Giáo dục

“Báo chí - truyền thông trong bối cảnh AI phát triển": Nhân lực là yếu tố quyết định

Nguyễn Liên 23/05/2025 15:50

Đây là nhấn mạnh của PGS.TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Hội thảo khoa học quốc tế “Báo chí - truyền thông trong bối cảnh AI phát triển”.

Hội thảo do Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam tổ chức ngày 23.5.

Cần chuẩn bị đội ngũ làm báo trong thời đại trí tuệ nhân tạo

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Lê Hải Bình cho biết, tại Việt Nam, báo chí luôn được xác định là lực lượng quan trọng trong việc truyền tải thông tin chính thống, định hướng dư luận xã hội, bảo vệ nền tảng tư tưởng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh và mang tính đột phá của trí tuệ nhân tạo đang khiến các quy định pháp luật, các tiêu chuẩn nghề nghiệp, cũng như cơ chế quản lý truyền thông hiện hành trở nên chưa bắt kịp thực tiễn.

z6630754342295_3a45db18e1250eaf39c3edb73137c1c7.jpg
PGS.TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thúy Hằng

“Trước những biến động đó, chúng tôi cho rằng việc quản lý báo chí - truyền thông trong bối cảnh AI cần có một tiếp cận tổng thể, đa ngành, linh hoạt và kịp thời. Trong đó, cần sự chung tay của cả Nhà nước, các cơ quan báo chí và đặc biệt là các cơ sở đào tạo - nơi đang góp phần hình thành thế hệ nhà báo tương lai”, PGS.TS Lê Hải Bình nhìn nhận.

Bên cạnh vai trò của cơ quan quản lý và các cơ quan báo chí, PGS.TS Lê Hải Bình cũng nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông trong việc chuẩn bị đội ngũ làm báo có phẩm chất, kỹ năng và tư duy phù hợp với thời đại trí tuệ nhân tạo.

Theo ông, các cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông cần cập nhật nội dung giảng dạy để phản ánh đúng những biến chuyển của môi trường truyền thông số, đặc biệt là các kỹ năng khai thác và kiểm soát AI trong quy trình làm báo; trang bị cho sinh viên không chỉ kiến thức chuyên môn, mà cả năng lực phản biện, hiểu biết về đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội trong bối cảnh thông tin đa chiều.

z6630181402093_63a443794b0c8427e5e6328e9c04776f(1).jpg
Đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Thúy Hằng

Đồng thời, tăng cường hợp tác với các cơ quan báo chí, doanh nghiệp công nghệ để đào tạo theo hướng thực hành, bám sát thực tiễn, đồng thời phát triển các trung tâm nghiên cứu ứng dụng AI trong báo chí - truyền thông.

“Sự đổi mới từ hệ thống đào tạo chính là nền tảng bền vững để ngành báo chí không chỉ theo kịp mà còn chủ động dẫn dắt trong kỷ nguyên số. Nhân lực là yếu tố quyết định. Chỉ khi đội ngũ làm báo được trang bị đầy đủ về năng lực công nghệ, đạo đức nghề nghiệp và tư duy độc lập, thì AI mới trở thành công cụ hỗ trợ, chứ không phải thay thế con người”, PGS.TS Lê Hải Bình khẳng định.

Sự phát triển của AI là cơ hội lớn để đổi mới toàn diện hoạt động báo chí - truyền thông

Theo PGS.TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, AI đã, đang và sẽ định hình lại cách chúng ta sản xuất, phát hành, sử dụng các ấn phẩm báo chí, cũng như cách thức tổ chức hoạt động của các cơ quan báo chí, truyền thông và vai trò, phương thức tác nghiệp của những người làm báo.

z6630754382778_c0639d88929337d9c8326c116cb1a535.jpg
PGS.TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: Thúy Hằng

PGS.TS Dương Trung Ý nhìn nhận, AI không chỉ là vấn đề công cụ hay công nghệ - kỹ thuật, mà còn đặt ra những vấn đề về đạo đức, trách nhiệm xã hội, an ninh thông tin và vai trò của báo chí cách mạng trong việc định hướng dư luận, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

“Chúng tôi cho rằng, việc ứng dụng và làm chủ AI trong lĩnh vực báo chí - truyền thông phải phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, góp phần nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách của Đảng và Nhà nước. Sự phát triển của AI là thách thức, nhưng cũng là cơ hội lớn để đổi mới toàn diện hoạt động báo chí - truyền thông, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng thích ứng và làm chủ công nghệ mới”, PGS.TS Dương Trung Ý nhấn mạnh.

PGS.TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, AI đang mở ra cả những cơ hội chưa từng có và đặt ra những thách thức mang tính sống còn với lĩnh vực báo chí và truyền thông, từ quy trình sản xuất nội dung, thu thập, xử lý thông tin, đến phân phối, tiếp nhận thông tin và tương tác với công chúng.

z6630181489027_e4b460e327f07cf7f2d4d14c00eed57f(1).jpg
PGS.TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu. Ảnh: Thúy Hằng

Theo PGS.TS Phạm Minh Sơn, chủ đề “báo chí - truyền thông trong bối cảnh AI phát triển” là vấn đề cốt lõi, chiến lược đối với sự tồn vong và phát triển bền vững của các cơ quan báo chí, truyền thông, cũng như đối với công tác quản lý nhà nước và định hướng xã hội trong lĩnh vực thông tin tại Việt Nam.

Việc nghiên cứu, làm chủ và ứng dụng AI một cách có trách nhiệm trong lĩnh vực này không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc để thích ứng, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động trong kỷ nguyên số.

“AI cần được xem là công cụ đắc lực để nâng cao chất lượng nội dung, tối ưu hóa quy trình sản xuất, mở rộng khả năng tiếp cận công chúng và tăng cường hiệu quả truyền thông chính sách của Đảng và Nhà nước”, ông nhấn mạnh.

Đề xuất bổ sung và hoàn thiện hành lang pháp lý

Tại Hội thảo, PGS.TS Đinh Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí - Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đề xuất, để tận dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo (AI) thúc đẩy sự phát triển của báo chí Việt Nam trong kỷ nguyên số, cần thống nhất và nâng cao nhận thức về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động báo chí.

z6630754173421_83d8fe8697c783ba73ea7f47873ddc60.jpg
PGS.TS Đinh Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí - Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: Thúy Hằng

Bên cạnh đó, cơ quan báo chí cần xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó đẩy mạnh ứng dụng AI. Một trong những trọng tâm của chiến lược này là đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quy trình sản xuất và phân phối nội dung.

PGS.TS Đinh Thị Thu Hằng cũng đề xuất bổ sung và hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm đảm bảo phát triển công nghệ đi đôi với kiểm soát rủi ro.

Đặc biệt, việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực có năng lực thích ứng và khai thác hiệu quả công nghệ này trở thành yêu cầu cấp thiết. Các nhà báo không chỉ cần kỹ năng nghiệp vụ mà còn phải am hiểu công nghệ, có khả năng sử dụng các công cụ AI. Do đó, cần có chiến lược đào tạo bài bản, từ nâng cao kiến thức công nghệ, kỹ năng phân tích dữ liệu, đến đạo đức nghề nghiệp trong môi trường số.

"Bên cạnh đào tạo lại đội ngũ hiện có, cần xây dựng các chương trình hợp tác giữa cơ quan báo chí với các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp công nghệ để phát triển lớp nhà báo mới - những người vừa vững nghiệp vụ, vừa có năng lực công nghệ - nhằm đáp ứng hiệu quả yêu cầu chuyển đổi số trong báo chí hiện đại.

Cần kết nối giữa nhà báo và chuyên gia công nghệ để phát triển các sản phẩm báo chí đổi mới sáng tạo. Các trường đại học cần cập nhật chương trình đào tạo ngành báo chí, tích hợp kiến thức AI và dữ liệu lớn", PGS.TS Đinh Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Huế, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, để khẳng định vai trò chủ đạo của báo chí cách mạng, đồng thời tận dụng và kiểm soát tốt sức mạnh công nghệ, cần hoàn thiện thể chế, xây dựng hành lang pháp lý và quy định quản lý phù hợp với công nghệ AI.

z6630753959643_b0a05845502598c5bdca8f545f15c960.jpg
Bà Nguyễn Thị Minh Huế, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương. Ảnh: Thúy Hằng

Bà Nguyễn Thị Minh Huế cho biết, trong thời gian tới, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương sẽ định hướng, phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam xây dựng, bổ sung thêm quy tắc đạo đức nghề nghiệp đối với nhà báo trong kỷ nguyên số.

Đặc biệt, bà Huế cho rằng cần có sự đổi mới tư duy, mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của báo chí trong kỷ nguyên AI. Khuyến khích các cơ quan báo chí tích cực đổi mới mô hình hoạt động, chuyển đổi số, ứng dụng AI trong sản xuất nội dung, phát triển báo chí dữ liệu và báo chí đa phương tiện.

Đồng thời, thúc đẩy hợp tác giữa báo chí truyền thống và các nền tảng số, công ty công nghệ để mở rộng phạm vi tiếp cận và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường truyền thông.

Nguyễn Liên