần căn cứ vào dữ liệu kết quả học tập những năm qua của các bạn khi vào học tại Đại học Kinh tế Quốc dân. Nếu những bạn đạt 100 điểm đánh giá năng lực xét tuyển đầu vào, kết quả điểm trung bình chung khi vào trường là 7.0; trong khi các bạn đạt 28 điểm thi tốt nghiệp THPT lại được 7.5 thì không phải là tương đương”, TS Lê Anh Đức dẫn chứng.
Ông nhấn mạnh, đánh giá “tương đương” ở đây tức là theo năng lực cốt lõi, năng lực học tập của người học ở ngưỡng điểm đầu vào đó.
Ông Đức cũng “bật mí”, thời gian qua Đại học Kinh tế Quốc dân đã thực hiện khảo sát kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển trong 3 năm gần đây và nhận thấy, ở cùng một mức tương đương, những thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội kết hợp với chứng chỉ tiếng Anh có kết quả học tập tốt hơn so với các sinh viên trúng tuyển theo phương thức xét tuyển khác.
“Điều đó cho thấy rằng, nếu chúng ta chỉ dựa vào số học thuần tuý, tương đương thì chưa chắc chính xác, mà phải dựa vào kết quả học tập để đưa ra được các mức tương đương theo nghĩa toàn diện. Đại học Kinh tế Quốc dân đã tính được các phân vị như vậy với kết quả của mình, nhưng chỉ với những dữ liệu từ năm 2024 trở về trước, do đó không có giá trị trong năm nay”, TS Lê Anh Đức chia sẻ.

Đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh, giữa các năm tuyển sinh
Cũng theo TS Lê Anh Đức, việc Bộ GD-ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục phải đưa ra được các nguyên tắc, quy tắc để quy đổi tương đương điểm trúng tuyển của các phương thức khác nhau, mục tiêu lớn nhất là đảm bảo sự công bằng trong toàn hệ thống tuyển sinh.
Đại học Kinh tế Quốc dân đã xây dựng cơ bản xong quy tắc này, đang chờ cập nhật cơ sở dữ liệu là phổ điểm thi tốt nghiệp THPT, phổ điểm của các kỳ thi đánh giá năm nay để đưa ra được bảng quy đổi cho các thí sinh.
“Thí sinh khi có nhiều đặc điểm sẽ được lựa chọn mức điểm quy đổi cao nhất để xét tuyển chung trên toàn hệ thống. Bên cạnh đó, chúng tôi coi trọng việc đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh, giữa các phương thức, theo nghĩa quy đổi tương đương phải đảm bảo theo yêu cầu năng lực học tập, năng lực cốt lõi của các em khi vào Đại học Kinh tế Quốc dân”, TS Lê Anh Đức thông tin.
Đồng thời, việc quy đổi cũng phải đảm bảo tính tương đồng với các thí sinh có năng lực tương đồng như vậy ở các năm trước. Ví dụ, một thí sinh ở năm trước có đặc điểm nhất định đã trúng tuyển vào nhóm ngành nào đó của trường thì năm nay với những thí sinh có năng lực tương tự, điểm tương tự, trường sẽ cố gắng xây dựng bảng quy đổi để các em có cơ hội đỗ tương đương.
TS Lê Anh Đức nhấn mạnh, điều này giúp đảm bảo tính công bằng giữa các năm tuyển sinh, hay nói cách khác là đảm bảo sự ổn định trong chiến lược tuyển sinh của nhà trường.
Theo kế hoạch, từ ngày 1/6 đến 30/6, Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ thu hồ sơ đăng ký xét tuyển vào Đại học năm 2025. Trước ngày 18/7, chuẩn bị và phân tích dữ liệu. Trước ngày 20/7 sẽ xây dựng bảng quy đổi tương đương.
Trước ngày 21/7, Đại học Kinh tế Quốc dân chạy xét tuyển thử để kiểm tra và xác định bảng quy đổi cuối cùng. Trước ngày 23/7, trình Hội đồng Tuyển sinh thông qua của bảng quy đổi chính thức và cập nhật trên hệ thống của Bộ GD-ĐT.