Công an Bắc Giang: Quyết liệt ngăn chặn sản xuất, buôn bán hàng giả
Thời gian gần đây, lực lượng chức năng liên tiếp phanh phui, triệt phá nhiều vụ sản xuất hàng giả quy mô lớn như sữa giả, thuốc giả, vật tư nông nghiệp giả… Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo về thủ đoạn sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi, phức tạp hơn đòi hỏi có các giải pháp ngăn chặn.
Hồi chuông cảnh báo
Hiện nay, tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng đang là vấn đề đáng báo động. Thực trạng này không chỉ gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự mà quan trọng hơn còn liên quan đến sức khỏe của người tiêu dùng khi sử dụng phải những sản phẩm là hàng giả, hàng kém chất lượng.
Tại tỉnh Bắc Giang, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn âm thầm diễn ra. Nắm bắt thực tế, cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, phát hiện một số cơ sở kinh doanh hàng hóa nhập lậu, vi phạm trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm; buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Trước đó, vào giữa tháng 4 vừa qua, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bắc Giang chủ trì phối hợp với Công an xã Tân Hưng và Đội Quản lý thị trường số 3, Chi Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang kiểm tra, phát hiện tại khu vực nhà ở của Nguyễn Văn Vĩnh (34 tuổi, trú tại thôn Bãi Sim, xã Tân Hưng, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) số lượng lớn nguyên liệu, phương tiện dùng để sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt chuột giả. Sự thật được phơi bày đã khiến cho người tiêu dùng hoang mang.

Ở một vụ án khác, ngày 20/5/2025 Công an tỉnh Bắc Giang cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Khánh (29 tuổi, ở xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang) về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả. Theo kết quả điều tra xác định, từ khoảng cuối năm 2024, Nguyễn Văn Khánh nhận thấy nhu cầu khách hàng tiêu dùng nhiều loại sản phẩm là mỹ phẩm nên đã nảy sinh ý định sản xuất mỹ phẩm giả để bán kiếm lời. Khánh đã lên mạng Internet để tìm hiểu một số loại mỹ phẩm khử mùi cơ thể, serum trị mụn, trắng da đang được thị trường tiêu thụ lớn, sau đó đặt in tem nhãn, bao bì giả của các sản phẩm này. Để thực hiện việc sản xuất, Khánh đã mua máy móc, nguyên liệu, công cụ, vỏ chai lọ… và thực hiện việc sản xuất tại nhà rồi bán ra thị trường toàn quốc thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử Shopee, Tiktok để kiếm lời.
Đáng sợ hơn nữa là gần đây nhất, trong tháng 5 này, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bắc Giang còn phối hợp phát hiện một cơ sở ở phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang do Nguyễn Văn Tân (42 tuổi, trú tại đường Trần Khát Chân 1, phường Thọ Xương, TP. Bắc Giang) làm chủ đã có hành vi sản xuất giá đỗ sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng 6-Benzylaminopurine. Đây là một loại chất nằm ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm. Tính từ đầu năm đến nay, cơ sở này đã tiêu thụ ra thị trường khoảng 60 tấn giá “ngậm” chất kích thích tăng trưởng.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Từ đầu năm 2025 đến nay, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bắc Giang đã phát hiện, bắt giữ, khởi tố 8 vụ án về tội sản xuất, buôn bán hàng giả, trong đó, có 6 vụ về tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm”; 1 vụ về tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc bảo vệ thực vật”; 1 vụ về tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là mỹ phẩm”.
Những kết quả trên cho thấy, công tác đấu tranh với tội phạm liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm ngày càng quyết liệt; nâng cao tính răn đe, góp phần kiềm chế ngày càng hiệu quả đối với loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, nhằm bảo vệ an toàn sức khỏe cho người dân. Song thực tế cũng cho thấy, việc kiểm soát hàng giả đang đối mặt với nhiều thách thức khi phương thức hoạt động của sản xuất và kinh doanh hàng giả của các đối tượng rất tinh vi.

Phó Đội trưởng, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bắc Giang Đại úy Dương Quốc Kỳ cho biết, sự bùng nổ của thương mại điện tử đã tạo điều kiện cho việc mua, bán hàng giả trở nên dễ dàng hơn. Quá trình lập tài khoản và bán hàng trên sàn thương mại điện tử, các cơ quan quản lý nhà nước rất khó để quản lý, kiểm duyệt nội dung liên quan đến chất lượng sản phẩm. Các đối tượng lợi dụng vào việc đó để buôn bán các sản phẩm có giá thấp hơn so với giá chính hãng của các nhà sản xuất hoặc nhà phân phối công bố để bán ra thị trường. Trong khi đó, thị hiếu, nhu cầu của người dân sẽ hướng đến những sản phẩm rẻ sẽ mua. Đáng nói hơn, lợi nhuận từ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là quá cao nên nhiều đối tượng bất chấp để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, công an tỉnh Bắc Giang Thượng tá Nguyễn An Sơn cho biết, thời gian tới lực lượng cảnh sát công an tỉnh sẽ tiếp tục làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, công tác nắm tình hình, công tác tham mưu để kịp thời làm tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần lựa chọn sản phẩm được sản xuất bởi các cơ sở kinh doanh uy tín, chất lượng, hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ tem mác rõ ràng. Luôn cảnh giác đối với các sản phẩm hàng hoá bán tràn lan trên các nền tảng không gian mạng. Kịp thời thông báo, phản ánh đến cơ quan chức năng khi phát hiện những trường hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu vi phạm.