Thị trường Trung Quốc siết chặt: Sầu riêng Việt cần chuẩn hóa toàn diện
Tại Hội nghị “Phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững” chiều 24/5, đáp lại kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy, các doanh nghiệp đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm xây dựng thương hiệu quốc gia và nâng cao khả năng cạnh tranh cho sầu riêng Việt Nam. Trong đó, yêu cầu cấp thiết đặt ra là chuẩn hóa toàn bộ chuỗi sản xuất, từ vùng trồng, đóng gói đến truy xuất và kiểm soát chất lượng.
Bộ trưởng cảnh báo “vòng xoáy tiêu cực”
Tại hội nghị, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, kể từ khi ký kết Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc vào tháng 7/2022, ngành hàng sầu riêng Việt Nam đã có bước tăng trưởng ngoạn mục. Chỉ sau hai năm, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm 2024 đã vượt mốc 3 tỷ USD, đưa loại trái cây này trở thành mặt hàng chiến lược trong lĩnh vực nông sản, đóng góp tích cực vào tăng trưởng ngành nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã.
Tuy nhiên, niềm vui chưa kéo dài bao lâu thì ngành sầu riêng đã đối mặt với những tín hiệu bất ổn. Trong 4 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu sụt giảm đáng kể cả về quy mô lẫn giá trị. Bộ trưởng cảnh báo, sự sụt giảm này là hệ quả của việc mất cân đối giữa tốc độ tăng trưởng vùng trồng với năng lực tổ chức sản xuất và khả năng đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao từ thị trường nhập khẩu, đặc biệt là về chất lượng và an toàn thực phẩm.
“Nếu không có giải pháp căn cơ, đồng bộ và kịp thời, ngành sầu riêng có thể rơi vào vòng xoáy tiêu cực: dư thừa sản lượng - giá rớt thê thảm - mất thị trường - và nghiêm trọng hơn cả là mất niềm tin từ đối tác quốc tế, ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín nông sản Việt”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ông Vũ Phi Hổ, đại diện Công ty Cổ phần Sầu riêng Tây Nguyên (Sarita), cho biết, hành trình xuất khẩu sầu riêng đang trở nên chông gai khi doanh nghiệp phải gánh chi phí kiểm nghiệm lô hàng quá lớn. Năm 2024, mức phí kiểm nghiệm là 400.000 đồng/mẫu, nhưng khi mở rộng lên quy mô container, tổng chi phí có thể lên tới 40 triệu đồng/container. Với kế hoạch xuất khẩu 200 container/năm, con số này lên tới hàng chục tỷ đồng, một gánh nặng lớn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Không dừng lại ở chi phí, tình trạng nhiều cơ sở đóng gói chưa được cấp phép vẫn hoạt động tại Đắk Lắk, địa phương có diện tích sầu riêng lớn nhất cả nước, đã tạo ra sự nhập nhằng, ảnh hưởng đến tính minh bạch và uy tín của sầu riêng Việt Nam.
Về vùng nguyên liệu, ông Hổ nhận định, nhiều khu vực mở mới đang thiếu kiểm soát kỹ thuật, đặc biệt là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Cách làm “mạnh ai nấy trồng”, thiếu quy trình chung khiến chất lượng sầu riêng trở nên không đồng đều, tiềm ẩn rủi ro lớn cho thương hiệu quốc gia. Ngoài ra, hệ thống dữ liệu vùng trồng còn thiếu hụt, quy chuẩn sử dụng phân bón và thuốc cũng chưa đồng nhất giữa các địa phương.

Xây dựng thương hiệu quốc gia: cần hành động đồng bộ
Trước thực trạng trên, ông Hổ kiến nghị, các cơ quan quản lý cần cập nhật hướng dẫn kỹ thuật cụ thể, nhất là tại Đắk Lắk, để bảo đảm vùng trồng đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch. Đồng thời, kiểm soát chặt các cơ sở đóng gói để tránh tình trạng "trá hình", làm ảnh hưởng đến toàn ngành.
Ông cũng nhấn mạnh, ngành sầu riêng không thể chỉ nhìn dưới góc độ xuất khẩu. “Phải đặt trách nhiệm với người tiêu dùng lên hàng đầu, kể cả người tiêu dùng trong nước. Nếu hàng bị trả từ biên giới mà lại bán ngược về thị trường nội địa thì đó là sự thiếu tôn trọng”, ông nói.
Khẳng định Việt Nam có lợi thế hơn Thái Lan ở nhiều khâu như điều kiện tự nhiên, kỹ thuật thu hoạch và xử lý sau thu hoạch, bà Ngô Tường Vy, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cho rằng để phát huy các lợi thế này, cần có sự phối hợp đồng bộ hơn từ chính quyền địa phương và doanh nghiệp.
“Các vùng nguyên liệu cần được hướng dẫn kỹ thuật bài bản, đặc biệt là việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Bản thân doanh nghiệp cũng phải chủ động loại bỏ hoàn toàn các chất cấm như chất vàng O trong chế biến”, bà Vy chia sẻ.
Bà Vy cũng cho rằng việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho sầu riêng là yếu tố sống còn để người tiêu dùng Trung Quốc nhận biết rõ ràng hơn về trái sầu riêng Việt Nam. Bên cạnh đó, bà đề xuất các ngành liên quan cần đẩy mạnh nghiên cứu các sản phẩm bảo quản sầu riêng phù hợp với thị trường xuất khẩu, giúp nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường.
Ghi nhận các đề xuất của doanh nghiệp, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định, muốn cạnh tranh quốc tế, sản phẩm sầu riêng không chỉ cần đảm bảo chất lượng mà còn phải được chuẩn hóa về mẫu mã, hình thức trình bày, từ màu sắc đến bao bì và thương hiệu. Ông giao Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật nghiên cứu các giải pháp chuẩn hóa quy trình sản xuất.
Về lâu dài, Bộ trưởng đề xuất cần một chiến lược tổng thể phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững, từ quy hoạch sản xuất, chế biến, tiêu thụ đến xây dựng thương hiệu quốc gia. “Nếu xác định sầu riêng là sản phẩm chiến lược quốc gia thì phải có sự đầu tư tương xứng”, ông nói, đồng thời khẳng định Bộ sẽ sớm cụ thể hóa các đề xuất của doanh nghiệp thành chương trình hành động cụ thể.
Siết chặt quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói
Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt cho biết, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư hướng dẫn việc quản lý mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói. Đây là bước đi cấp thiết trong bối cảnh các thị trường ngày càng nâng cao tiêu chuẩn nhập khẩu. “Muốn giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu, buộc phải chuẩn hóa toàn bộ chuỗi sản xuất, từ vùng trồng, đóng gói đến truy xuất và kiểm soát chất lượng”, ông nhấn mạnh.
Theo dự thảo, để được cấp mã số, vùng trồng phải sản xuất tập trung một loại cây, tuân thủ quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP hoặc tương đương), sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định và duy trì vệ sinh đồng ruộng. Toàn bộ quá trình sản xuất phải có ghi chép đầy đủ để phục vụ truy xuất nguồn gốc và kiểm soát an toàn thực phẩm, sinh vật gây hại.
Cơ sở đóng gói muốn được cấp mã phải thực hiện sơ chế theo quy trình một chiều, có biện pháp phòng chống tái nhiễm, đồng thời lưu giữ đầy đủ hồ sơ liên quan đến nguồn gốc sản phẩm và hóa chất sử dụng.
Dự thảo đưa ra ba phương án phân cấp cơ quan có thẩm quyền cấp mã số: giao cho cấp tỉnh, cấp huyện/xã hoặc linh hoạt theo điều kiện địa phương.
Dữ liệu mã số sau khi cấp sẽ được tổng hợp trên hệ thống quốc gia để phục vụ đàm phán và đáp ứng yêu cầu kiểm tra từ các thị trường nhập khẩu. Mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sẽ được giám sát định kỳ hằng năm. Các cơ quan địa phương có quyền tạm dừng hoặc thu hồi mã số nếu phát hiện vi phạm trong quá trình kiểm tra, hoặc nhận được cảnh báo từ nước nhập khẩu.
Đáng chú ý, Bộ đề xuất mở rộng áp dụng mã số cho sản phẩm tiêu thụ trong nước, nhằm từng bước xây dựng hệ thống đồng bộ, đảm bảo chất lượng và khả năng truy xuất toàn diện.