Hy hữu: Người phụ nữ đau bụng đi viện mới biết sắp đẻ
Người phụ nữ nhập viện trong tình trạng đau nhiều, cổ tử cung đã mở hết, chuẩn bị sinh. Tuy nhiên, điều khiến các bác sĩ ngỡ ngàng là bản thân sản phụ không hề biết đang mang thai.
BS.CKII Phạm Minh Giang – khoa Khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương chia sẻ, một trường hợp “dở khóc dở cười” nhưng lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đáng báo động về sức khỏe sinh sản.
Đó là trường hợp người phụ nữ nhập viện trong tình trạng đau nhiều, cổ tử cung đã mở hết, chuẩn bị sinh, nhưng điều khiến các bác sĩ ngỡ ngàng là bản thân sản phụ không hề biết mình đang mang thai.
.jpg)
Khai thác thông tin, người bệnh chủ quan nghĩ do béo, nên có tăng thêm 10-12kg cũng không có gì lạ. Chỉ khi thấy đau bụng và nghĩ mình bị đau dạ dày hoặc rối loạn tiêu hóa, người phụ nữ đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thăm khám.
Nhưng khi đang nằm khám, bất ngờ nước ối vỡ, tràn ra âm đạo. Lúc này, bác sĩ tiến hành siêu âm và phát hiện một thai nhi gần đủ tháng, nặng gần 3kg đang sắp chào đời. Điều đáng nói, suốt thai kỳ, sản phụ không hề cảm nhận được thai máy, có thể do thành bụng quá dày do béo phì nên cảm giác hoàn toàn không rõ ràng.
Tìm hiểu rõ hơn, người phụ nữ cho biết, đã mất kinh suốt 7–8 tháng, nhưng lại chủ quan vì từ trước vốn có kinh nguyệt không đều do hội chứng buồng trứng đa nang – vài tháng mới có kinh một lần, hoặc phải dùng thuốc mới có kinh.
BS.CKII Phạm Minh Giang cho biết, do sản phụ béo phì nặng nên cuộc đẻ đối với bác sĩ lại là một thử thách cực kỳ khó. Sản phụ không thể đo được huyết áp vì băng đo bình thường không vừa cánh tay (quá to so với chuẩn). Cùng với đó, không thể lấy được ven để truyền dịch hoặc làm xét nghiệm, kể cả tay lẫn chân do lớp mỡ dày, che lấp tĩnh mạch. Mặc dù, các bác sĩ thay nhau tìm ven nhưng không thành công.
Ngoài ra, không thể xác định tình trạng bệnh nền của sản phụ như: đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu,… Không có bất kỳ xét nghiệm dự phòng nào trước sinh, đỡ đẻ hoàn toàn bị động, không có đường truyền sẵn đề phòng biến chứng như băng huyết sau sinh.
Thậm chí, khi bác sĩ hồi sức được đề nghị “lấy ven cổ”, cũng trong tình trạng không thấy cổ bệnh nhân để điều trị. Với thể trạng béo phì như vậy, dù đẻ thường hay mổ đẻ đều đầy rủi ro. Trong đó, mổ đẻ sẽ rất nguy hiểm nếu không biết tiền sử bệnh, mà ca mổ lại cực kỳ khó do lớp mỡ dày (nhiều ca phải vượt qua lớp mỡ dày hơn 10cm). Đặc biệt, mổ xong dễ mất máu nhiều.
Với cách đẻ thường cũng đầy nguy cơ như huyết áp không đo được, đường truyền không có, khó xử trí nếu có tai biến. Rất may mắn, nhờ sự phối hợp của cả ê-kíp và sự nỗ lực không ngừng, sản phụ đã sinh ra một bé trai nặng 3kg, khỏe mạnh, hoàn toàn bình thường.
“Khi em bé được đặt lên ngực mẹ, người phụ nữ vẫn còn ngỡ ngàng, không tin mình đã đẻ”, BS.CKII Phạm Minh Giang thông tin.
Qua trường hợp ca bệnh đặc biệt trên, bác sĩ khuyến cáo:
- Bất kỳ người phụ nữ nào đã có quan hệ tình dục đều có khả năng mang thai, dù kinh nguyệt không đều, dù nghĩ rằng mình béo, hay không có triệu chứng gì rõ rệt.
- Nếu thấy mất kinh nhiều tháng, bụng to lên bất thường, có dấu hiệu lạ ở cơ thể, người bệnh đừng chủ quan, hãy đi khám sớm để loại trừ thai ngoài ý muốn và phát hiện thai kỳ kịp thời.
- Béo phì không chỉ gây nguy cơ trong thai kỳ mà còn khiến việc khám, sinh nở, xử trí cấp cứu gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, béo phì thường đi kèm các bệnh nền nguy hiểm như: tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu...
- Một thai kỳ không được phát hiện, không có sự chuẩn bị có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé.