ĐBQH Hoàng Thị Thu Hiền (Nghệ An): Chuyển đổi số và cải cách phải bảo đảm công bằng, nhân văn
Từ những cảnh báo về áp lực tăng trưởng và bất ổn kinh tế, ĐBQH Hoàng Thị Thu Hiền (Nghệ An) đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu không bỏ quên trẻ em và phụ nữ - những nhóm yếu thế đang đối mặt với rối loạn tâm lý học đường và rủi ro trên không gian mạng. Do đó, trong chuyển đổi số và cải cách, phải bảo đảm công bằng và nhân văn để không ai bị bỏ lại phía sau.
Khảo sát, đánh giá toàn diện thực trạng sức khỏe tâm thần trẻ em
Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền chia sẻ: Nhiều năm qua, trong các phiên thảo luận tại Quốc hội, đại biểu luôn quan tâm và dành sự theo dõi đặc biệt đối với các chính sách liên quan đến trẻ em và phụ nữ – những đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội hiện đại. Thực tiễn cho thấy, đây là những vấn đề ngày càng trở nên cấp thiết, đòi hỏi sự vào cuộc nghiêm túc và bài bản từ nhiều cấp, ngành.
Theo đại biểu, hiện nay, trẻ em có thể gặp nhiều dạng rối loạn khác nhau, như: trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn hành vi, cảm xúc, giao tiếp xã hội, tự kỷ, rối loạn phân liệt, tăng động giảm tập trung… Các biểu hiện này ngày càng phổ biến, khởi phát sớm và đa dạng, gây áp lực lớn đối với gia đình, nhà trường và cả quá trình phát triển của trẻ.

Theo kết quả tại một hội thảo khoa học do Bộ Y tế tổ chức năm 2022 về quản lý trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý, tỷ lệ trẻ em mắc rối loạn này tại Việt Nam từ 3,2% - 9,3%. Đây là con số đáng lo ngại, phản ánh tính phổ biến của tình trạng này trong học đường.
Qua khảo sát thực tế tại các cơ sở giáo dục, nhất là bậc tiểu học, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền cho biết: Nhiều trường ghi nhận tỷ lệ học sinh có biểu hiện bất ổn tâm lý ngày càng cao. Trong mỗi khối lớp đều có một tỷ lệ học sinh cần được tư vấn, hỗ trợ. Việc giảng dạy và quản lý lớp vì vậy trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Giáo viên vừa phải hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, vừa phải đảm nhiệm vai trò hỗ trợ tâm lý - điều mà không phải ai cũng được đào tạo bài bản.
“Hiện, chưa có công trình khoa học nào xác định nguyên nhân chính xác của các rối loạn này. Tuy nhiên, có thể thấy môi trường sống từ gia đình đến nhà trường và xã hội đang tác động ngày càng sâu đến tâm lý và hành vi của trẻ em. Trong bối cảnh xã hội hiện đại nhiều áp lực, những thay đổi trong môi trường sống cả về thể chất lẫn tinh thần đang khiến trẻ em phải đối mặt với các tình huống tâm lý phức tạp ngay từ những năm đầu đời”, đại biểu nhấn mạnh.
Từ thực tiễn địa phương, đại biểu phản ánh: Nhiều gia đình có con mắc rối loạn tâm lý đang lâm vào trạng thái bế tắc. Khác với các bệnh lý thể chất vốn có biểu hiện cụ thể và phác đồ điều trị rõ ràng thì các rối loạn tâm lý diễn tiến âm thầm, khó nhận biết, thiếu các cơ sở chuyên môn để chẩn đoán và can thiệp hiệu quả.
Thực trạng cho thấy: hiện nay, việc tiếp cận các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ sức khỏe tâm thần trẻ em còn rất hạn chế. Các trung tâm can thiệp tâm lý còn rất ít, đội ngũ chuyên gia thiếu nghiêm trọng, trong khi chi phí trị liệu cao (từ 200.000 đến 500.000 đồng/buổi) khiến nhiều gia đình không đủ khả năng theo đuổi lâu dài. Đáng nói, hiện cũng chưa có cơ chế thống nhất để đánh giá hiệu quả can thiệp, khiến gia đình càng hoang mang, lúng túng trong quá trình hỗ trợ con em.
Từ thực tế trên, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền kiến nghị Bộ Y tế cần sớm tổ chức khảo sát, đánh giá toàn diện về thực trạng sức khỏe tâm thần trẻ em; trên cơ sở đó xây dựng các chương trình can thiệp sớm, quy trình điều trị chuẩn, đồng thời đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ y tế, xã hội để giảm chi phí cho gia đình, nhất là ở các vùng còn nhiều khó khăn.
Lồng ghép yếu tố giới trong chuyển đổi số
Đối với nhóm vấn đề liên quan đến phụ nữ, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền cho rằng: Trong bối cảnh cách mạng công nghệ và chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, công nghệ số vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn đối với phụ nữ. Nếu có cơ chế chính sách phù hợp, công nghệ sẽ là công cụ hữu hiệu để rút ngắn khoảng cách giới. Ngược lại, nếu không hỗ trợ kịp thời, chính khoảng cách tiếp cận công nghệ sẽ làm gia tăng khoảng cách phát triển giữa các nhóm phụ nữ trong xã hội.
Hiện nay, phần lớn phụ nữ, đặc biệt là ở vùng nông thôn, miền núi vẫn còn hạn chế trong tiếp cận công nghệ thông tin; thiếu kỹ năng số đang khiến nhiều chị em trở thành đối tượng dễ bị tổn thương trên không gian mạng.


Dẫn báo cáo tại Hội thảo về bình đẳng giới trao quyền cho phụ nữ do Bộ Công an phối hợp tổ chức ngày 22.11.2023, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền cho biết: Có tới 90% nạn nhân của các vụ lừa đảo qua mạng là phụ nữ. “Hình thức lừa đảo đa dạng, từ lừa tình, lừa tiền cho đến cả những vụ việc nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính mạng để lại nhiều hệ lụy xã hội đáng tiếc”, đại biểu nhấn mạnh.
Ghi nhận nỗ lực của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn phòng tránh lừa đảo trên không gian mạng, xây dựng cộng đồng phụ nữ số. Tuy nhiên, đại biểu cũng nhấn mạnh: tình trạng lừa đảo mạng nhắm vào phụ nữ vẫn diễn biến phức tạp, cho thấy nhu cầu cấp bách phải có giải pháp toàn diện hơn.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ số, khoa học công nghệ chuyển đổi số quốc gia đang được Chính phủ phát động rất mạnh mẽ, cùng với phong trào "Bình dân học vụ số"... đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền đề nghị Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng cần lồng ghép yếu tố giới trong các chương trình, kế hoạch để ưu tiên hỗ trợ phụ nữ tăng cường việc tiếp cận và giải quyết các vấn đề thích ứng trên môi trường công nghệ số, nhằm tạo điều kiện để phụ nữ "không bị bỏ lại phía sau" trong tiến trình số hóa.
"Đây cũng chính là một giải pháp thiết thực để thu hẹp khoảng cách phát triển giới trong bối cảnh mới hiện nay", đại biểu nhấn mạnh.