Quốc hội và Cử tri

Giải quyết căn cơ bài toán "độ trễ" trong giải ngân vốn đầu tư công.

Bách Hợp - An Nhiên 23/05/2025 18:47

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025, trong phiên thảo luận tổ ngày 23./5, các đại biểu Tổ 4 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố Hải Phòng; Nghệ An và Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị, Chính phủ cần đổi mới điều hành, tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế và giải quyết các điểm nghẽn đang tồn tại như "độ trễ" trong giải ngân vốn đầu tư công, tình trạng doanh nghiệp "rút lui" khỏi thị trường...

1 (2)
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 4. Ảnh: An Nhiên

Cần có chính sách "giữ chân" doanh nghiệp

Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025, ĐBQH Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhấn mạnh: Việc Việt Nam đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu năm 2024, vươn lên vị trí thứ 32 thế giới về quy mô kinh tế là minh chứng cho khả năng điều hành linh hoạt, hiệu quả. Kết quả đó, đồng thời là nền tảng quan trọng để tăng tốc cho những quý tiếp theo.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Yến cho rằng, "độ trễ” trong giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn, kéo dài nhưng nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm.

Với con số giải ngân Quý I chỉ đạt 9,53%, so với cùng kỳ 2024 là đạt 12,27%, đại biểu cho rằng, cần phải sự đột phá, nếu không hàng loạt dự án sẽ “bất động” gây lãng phí nguồn lực. Đại biểu “hiến kế” cho Chính phủ nên cân nhắc áp dụng cơ giao vốn theo tiến độ, gắn với khen thưởng nhằm tạo động lực thi đua và xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công.

2 (1)
ĐBQH Nguyễn Thị Yến ( Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: An Nhiên

Đối với các dự án đầu tư tồn đọng, hiện có khoảng hơn 2.200 dự án tồn đọng, trị giá khoảng 5,9 triệu tỷ đồng ( tương đương với 235 tỷ USD, quy mô sử dụng đất khoảng 347 nghìn ha)… Theo đại biểu đây là con số lãng phí rất lớn mà nguyên nhân chủ yếu do vướng mắc pháp lý, thủ tục hành chính và tâm lý sợ trách nhiệm.

Để giải quyết được bài toán nêu trên, đại biểu đề nghị tiếp tục củng cố vai trò của các tổ công tác liên ngành và kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết giám sát chuyên đề, trong đó quy định rõ đầu mối, thời hạn và trách nhiệm thực thi của từng cấp chính quyền. Giải pháp này nhằm tháo gỡ đồng bộ các vướng mắc xuyên suốt chuỗi quy hoạch, đất đai, đầu tư và thủ tục pháp lý…

Một hình ảnh phản chiếu trong bức tranh kinh tế - xã hội khiến đại biểu băn khoăn đó chính là tình trạng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường với quy mô lớn. Cụ thể trong năm 2024, có hơn 222.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động; riêng quý I/2025 ghi nhận thêm gần 78.800 doanh nghiệp rút lui, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa...

Đại biểu đề nghị bên cạnh các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mới, cần có giải pháp giữ chân doanh nghiệp đang hoạt động như mở rộng các gói tín dụng ưu đãi có mục tiêu; linh hoạt trong việc giãn, hoãn nghĩa vụ thuế và bảo hiểm. Đồng thời, triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình và số hóa quy trình sản xuất, kinh doanh...

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Yến cũng đề xuất giải pháp nhằm tăng cường “sức khỏe” nội tại của nền kinh tế trước những biến động khó lường bằng cách Chính phủ xây dựng “Chiến lược quốc gia về năng lực chống chịu vĩ mô”. Đồng thời, cần ban hành “Chỉ số chống chịu kinh tế” làm căn cứ đánh giá chiến lược phát triển của các địa phương.

ĐBQH Trần Đức Thuận (Nghệ An) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: An Nhiên
ĐBQH Trần Đức Thuận (Nghệ An) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: An Nhiên

Chung nỗi "băn khoăn" với Đại biểu Nguyễn Thị Yến trước thực trạng tỉ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn cao hơn số đăng ký mới, đại biểu Trần Đức Thuận (Nghệ An) đưa ra cảnh báo, điều này ảnh hưởng trực tiếp tới việc làm, chuỗi cung ứng và niềm tin nhà đầu tư. Do đó, đại biểu đề nghị cần đưa ra được các giải pháp căn cơ để "giữ chân" doanh nghiệp.

Cuộc chiến không khoan nhượng với hàng giả, hàng nhái

Ở góc độ khác trong lát cắt của bức tranh kinh tế - xã hội được các đại biểu tập trung thảo luận sôi nổi đó chính là xoay quanh câu chuyện hàng giả, hàng kém chất lượng lẫn lộn với hàng thật lưu thông trên thị trường.

4 (1)
ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng ( Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: An Nhiên

Hàng loạt dẫn chứng đã được đại biểu Nguyễn Tâm Hùng ( Bà Rịa - Vũng Tàu) đưa ra cho thấy "ma trận" hàng giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm bẩn đang bủa vây khiến người dân đang vô cùng bức xúc, hoang mang lo ngại và cần sớm xử lý triệt để nhằm bảo đảm sức khỏe, quyền lợi của người dân vàdoanh nghiệp chân chính.

Về giải pháp lâu dài, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng ( Bà Rịa – Vũng Tàu ) đề nghị cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật và chế tài xử lý vi phạm. Rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến sản xuất, kinh doanh, kiểm tra, kiểm soát chất lượng thuốc, sữa, thực phẩm, thực phẩm chức năng bảo đảm các quy định pháp luật đủ mạnh, bao quát, có khả năng điều chỉnh linh hoạt trước những phương thức thủ đoạn mới của các đối tượng vi phạm. Xây dựng cơ chế truy cứu trách nhiệm cá nhân và pháp nhân rõ ràng, buộc các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, vi phạm phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về những tổn thất mà mình gây ra cho người tiêu dùng...

Nghiên cứu, áp dụng các biện pháp, xử phạt, bổ sung như công khai danh tính các cá nhân, tổ chức, vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra, tăng cường năng lực và trang bị đầy đủ phương tiện, trang thiết bị hiện đại cho các cơ quan chức năng để thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm từ khâu sản xuất cho đến lưu thông trên thị trường...

8(2).jpg
ĐBQH Huỳnh Thị Phúc ( Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: An Nhiên

Chung nỗi lo về thực trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thực phẩm bẩn đang diễn ra tràn lan. Từ các ví dụ điển hình báo chí phản ánh gần đây về các loại sản phẩm có chứa chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đặc biệt là nhóm hàng hóa liên quan đến trẻ em, phụ nữ mang thai, người già...là nhóm người yếu thế trong xã hội. ĐBQH Huỳnh Thị Phúc đặt ra câu hỏi, tại sao các mặt hàng đó lại tràn lan trên thị trường như vậy và trong cuộc chiến với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng chúng ta đã làm hết trách nhiệm của mình hay chưa?

Trước những nguy hại về sức khỏe của toàn dân và hệ lụy cho nền kinh tế, đại biểu đề nghị cần tăng cường hơn nữa việc kiểm soát chất lượng, ngăn chặn kịp thời các loại hàng hóa trôi nổi, không rõ nguồn gốc hoặc có nguy cơ gây tác động xấu tới sức khỏe cộng đồng. Cần phải có các chiến dịch lớn để truy quét xử lý hàng giả, hàng nhái. Chính phủ và các bộ, ngành chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ trong quản lý chất lượng hàng nhập khẩu, tăng cường kiểm tra thị trường, kiểm soát lưu thông và có chế tài rõ ràng đối với các vi phạm…

12.jpg
ĐBQH Võ Thị Minh Sinh ( Nghệ An)phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: An Nhiên

Đánh giá cao trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, Chính phủ vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, đồng thời triển khai quyết liệt các chủ trương cải cách, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, ĐBQH Võ Thị Minh Sinh (Nghệ An) trăn trở khi phong trào “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” chưa đi cùng với niềm tin thật sự vào hàng Việt. Vì vậy, đại biểu gợi mở xem xét phát động thêm một phong trào mới “Người Việt Nam yêu người Việt Nam”; qua đó thúc đẩy, khuyến khích sản xuất và tiêu dùng hàng hóa nội địa chất lượng thật, giá trị thật, để nền kinh tế nước nhà phát triển bền vững và tự lực hơn.

Liên quan thương mại điện tử, đại biểu đề nghị cần sớm hoàn thiện cơ chế quản lý thuế trên nền tảng số, bảo đảm công bằng tài chính và niềm tin của người tiêu dùng.

5 (2)
ĐBQH Lã Thanh Tân (Hải Phòng) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: An Nhiên

Từ thực tế địa phương, đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo rà soát sửa đổi, bổ sung toàn diện các lĩnh vực trong quản lý phát triển kinh tế - xã hội để bảo đảm tính thống nhất, khả thi, thông suốt. Đặc biệt, tiếp tục rà soát những quy định, văn bản pháp luật có sự liên thông với các quy định tới đây về mô hình địa phương 2 cấp sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này. Nhất là các nội dung về đất đai, giải phóng mặt bằng…

Bách Hợp - An Nhiên