Quốc hội và Cử tri

ĐBQH Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) Hoàn thiện chính sách đồng bộ, hiệu quả hơn

Diệp Anh 23/05/2025 18:41

Phát biểu tại tổ sáng 23/5, ĐBQH Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) nêu nhiều kiến nghị cụ thể liên quan các lĩnh vực đang được đông đảo cử tri quan tâm, như: quản lý dạy thêm, học thêm; thu nhập viên chức; bảo vệ dữ liệu cá nhân; đầu tư hạ tầng giao thông và chính sách sử dụng cao tốc... Đại biểu cũng tiếp tục đề cập vấn đề mỏ sắt Thạch Khê - nội dung nhiều năm chưa được giải quyết dứt điểm.

Điều chỉnh chính sách dạy thêm, thu nhập viên chức

Liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đại biểu Trần Đình Gia cho biết, đầu năm nay, việc triển khai Thông tư 29 về quản lý dạy thêm, học thêm đã tạo ra một hiện tượng xã hội đáng chú ý. Ngay sau khi triển khai, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đã tổ chức điều tra dư luận xã hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Thông tư 29 vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Một bộ phận đồng tình, nhưng phần lớn cho rằng cần xem xét lại một số quy định, đặc biệt là việc cấm tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường… dẫn đến tình trạng các trung tâm dạy thêm mọc lên nhanh chóng.

ĐBQH Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) phát biểu. Ảnh: Khánh Duy
ĐBQH Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Khánh Duy

Theo đại biểu, việc cấp phép cho các trung tâm này hiện đang diễn ra rất nhanh, gần như theo cơ chế một cửa. Các trung tâm mọc lên như nấm, gây ra nhiều phản ứng xã hội. Báo chí cũng đã phản ánh, trong đó có loạt bài nhấn mạnh: “Chúng ta đã thành công trong việc đưa dạy thêm, học thêm từ nhà trường về… nhà riêng”. Do đó, đại biểu Trần Đình Gia đề nghị cần đánh giá toàn diện về vấn đề này.

Đại biểu cũng chia sẻ: Tại một hội thảo của Ủy ban Văn hóa và Xã hội gần đây, tôi đã đặt câu hỏi: “Chương trình giáo dục hiện nay có cần học thêm không?”. Nếu không cần thì phải lý giải rõ ràng. Còn nếu cần, thì việc cấm nhà trường dạy thêm liệu có hợp lý.

Về quản lý giáo viên, đại biểu bày tỏ ủng hộ chủ trương cho phép giáo viên dạy thêm nếu có năng lực, thời gian và mong muốn tăng thu nhập. Tuy nhiên, cần quản lý chặt việc dạy thêm bên ngoài, tránh ảnh hưởng đến chất lượng dạy học chính khóa… Cùng với đó, đại biểu kiến nghị cần đánh giá đầy đủ cả mặt tích cực lẫn hạn chế của Thông tư 29 và sớm điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp, bảo đảm quyền lợi, nguyện vọng chính đáng của người dân.

Phát biểu tại tổ, đại biểu Trần Đình Gia cũng cho rằng, cần có đánh giá toàn diện về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức. “Hiện nay, ngành nào cũng cho rằng thu nhập thấp từ giáo dục đến y tế nhưng chưa có khảo sát khách quan nào cho biết ngành nào thực sự thấp hơn ngành nào?”.

Đại biểu lấy ví dụ: ngành giáo dục cho rằng thu nhập thấp, nhưng thực tế có thể chưa thấp bằng ngành y tế dự phòng. Việc đào tạo một bác sĩ đòi hỏi thời gian, chi phí, công sức lớn, nhưng khi ra làm việc thì thu nhập lại không tương xứng. Đặc biệt, đội ngũ viên chức trong các đơn vị văn hóa, như trung tâm văn hóa, bảo tàng… dù làm việc vất vả nhưng ít được quan tâm.

Vì vậy, đại biểu cho rằng: cần có khảo sát khách quan, chính xác để xây dựng chính sách đãi ngộ phù hợp, giúp họ bảo đảm cuộc sống, ổn định gia đình và yên tâm cống hiến lâu dài.

Cần cơ chế kiểm soát phù hợp

Theo đại biểu Trần Đình Gia, bên cạnh các vấn đề về hàng giả, hàng kém chất lượng, điều đáng lo ngại hơn là tình trạng lộ lọt, sử dụng dữ liệu cá nhân tràn lan, thiếu kiểm soát.

z6630207822922_150fd098ee70a4a5d3f91195a6434daa.jpg
Các ĐBQH Đoàn Hà Tĩnh tham dự phiên thảo luận tổ. Ảnh: Khánh Duy

Đại biểu cho biết, sắp tới Quốc hội sẽ xem xét, ban hành luật liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực đặc biệt phức tạp. Thực tế cho thấy, chỉ cần người dân quan tâm đến một chủ đề cụ thể. Ví dụ như vật liệu xây dựng thì ngay sau đó, trên các nền tảng số cá nhân đã xuất hiện hàng chục quảng cáo liên quan… Điều này đặt ra nghi vấn lớn về việc dữ liệu cá nhân bị thu thập và sử dụng mà không có sự cho phép của chủ thể dữ liệu.

Đại biểu nhận định, việc rò rỉ, sử dụng không kiểm soát dữ liệu cá nhân không chỉ gây phiền toái mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh thông tin, xâm phạm quyền riêng tư. Đây là thách thức lớn, cần được nhận diện đầy đủ và có giải pháp toàn diện, từ rào cản kỹ thuật đến hành lang pháp lý. Đại biểu Trần Đình Gia đề nghị luật phải rõ ràng, khả thi, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ để thực sự bảo vệ quyền riêng tư của người dân trong môi trường số.

Liên quan đến hạ tầng giao thông, đại biểu ghi nhận nỗ lực rất lớn của Chính phủ và các bộ, ngành trong việc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án. Đại biểu dẫn chứng: “Nhiều công trình mới chỉ họp vào cuối tuần thì tuần sau đã thấy thi công đến tầng ba, tầng bốn, cho thấy tốc độ triển khai rất thần tốc.”

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần đặt ra yêu cầu cao hơn về hiệu quả đầu tư. Lấy ví dụ hình ảnh bông sen (chỉ nở hoàn toàn vào ngày cuối cùng), đại biểu cho rằng, để đạt hiệu quả tối đa, cần đầu tư đồng bộ ngay từ đầu, không nên dàn trải. “Hiện nay, nhiều tuyến đường chỉ làm hai làn xe mỗi bên. Khi có phương tiện công trình lưu thông, cả đoàn xe phía sau bị chậm lại, không thể vượt làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất giao thông”, đại biểu nêu rõ.

Đại biểu đề xuất, nếu đầu tư 10.000 tỷ đồng chỉ làm được bốn làn xe, thì nên cân nhắc tăng lên 12.000 tỷ đồng để làm sáu làn. Chi phí giải phóng mặt bằng đã có, phần xây lắp thêm không quá lớn nhưng hiệu quả mang lại sẽ vượt trội, giao thông thông suốt, năng lực khai thác tốt hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn.

Liên quan đến Mỏ sắt Thạch Khê, đại biểu Trần Đình Gia cho biết, cử tri Hà Tĩnh đã nhiều lần phản ánh và bày tỏ nguyện vọng về nội dung này. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có quyết định xử lý dứt điểm. Đại biểu cho rằng việc chậm trễ trong đưa ra quyết định chính thức (tiếp tục hay dừng lại) đang ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân và quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương… Do đó, đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và Bộ Chính trị quan tâm chỉ đạo, xem xét sớm để giải quyết dứt điểm vấn đề này, tạo điều kiện cho địa phương ổn định và phát triển.

Diệp Anh