Chính trị

Hiến kế linh hoạt, tạo động lực phát triển bền vững

Diệp Anh - Khánh Duy 23/05/2025 16:28

Tại phiên thảo luận tổ sáng 23/5, các ĐBQH Đoàn Hà Tĩnh, Hải Dương và Ninh Thuận đánh giá cao báo cáo của Chính phủ, đồng thời tập trung kiến nghị các giải pháp để tổ chức thực hiện chính sách hiệu quả, siết kỷ luật ngân sách, hoàn thiện thể chế, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân và phát triển vùng, chuyển đổi số, nhằm tạo đà tăng trưởng bền vững trong giai đoạn nhiều áp lực hiện nay.

Kịp thời dự báo, siết kỷ luật ngân sách

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, các ĐBQH nhất trí cao với báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước. Theo các đại biểu, các báo cáo thể hiện tinh thần thẳng thắn, khách quan, đánh giá đầy đủ kết quả đạt được, nhận diện rõ thách thức trong bối cảnh quốc tế biến động, kinh tế trong nước chịu áp lực kép cả về cung – cầu và những ảnh hưởng sâu rộng từ quá trình tái cơ cấu, phân cấp, phân quyền đang triển khai.

z6631362227442_835c4bf127486029e628ca61cac7cb4e.jpg
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho biết, từ năm 2024 đến nay, đặc biệt là năm 2025, nhiều nhiệm vụ chi mới phát sinh, với quy mô rất lớn. Đó là các chính sách miễn học phí phổ thông, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3–5 tuổi, trích lập các quỹ theo luật sửa đổi, sắp xếp bộ máy hành chính… Đại biểu đề nghị Chính phủ cần xây dựng phương án điều hành ngân sách chi tiết, linh hoạt và sát thực tế, đặc biệt chú trọng đầu tư cho công tác dự báo – vốn vẫn còn nhiều hạn chế.

Đại biểu cũng nêu rõ, tình trạng ban hành chậm văn bản hướng dẫn thi hành luật đang gây khoảng trống pháp lý, ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi chính sách, nhất là trong bối cảnh tổ chức lại đơn vị hành chính. Liên quan đến chính sách an sinh, đại biểu ghi nhận nhiều chủ trương nhân văn được triển khai, song cho rằng “vấn đề không nằm ở chính sách, mà ở khâu thực hiện và bảo đảm nguồn lực”. Nhiều chính sách bị chậm triển khai, ảnh hưởng lớn đến niềm tin người dân.

ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) phát biểu tại phiên thảo luận Tổ
ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Cùng quan điểm, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) bày tỏ lo ngại trước mức chênh lệch rất lớn giữa dự toán và quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2023, đặc biệt là khoản vượt thu hơn 342.700 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay… Theo đại biểu, điều này phản ánh sự thiếu kỷ luật trong chỉnh lý quyết toán ngân sách, nhiều đơn vị chậm trễ hoặc không gửi đầy đủ số liệu, làm sai lệch báo cáo và ảnh hưởng đến hiệu quả giám sát, điều hành.

“Chênh lệch lớn phản ánh quá trình chỉnh lý quyết toán chưa tuân thủ đúng quy định. Nhiều bộ, ngành, địa phương điều chỉnh kéo dài, thiếu thống nhất, gây sai lệch số liệu”, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đề nghị Chính phủ cần siết chặt kỷ luật ngân sách, quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong việc lập, quyết toán ngân sách đúng thời hạn; đồng thời, bổ sung chế tài xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm, hạn chế tình trạng lệch giữa số liệu báo cáo và thực tế kiểm toán… Bên cạnh đó, cần tăng cường hậu kiểm quy trình chỉnh lý, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngân sách thống nhất toàn quốc, kết nối chặt chẽ giữa Kho bạc, cơ quan tài chính và Kiểm toán Nhà nước để bảo đảm tính minh bạch, kịp thời và chính xác…

Hoàn thiện thể chế, thúc đẩy phát triển

Ghi nhận những điểm sáng trong lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật, đặc biệt là các tác phẩm điện ảnh thành công, chương trình nghệ thuật dân tộc được công chúng đón nhận, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương) cũng chỉ rõ: hạ tầng văn hóa cơ sở chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, nhất là sau sáp nhập hành chính. Nhà văn hóa cũ không còn đủ chỗ họp dân, sinh hoạt cộng đồng. Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát lại quy hoạch mạng lưới thiết chế văn hóa, tận dụng trụ sở dôi dư để làm trung tâm văn hóa cộng đồng.

z6631365830198_48cb4393b1c13d2829f69c1cd900cf35.jpg
ĐBQH Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương) phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng bày tỏ lo ngại về môi trường văn hóa còn nhiều bất cập: phim lậu, nội dung độc hại, nghệ sĩ phát ngôn lệch chuẩn, quảng cáo sai sự thật chưa được xử lý triệt để… Đại biểu kiến nghị sớm ban hành Bộ quy tắc ứng xử đối với văn nghệ sĩ và tăng cường quản lý đạo đức nghề nghiệp.

Về công tác trẻ em, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa cũng ghi nhận những chuyển biến tích cực nhưng đồng thời cảnh báo sự thiếu hụt nhân lực sau sáp nhập, khiến nhiều trẻ em dễ bị tổn thương không được bảo vệ kịp thời… Đại biểu đề xuất cần bố trí đủ biên chế chuyên trách ở cấp xã để chính sách trẻ em không chỉ tồn tại trên giấy.

Phát biểu tại tổ, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) nhấn mạnh: Muốn phát huy điểm sáng và khắc phục hạn chế trong điều hành kinh tế - xã hội, điều cốt lõi là phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, thực thi pháp luật và hoàn thiện thể chế. “Nhiều lĩnh vực như đất đai, đầu tư công, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương vẫn tồn tại “điểm nghẽn” pháp lý, gây chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu minh bạch trong áp dụng và thi hành”, đại biểu nêu rõ.

Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần đồng bộ rà soát, sửa đổi các luật có liên quan để bảo đảm tính ổn định, khả thi và theo kịp thực tiễn. Đặc biệt, cần thể chế hóa kịp thời các nghị quyết của Đảng, nâng cao chất lượng xây dựng và ban hành pháp luật… Cùng với đó, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, bền vững.

Theo đại biểu, hệ thống pháp luật cần minh bạch, bảo đảm quyền tài sản, quyền kinh doanh của người dân và doanh nghiệp; đồng thời, cần hoàn thiện cơ chế để doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận bình đẳng các nguồn lực như tín dụng, đất đai, cơ hội đầu tư, thị trường…

ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) phát biểu tại phiên thảo luận.
ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề xuất khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia các dự án hạ tầng, dịch vụ công, nhà ở xã hội thông qua mô hình hợp tác công – tư (PPP) phù hợp. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư dài hạn, đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động.

Liên quan chuyển đổi số, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh đây là động lực then chốt để nâng cao năng suất và vị thế doanh nghiệp trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Do đó, cần sớm có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới, nhất là trong sản xuất – dịch vụ có lợi thế cạnh tranh… Bên cạnh đó, đại biểu cũng kiến nghị cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư công.

“Trong bối cảnh ngân sách chịu áp lực lớn, cần tăng cường huy động từ khu vực tư nhân, ODA, xã hội hóa; đồng thời chống thất thoát, lãng phí và tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư, nhất là với các dự án giao thông trọng điểm”, đại biểu đề xuất.

ĐBQH Chamaléa Thị Thủy (Ninh Thuận) phát biểu tại tổ.
ĐBQH Chamaléa Thị Thủy (Ninh Thuận) phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Từ thực tiễn địa phương, đại biểu Chamaléa Thị Thủy (Ninh Thuận) kiến nghị Chính phủ và Quốc hội nghiên cứu, bổ sung nội dung Nghị quyết 189 để bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ cho tỉnh Khánh Hòa sau sáp nhập, tránh khoảng trống chính sách ảnh hưởng tới môi trường đầu tư kinh doanh

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết lớn của Đảng và Chính phủ, đặc biệt là các Nghị quyết số 57, 66 và 68 nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025, đại biểu Trần Quốc Nam (Ninh Thuận) cho rằng: Những nghị quyết này không chỉ thể hiện quyết tâm chính trị rất cao trong điều hành phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, mà còn thu hút sự quan tâm, đánh giá tích cực từ cộng đồng quốc tế.

“Việc triển khai đồng bộ các nghị quyết trên đã góp phần tạo nên khí thế mới, củng cố niềm tin, khơi dậy tinh thần đoàn kết trong toàn hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương”, đại biểu nhấn mạnh.

z6630259773245_77ece935af82e3006a3dc784d4bfe581.jpg
ĐBQH Trần Quốc Nam (Ninh Thuận) phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Đại biểu cũng đánh giá cao sự nghiêm túc, chủ động của các cấp, các ngành trong việc quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết, trong đó, nhiều địa phương, bao gồm cả tỉnh Ninh Thuận, đã thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng kế hoạch hành động cụ thể gắn với điều kiện thực tế. Đặc biệt, đại biểu ghi nhận việc triển khai Nghị quyết 57 về phát triển dựa trên khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, cùng Nghị quyết 68 về phát triển vùng đã được tập trung thực hiện một cách bài bản.

Tuy nhiên, đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra rằng: Quá trình hiện thực hóa nghị quyết vào đời sống kinh tế – xã hội vẫn đang gặp không ít khó khăn, thách thức. Khâu tổ chức thực hiện cần được tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa, với phương thức linh hoạt, gắn với thực tiễn từng địa phương và có cơ chế giám sát hiệu quả để kịp thời tháo gỡ vướng mắc.

Nhấn mạnh vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong triển khai nghị quyết, đại biểu Trần Quốc Nam dẫn chứng từ thực tiễn tỉnh Ninh Thuận – nơi chính quyền các cấp luôn chủ động lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp, từ đó cải thiện đáng kể chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp, hội doanh nhân trẻ cũng được phát huy rõ nét, góp phần cùng chính quyền địa phương tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển các lĩnh vực mũi nhọn…

Từ thực tiễn đó, đại biểu kiến nghị cần tiếp tục tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong quá trình triển khai nghị quyết thông qua việc thực hiện có hiệu quả các văn bản pháp lý như Nghị quyết 170 của Quốc hội và Nghị quyết 233 của Chính phủ. Đồng thời, cần tăng cường sự phối hợp đồng bộ, thông suốt giữa Trung ương và địa phương, đặc biệt trong việc xử lý các kiến nghị chuyên ngành và phản ánh từ cơ sở – nhằm bảo đảm quá trình điều hành sát thực tế, kịp thời và hiệu quả.

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Quốc Nam cũng đề xuất cần nghiên cứu, bổ sung và thống nhất các cơ chế, chính sách đặc thù đã được ban hành cho các địa phương. Việc hoàn thiện này cần bảo đảm tính đồng bộ, khả thi và phù hợp với bối cảnh phát triển mới, nhất là trong giai đoạn các địa phương đang rất cần động lực và dư địa chính sách để tăng tốc, bứt phá, hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững.

Diệp Anh - Khánh Duy