Thực hiện đồng bộ các giải pháp, quyết tâm đạt tăng trưởng 8%
Đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024 và những tháng đầu năm nay, các ĐBQH tin tưởng sẽ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay. Muốn vậy, phải tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ, quyết liệt, cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai, thúc đẩy khả năng tiếp cận tín dụng cho sản xuất kinh doanh...
ĐBQH Dương Bình Phú (Phú Yên): Đặc biệt quan tâm cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai
.jpg)
Trong bối cảnh nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, từ cả tình hình thế giới, khu vực biến động, khó lường và những hạn chế, khó khăn trong nội tại của nền kinh tế, tôi đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ, quyết liệt, hơn nữa, trong đó, tôi đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm thực hiện cải cách hành chính nói chung và đặc biệt là cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai nói riêng.
Để khắc phục những hạn chế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý đất đai, tôi đề nghị Chính phủ quan tâm một số giải pháp:
Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý về đất đai; rà soát và sửa đổi những quy định pháp lý còn bất cập, thiếu rõ ràng hoặc không còn phù hợp với thực tiễn. Các văn bản pháp luật về đất đai cần được xây dựng đồng bộ, thống nhất và rõ ràng hơn, giảm thiểu sự chồng chéo, mâu thuẫn, đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.
Hai là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất đai. Việc xây dựng hệ thống thông tin đất đai quốc gia phải được triển khai mạnh mẽ và toàn diện hơn. Các cơ sở dữ liệu về đất đai cần được kết nối giữa các cấp chính quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng thông tin đất đai. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết thủ tục hành chính sẽ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, hạn chế tình trạng tiêu cực và nâng cao tính minh bạch.
Ba là, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Cần tiếp tục nghiên cứu, đơn giản hóa và tinh gọn các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, giảm số lượng giấy tờ cần thiết và thời gian giải quyết các hồ sơ đất đai. Việc cải cách này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho người dân, đồng thời tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực đất đai.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Cần xây dựng và triển khai một hệ thống giám sát chặt chẽ, minh bạch trong công tác quản lý đất đai. Các cơ quan nhà nước cần thường xuyên kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai, đặc biệt là trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đấu giá đất đai, và quy hoạch sử dụng đất.
Năm là, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý đất đai. Để thực hiện các cải cách hành chính hiệu quả, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đất đai cần được đào tạo bài bản, nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn. Việc này sẽ giúp giảm thiểu sai sót trong quá trình xử lý thủ tục, đồng thời tạo ra một đội ngũ công chức có tâm và có tầm, sẵn sàng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
ĐBQH Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau): Thúc đẩy khả năng tiếp cận tín dụng cho sản xuất kinh doanh
.jpg)
Theo Báo cáo của Chính phủ, khu vực kinh tế tư nhân chưa tạo được sự đột phá về chất lượng, quy mô và năng lực cạnh tranh; sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp hơn so với kế hoạch. Do đó, đề nghị Chính phủ phải có giải pháp hữu hiệu, tích cực, để khi sáp nhập các đơn vị hành chính cũng cần tính toán chuyển các chương trình, dự án thật nhanh, gọn, không bị vướng mắc, hệ lụy về mặt pháp luật.
Chính phủ cần quan tâm sát sao đến tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc có dấu hiệu diễn biến phức tạp, đe dọa đến sức khỏe cộng đồng.
Đáng lưu ý, dự toán ngân sách trung ương chưa phân bổ còn khá lớn, đề nghị xem xét lại, việc chậm phân bổ ở đơn vị nào, lý do do đâu, có tình trạng tạo cơ chế xin - cho hay không và có gây áp lực giải ngân vào cuối năm, giảm hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước không?
Cần có giải pháp thúc đẩy khả năng tiếp cận tín dụng cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm tạo điều kiện tối đa cho sản xuất kinh doanh. Chủ động ứng phó với các rủi ro từ những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, xây dựng phương án hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Đẩy mạnh chuyển đổi số. Kịp thời sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến tổ chức bộ máy, tạo không gian cho địa phương phát triển; thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát một cách hiệu quả.
Đồng thời, cần sớm ban hành các chính sách ứng phó với nguy cơ thất nghiệp do tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, do sắp xếp bộ máy, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động chịu tác động.
ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương): Cần thay đổi cách tính chỉ tiêu về môi trường\
.jpg)
Báo cáo bổ sung việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của Chính phủ đã tạo không khí rất phấn khởi trong toàn xã hội. Bởi, chúng ta đã đạt 15/15 chỉ tiêu, trong đó có 12 chỉ tiêu vượt so với kế hoạch được giao, đặc biệt là chỉ tiêu về năng suất lao động nhiều năm không đạt mà năm 2024 đã đạt được. Tăng trưởng GDP cả năm 2024 cũng đạt 7,09%, trong khi các dự báo trước đó đều chỉ đạt khoảng 7%; thu nhập bình quân đầu người hiện đã đạt 4.700 USD, nền kinh tế đứng thứ 32 thế giới với tổng GDP đạt 476,3 tỷ USD.
Dù vậy, các chỉ tiêu liên quan đến bảo vệ môi trường do UBND các địa phương báo cáo còn "vênh" so với thông báo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường (trước đây là Bộ Tài nguyên và Môi trường). Các tỉnh đều báo cáo tỷ lệ thu gom, xử lý rác đạt từ 95 - 97%, có tỉnh đạt 98%. Nhưng, theo số liệu của Bộ quản lý vẫn cho thấy, 71% số rác thải hiện được mang chôn lấp, trong đó chỉ có 20% là đạt tiêu chuẩn vệ sinh.
Thực tế này cho thấy, chúng ta cần điều chỉnh cách đo lường chỉ tiêu về môi trường, dù rằng có thể dẫn tới chúng ta không đạt đủ 15/15 chỉ tiêu đã đặt ra, nhưng sẽ giúp đưa nguồn lực xã hội về đúng vị trí. Chỉ tiêu về môi trường có thể không hoàn thành trong trước mắt, nhưng chúng ta sẽ dồn nguồn lực xử lý, đưa đất nước phát triển bền vững trong tương lai.
Về tình hình những tháng đầu năm nay, cộng đồng doanh nhân phấn khởi, đánh giá rất cao việc Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm trực tiếp với Tổng thống Hoa Kỳ ngay sau khi Hoa Kỳ công bố tăng mức áp thuế với hàng hóa Việt Nam. Cùng với đó là những chỉ đạo rất kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, đây là sự ứng phó rất kịp thời, giúp cộng đồng doanh nghiệp tránh bị đánh thuế bất lợi. Việt Nam là một trong 6 quốc gia Hoa Kỳ lựa chọn để đàm phán vấn đề thuế quan và hiện đang thực hiện đàm phán vòng hai… Đây là những tín hiệu khả quan cho việc giữ được thị trường xuất khẩu quan trọng này.
Những số liệu trong các tháng đầu năm về tăng trưởng GDP, thu ngân sách cao có khả năng vượt thu trong năm 2025, số lượng khách du lịch tăng… đều rất tốt. Từ những chỉ dấu đầu tiên đầy khởi sắc ngay từ đầu năm, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay. Nhưng, Chính phủ cần báo cáo thêm về việc triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị ở các địa phương; quan tâm thực hiện công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…, đặc biệt là báo cáo bổ sung về các chính sách, giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị.