Quốc hội và Cử tri

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi): Cần bổ sung thêm đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Thái Yến 23/05/2025 16:10

Qua nghiên cứu dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đóng góp thêm một số ý kiến về việc cần bổ sung đối tượng cán bộ, công chức, viên chức vào tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Luật mới chỉ điều chỉnh tham gia bảo hiểm thất nghiệp với người lao động

Những chính sách nhà nước về việc làm được quy định trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, nội dung này cần xây dựng thành một chương, chứ không chỉ một điều trong luật. Bởi đây là vấn đề rất quan trọng trong điều kiện chúng ta đang thực hiện 3 đột phá, trong đó có đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng nhân tài để phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2 con số trong kỷ nguyên mới.

Ảnh 1- Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị phát biểu tại phiên họp. Ảnh qhvn
Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) phát biểu tại hội trường

Đối với việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị cần bổ sung thêm đối tượng cán bộ, công chức, viên chức vào nhóm này ở Điều 33 của dự thảo. Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, đây cũng là người lao động cần thay đổi việc. Trong khi, luật chỉ điều chỉnh tham gia bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động mà bỏ quên đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. “Thay vì cứ mỗi khi tinh giản biên chế thì Chính phủ lại ban hành một nghị định về chính sách đối với những người chịu sự tác động của tinh gọn bộ máy của tinh giản biên chế”, đại biểu Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.

Cùng với đó, theo Đại biểu Hà Sỹ Đồng, đối với chính sách hỗ trợ việc làm ở Chương II của dự thảo luật cần bổ sung chính sách hỗ trợ đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khi rời khỏi công vụ do tinh gọn bộ máy, do tinh giản biên chế, do ứng dụng công nghệ số vào công vụ.

Bên cạnh đó, ngoài 7 khoản quy định tại Điều 4 của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, cần bổ sung thêm chính sách về bình dân học vụ số, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và nâng cao chất lượng lực lượng lao động trong các khu vực, đối với chính sách người lao động là người Việt Nam ở nước ngoài, gần 6 triệu người và người nước ngoài về Việt Nam làm việc như hộ chiếu, các thủ tục và các quyền lợi về tiền lương, chế độ đãi ngộ,…

Bảo đảm trách nhiệm thực hiện hỗ trợ khi thất nghiệp

Ảnh 2- Cùng với điều kiện để được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) cũng cần sung thêm đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh ITN
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) cần bổ sung thêm đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Ảnh ITN

Đối với kết cấu dự thảo luật, đại biểu Hà Sỹ Đồng kiến nghị cần bổ sung thêm một điều về đối tượng điều chỉnh đưa vào sau Điều 1 của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Bởi, dự thảo luật này cần điều chỉnh tất cả mọi đối tượng là người lao động trong độ tuổi và kể cả ngoài độ tuổi, người lao động trong khu vực doanh nghiệp công và tư, kể cả cán bộ, công chức, viên chức, bản thân đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng là người lao động và cũng có thể thất nghiệp khi thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, họ cũng cần được pháp luật bảo vệ và được thực hiện các chính sách liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp vì những lý do nào đó, mặc dù vẫn có khả năng lao động nhưng vẫn phải rời khỏi công vụ. Chính sách việc làm quy định trong dự thảo Luật này cần quan tâm đến đội ngũ này.

“Cùng với đó, đối với nguyên tắc về việc làm tại Điều 3 của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), ngoài 3 nguyên tắc đã đưa vào dự thảo luật cần bổ sung thêm nguyên tắc bảo đảm trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động về nâng cao nghề nghiệp, về tiền lương, về chính sách bảo hiểm và hỗ trợ khi thất nghiệp”, đại biểu Hà Sỹ Đồng, nhấn mạnh.

Thái Yến