Đắk Nông: Tăng cường nguồn lực, phát huy hiệu quả tín dụng chính sách
Trong 4 tháng đầu năm 2025, giữa bối cảnh kinh tế còn nhiều biến động, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Đắk Nông tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội. Trong đó, góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tính đến hết tháng 4.2025, tổng dư nợ toàn chi nhánh đạt 4.887 tỷ đồng, tăng 238 tỷ đồng so với đầu năm, đạt tỷ lệ tăng trưởng 5,12%. Với hơn 70.400 hộ vay còn dư nợ, chiếm 40,8% tổng số hộ dân toàn tỉnh, mức dư nợ bình quân đạt trên 69 triệu đồng/hộ. Kết quả này cho thấy sự mở rộng quy mô tín dụng một cách vững chắc và hiệu quả.
Tổng doanh số cho vay trong 4 tháng đạt hơn 814 tỷ đồng, với 11.944 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Trong đó, riêng nhóm hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo đã vay hơn 280 tỷ đồng, chiếm trên 34% tổng doanh số. Ngoài ra, chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn cũng ghi nhận doanh số hơn 229 tỷ đồng, tạo điều kiện ổn định sản xuất cho 3.283 hộ dân.

Một trong những điểm sáng trong hoạt động tín dụng chính sách là chương trình cho vay hỗ trợ việc làm. Trong 4 tháng đầu năm, nguồn vốn hơn 106 tỷ đồng đã giúp 1.459 lao động có việc làm mới hoặc được duy trì công việc, góp phần tích cực vào mục tiêu an sinh và phát triển nguồn nhân lực tại địa phương.
Song song đó, các chương trình cho vay nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay xây dựng nhà ở xã hội, cho người chấp hành xong án phạt tù, người dân tộc thiểu số… cũng được triển khai kịp thời, đúng đối tượng. Chỉ riêng chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường đã có hơn 7.172 công trình được xây mới hoặc cải tạo, cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn.

Hiệu quả của tín dụng chính sách không thể đạt được nếu thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa NHCSXH với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và chính quyền địa phương. Tính đến nay, toàn tỉnh có 1.618 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) đang hoạt động, trong đó 96,6% tổ được xếp loại tốt. Đây là lực lượng nòng cốt thực hiện công tác bình xét, hướng dẫn, giám sát và thu hồi vốn tại cơ sở – đóng vai trò “cánh tay nối dài” của ngân hàng.
Tổng dư nợ ủy thác qua các hội đoàn thể (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên) đạt 4.881 tỷ đồng, chiếm 99,87% tổng dư nợ toàn chi nhánh. Chất lượng tín dụng luôn được giữ vững với tỷ lệ nợ quá hạn chỉ 0,08%, và nợ khoanh là 0,14% tổng dư nợ. Các tổ chức hội không chỉ giúp tổ chức hoạt động cho vay hiệu quả, mà còn làm cầu nối lan tỏa thông tin, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, thay đổi tập quán làm ăn và tư duy kinh tế của người dân vùng sâu, vùng xa.

Tính đến nay, 71/71 xã, phường, thị trấn trên địa bàn đều có điểm giao dịch cố định hàng tháng. Mô hình “làm hồ sơ tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã” tiếp tục chứng minh tính hiệu quả cao, giúp tiết kiệm, giảm chi phí, rút ngắn thời gian tiếp cận vốn và đảm bảo minh bạch trong hoạt động tín dụng. Mỗi phiên giao dịch xã không chỉ là nơi tiếp cận dịch vụ ngân hàng, mà còn trở thành điểm kết nối giữa người dân với chính sách.
Ngoài ra, việc triển khai ứng dụng phần mềm Quản lý tín dụng chính sách, sử dụng các nền tảng số trong kiểm tra, giám sát và vận hành hệ thống đã tạo bước chuyển căn bản trong quản trị hoạt động. Qua đó, giúp nâng cao tính chính xác, tiết kiệm thời gian, phòng ngừa rủi ro và thúc đẩy minh bạch trong quá trình giải ngân.
Đánh giá về kết quả đạt được, Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông, Vũ Anh Đức cho biết: “Chúng tôi xác định rõ, mỗi đồng vốn tín dụng chính sách phải đến đúng người, đúng mục đích và phát huy hiệu quả thiết thực. Thành công lớn nhất của chúng tôi không chỉ là những con số tăng trưởng, mà còn là sự thay đổi rõ rệt trong đời sống người dân, từ cách nghĩ, cách làm đến chất lượng cuộc sống. Đó là động lực để chúng tôi tiếp tục bám cơ sở, lắng nghe, chia sẻ và phục vụ người dân bằng tinh thần trách nhiệm cao nhất.”

Trong quý II và cả năm 2025, NHCSXH tỉnh tiếp tục đặt trọng tâm vào nâng cao chất lượng tín dụng, mở rộng đối tượng thụ hưởng và tăng cường huy động nguồn lực địa phương. Chi nhánh cũng sẽ đẩy mạnh truyền thông chính sách, tổ chức tập huấn cho tổ chức hội nhận ủy thác và ban quản lý tổ TK&VV, gắn chặt công tác tín dụng với các mô hình kinh tế hiệu quả.
Với định hướng đúng đắn và sự đồng hành của cả hệ thống chính trị, NHCSXH tỉnh Đắk Nông đang góp phần lan tỏa nguồn vốn chính sách đến mọi người dân có nhu cầu, ở mọi thôn, bon, buôn, tổ dân phố, từng bước hiện thực hóa khát vọng phát triển bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau.