Tối ưu nguồn lực nhà nước, khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư có năng lực
Thảo luận tại Hội trường về dự án một luật sửa 7 luật về đầu tư, đấu thầu, tài chính, chiều 23/5, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) đã đề xuất một số nội dung, giải pháp nhằm hoàn thiện khung pháp lý để hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) vừa tối ưu hóa nguồn lực nhà nước vừa khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư có năng lực.
Nâng cao hiệu quả, minh bạch hóa thủ tục đầu tư công - tư
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, bản chất dự án PPP là dự án đầu tư công thực hiện theo phương thức đối tác công tư thì sẽ đem lại hiệu quả hơn. Do đó, ngay từ bước chủ trương đầu tư và dự án đầu tư, cần thiết lập các nguyên tắc nhà nước đầu tư một cách rõ ràng. Điều này bao gồm việc xác định tổng mức đầu tư theo định mức nhà nước, nguồn vốn đầu tư (từ ngân sách hoặc vay vốn nếu ngân sách không đủ), chi phí vận hành và bảo dưỡng theo các tiêu chuẩn nhà nước.

Khi nhà thầu tham gia dự thầu, có thể đề xuất các chi phí này theo mô hình kinh doanh riêng và nếu phương án tài chính bảo đảm tính khả thi, vốn nhà nước bỏ ra ít hơn mà hiệu quả kinh tế cao hơn thì nhà đầu tư đó sẽ trúng thầu. Cách tiếp cận này, theo đại biểu sẽ giúp tối ưu hóa nguồn lực nhà nước và khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư có năng lực.
Liên quan đến quy định tại khoản 3 Điều 2 (sửa đổi, bổ sung điều 11 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư), đại biểu thống nhất với việc không phê duyệt chủ trương đầu tư trong một số trường hợp cụ thể, nhằm rút ngắn quy trình thực hiện dự án. Tuy nhiên, trước khi tiến hành lập dự án, cần có một bước thẩm định các nội dung cơ bản như sự cần thiết của dự án, hiệu quả kinh tế - xã hội mà dự án mang lại, sự phù hợp của dự án với lĩnh vực PPP, tránh trùng lặp với các dự án khác và giao nhiệm vụ lập dự án cho một đơn vị cụ thể.
Một vấn đề quan trọng khác được đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề cập là thời gian thực hiện hợp đồng PPP thường kéo dài. Trong quá trình hoạt động, có thể phát sinh nhu cầu tăng quy mô dự án để đáp ứng tình hình mới và sự gia tăng của người sử dụng (ví dụ như mở rộng đường, xây thêm công trình...). Do đó, cần có quy định rõ ràng cho trường hợp này, liệu sẽ thực hiện điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh chủ trương đầu tư, hay dừng chủ trương cũ để làm một chủ trương mới.
Về việc thẩm định chủ trương, thẩm định dự án PPP, bao gồm cả thẩm định về thiết kế dự án công trình, thẩm định phương án tài chính, đại biểu đề nghị, quy định rõ trách nhiệm thẩm định của các cơ quan chuyên ngành đối với các nội dung trên. Đồng thời, có thể thuê tư vấn trong quá trình thẩm định.
Ngăn chặn tình trạng nhà thầu chào giá thấp bất thường
Trong nội dung phát biểu thảo luận của mình, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà cũng tham gia thêm 1 số nội dung tiếp tục hoàn thiện một số quy định của Luật Đấu thầu (sửa đổi) năm 2023. Theo đại biểu, Luật Đấu thầu sửa đổi là một bước tiến quan trọng trong cải cách thể chế, hướng tới minh bạch hóa, nâng cao hiệu quả đầu tư công song vẫn còn những vấn đề cần được làm rõ và điều chỉnh để tăng cường tính minh bạch, hiệu quả của hoạt động hết sức quan trọng trong nền kinh tế này.

Thứ nhất, về sự rõ ràng trong khái niệm, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đánh giá, Luật Đấu thầu (sửa đổi) hiện sử dụng đồng thời ba khái niệm: “Dự toán mua sắm”, “Gói thầu mua sắm” và “mua sắm tập trung”. Tuy nhiên, ở một số điều luật, chỉ đề cập chung là “hoạt động mua sắm” hoặc “việc mua sắm” - điều này có thể gây khó khăn trong việc áp dụng cụ thể. Vì vậy, cần rà soát toàn bộ các cụm từ “mua sắm” trong Luật và ghi rõ ngữ cảnh sử dụng, thuộc trường hợp nào trong ba khái niệm trên.
Thứ hai, liên quan đến hình thức lựa chọn nhà thầu, đại biểu đồng tình với đề xuất bổ sung một khoản vào Điều 20. Tuy nhiên, đại biểu cũng chỉ ra sự không thống nhất giữa quy định tại khoản 1 Điều 20 (liệt kê 9 hình thức lựa chọn nhà thầu, không bao gồm chào giá trực tuyến) với Nghị định số 24/2024/NĐ-CP và Thông tư 22/2024/TT-BKHĐT, vốn có quy định, hướng dẫn về quy trình chào giá trực tuyến. Đồng thời, đề nghị làm rõ liệu chào giá trực tuyến có phải là một hình thức lựa chọn nhà thầu hay không và nếu có, cần bổ sung vào khoản 1 Điều 20 của Luật Đấu thầu.
Thứ ba, về chỉ định thầu, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà lưu ý khoản sửa đổi, bổ sung Điều 23, quy định về chỉ định thầu đối với các gói thầu có yêu cầu cấp bách, khẩn cấp, bảo vệ bí mật nhà nước, có tính đặc thù hoặc đáp ứng tình hình thực tế triển khai. Việc bổ sung thêm các trường hợp này sẽ phát sinh nhu cầu thẩm định việc đáp ứng các quy định trước khi phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Do đó, cần bổ sung trách nhiệm và thẩm quyền cụ thể cho việc thẩm định, quyết định các trường hợp này.
Cuối cùng, về chào hàng cạnh tranh (quy định tại khoản 12 Điều 1, sửa đổi Điều 24 Luật hiện hành), đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà bày tỏ lo ngại khi hình thức này không bắt buộc đánh giá năng lực kinh nghiệm của nhà thầu, dẫn đến việc lựa chọn nhà thầu có thể chỉ dựa trên giá thấp nhất. Nữ ĐBQH tỉnh Quảng Ninh kiến nghị xem xét sử dụng phương pháp kết hợp giữa đánh giá giá và kỹ thuật để bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có giá dự thầu hợp lý cũng như giải pháp thực hiện tốt nhất.