Chất xúc tác mới cho quan hệ Nhật - Trung
Vào thời điểm nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Nhật Bản tới Washington để tham gia vòng đàm phán thuế quan tiếp theo, một phái đoàn lưỡng đảng mang tên “Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Trung Quốc” cũng vừa kết thúc chuyến thăm Bắc Kinh.
Những chuyển động tích cực
Trong số tất cả các đồng minh của Mỹ đang được Bắc Kinh quan tâm trong nỗ lực tập hợp lực lượng nhằm chống đỡ các đòn thuế quan của Washington, Nhật Bản nổi bật hơn cả. Tokyo đặc biệt không chỉ vì cam kết kiên định của nước này đối với liên minh với Hoa Kỳ mà còn vì lịch sử phức tạp và khó khăn với quốc gia khổng lồ châu Á láng giềng - đặc biệt là lịch sử chiến tranh từ thế kỷ XX vẫn còn ảnh hưởng đến chính trị ngày nay.

“Một mặt, họ là hàng xóm và là đối tác kinh tế quan trọng; có rất nhiều thứ kết nối Nhật Bản và Trung Quốc”, Matthew Goodman, Giám đốc Trung tâm Địa kinh tế Greenberg tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết. “Nhưng mặt khác, có những giới hạn của mối quan hệ này”.
Trong khi Nhật Bản sẽ không từ bỏ liên minh với Hoa Kỳ - vốn được coi là trụ cột của chính sách ngoại giao và an ninh của quốc gia châu Á này, thì "sự thật là thuế quan và sự bất ổn mà chính quyền Tổng thống Donald Trump tạo ra cho Nhật Bản thực sự đang làm rung chuyển mọi thứ ở Tokyo", ông Goodman cho biết.
Tháng trước, Tổng thống Donald Trump đã công bố mức thuế 24% đối với hàng hóa Nhật Bản trong một kế hoạch toàn diện nhằm đánh thuế đối với khoảng 90 quốc gia. Nhà Trắng đã tạm dừng mức thuế với tất cả các quốc gia để tạo điều kiện cho đàm phán nhưng vẫn áp dụng mức thuế cơ bản 10%. Tuy nhiên, mức thuế 25% của ông Trump đối với nhôm, thép và ô tô xuất khẩu đã có hiệu lực đối với Nhật Bản.
Các động thái áp thuế quan, cũng như chương trình nghị sự "Nước Mỹ trên hết" của chính quyền Mỹ, đã khiến người Nhật nghi ngờ liệu Hoa Kỳ có còn là đồng minh đáng tin cậy hay không, trong khi Trung Quốc đang tập hợp sự ủng hộ từ các quốc gia đang bị đe dọa áp thuế quan - bao gồm cả Nhật Bản.
Tại Bắc Kinh, Nhật Bản nhìn thấy những dấu hiệu tích cực. Khi ông Tetsuo Saito dẫn đầu phái đoàn Đảng Komeito của Nhật Bản đến Bắc Kinh vào cuối tháng 4, Trung Quốc đã thể hiện thiện chí cải thiện quan hệ với Tokyo. Chuyến thăm của Saito ngay sau đó là chuyến thăm của phái đoàn lưỡng đảng của Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Trung Quốc; ông Triệu Lạc Tế, nhà lập pháp hàng đầu của Bắc Kinh, nói với phái đoàn rằng Quốc hội Trung Quốc "sẵn sàng thực hiện nhiều hình thức đối thoại và trao đổi khác nhau".
Bắc Kinh đã không dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu hải sản của Nhật Bản liên quan đến vụ xả thải phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima như các đại biểu Nhật Bản hy vọng, nhưng đưa ra những dấu hiệu tích cực trong đánh giá của mình về tính an toàn của xả thải. Vào năm 2023, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu sản phẩm hải sản của Nhật Bản.
Mối quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh từ lâu đã không ổn định; trong nhiều năm qua, họ đã cãi vã không chỉ về lệnh cấm hải sản mà còn về các tranh chấp lãnh thổ lâu đời đối với quần đảo Senkaku, mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, ở biển Hoa Đông cùng nhiều vấn đề phức tạp do lịch sử không mấy dễ chịu của hai quốc gia.
Mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Tokyo và Washington trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Joe Biden cũng khiến Bắc Kinh khó chịu, coi đây là một phần trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc của Hoa Kỳ.
Từ khúc mắc lịch sử đến những suy tính thực dụng
Là một đế quốc ở châu Á trong nhiều thế kỷ, Trung Quốc tụt hậu so với Nhật Bản vào thế kỷ XIX sau khi Nhật Bản tiếp nhận công nghiệp hóa phương Tây và phát triển thành một cường quốc kinh tế và quân sự đáng gờm. Dưới chế độ phát xít, Nhật Bản đã xâm lược Trung Quốc vào những năm 1930 và kiểm soát vùng lãnh thổ Đông Bắc được gọi là Mãn Châu; những tội ác chiến tranh, bao gồm Thảm sát Nam Kinh và việc sử dụng vũ khí hóa học và sinh học cùng các thí nghiệm y khoa trên người ở Mãn Châu, đã để lại những vết sẹo sâu sắc với Trung Quốc; chúng vẫn chưa được chữa lành, đặc biệt khi các chính trị gia bảo thủ của Nhật Bản chưa bao giờ thừa nhận.
Trở thành Thủ tướng Nhật Bản vào tháng 10 năm ngoái, ông Ishiba có quan điểm trung lập hơn về lịch sử thời chiến của đất nước mình so với cố Thủ tướng Shinzo Abe và hai người kế nhiệm. Vài tuần sau khi nhậm chức, ông Ishiba đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo.
Tuy nhiên, các học giả Trung Quốc coi mối quan hệ gần đây của Tokyo với Bắc Kinh là một động thái thực dụng nhằm phòng ngừa chủ nghĩa bảo hộ của Hoa Kỳ chứ không phải là chiến lược dài hạn hướng tới sự ổn định với Trung Quốc.
Trong khi Nhật Bản có thể hoan nghênh giọng điệu thân thiện hơn từ Bắc Kinh, họ vẫn đang cố gắng ổn định quan hệ Nhật Bản - Hoa Kỳ theo chương trình nghị sự "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump, và hy vọng có thể giải quyết tranh chấp thuế quan mà tránh được đối đầu.
Nhật Bản là một trong những quốc gia đầu tiên đàm phán về thuế quan với Washington, trong vòng đầu tiên vào giữa tháng 4, ông Trump đã có mặt trong các cuộc thảo luận; chính quyền của ông được cho là đã thúc đẩy Nhật Bản mua nhiều ô tô do Hoa Kỳ sản xuất hơn và mở cửa thị trường cho thịt bò, gạo và khoai tây của Hoa Kỳ.
Sau vòng đàm phán thứ hai tại Washington, Ryosei Akazawa, nhà đàm phán thuế quan chính của Nhật Bản cho biết, phía Nhật đã đưa ra điều kiện tiên quyết là Mỹ phải xóa bỏ mọi loại thuế quan, bao gồm cả thuế đối với ô tô, chứ không riêng gì thuế đối ứng; ông cho biết ngành công nghiệp ô tô của Nhật Bản đã bị tổn hại do mức thuế quan 25% và ông cần phải "triệt để nhưng nhanh chóng".
Cạnh tranh ở Đông Nam Á
Trong khi Trung Quốc và Nhật Bản đang nỗ lực hàn gắn quan hệ, cả hai cũng đang cạnh tranh ở khu vực Đông Nam Á, nơi đứng trước nguy cơ bị Mỹ áp mức thuế đối ứng cao nhất. Khu vực này được tích hợp sâu vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc nhưng chịu áp lực từ phương Tây nhằm đa dạng hóa và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Với dân số trẻ hơn và đang tăng so với Đông Á, khu vực này được coi là trung tâm tăng trưởng quan trọng.
Nhật Bản, với tư cách là quốc gia đóng góp viện trợ phát triển chính sau chiến tranh, đã dần lấy lại được lòng tin của khu vực, vốn cũng chịu tổn thương từ quá khứ Thế chiến II của Nhật Bản.
Hồi tháng 4, Thủ tướng Nhật Bản Ishiba đã có chuyến công du cả Việt Nam và Philippines; tại đây, Nhật Bản đã nhất trí với các nhà lãnh đạo khu vực về việc tăng cường hơn nữa quan hệ an ninh và kinh tế. Trong chuyến thăm, ông Ishiba nhấn mạnh cam kết của Nhật Bản trong việc duy trì và củng cố hệ thống thương mại tự do đa phương ở mỗi quốc gia; ông cũng đã có cuộc điện đàm với các đối tác Malaysia và Singapore về thuế quan của Hoa Kỳ.
Chỉ vài tuần trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến công du một loạt quốc gia gồm Việt Nam, Malaysia và Campuchia. Tại đây, thương mại tự do và thúc đẩy chuỗi cung ứng mạnh mẽ hơn cũng là những vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự giữa các nhà lãnh đạo.
Trong một cuộc thảo luận gần đây tại Viện nghiên cứu Hudson có trụ sở tại Washington, Itsunori Onodera, người đứng đầu chính sách của đảng cầm quyền Nhật Bản, đã cảnh báo về cảm xúc "rất bất ổn" ở nhiều quốc gia châu Á khi phải đối mặt với mức thuế quan cao từ Hoa Kỳ. "Các nước Đông Nam Á có thể trở nên gần gũi hơn với Trung Quốc", ông Onodera nói. "Đây cũng không phải là điều mà Nhật Bản mong muốn".