Chính trị

Cần cuộc cách mạng đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh

Tin, ảnh: Trung Thành 23/05/2025 12:34

Cho ý kiến về việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, một số ĐBQH tại Tổ 15 đề nghị, cần có "cuộc cách mạng", đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh để có thể hoàn thành được mục tiêu tăng trưởng dài hạn 2 con số.

Sáng 23/5, các ĐBQH tại Tổ 15 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Vĩnh Phúc, Quảng Trị, Bình Phước, Bình Thuận) thảo luận về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023; việc bổ sung ngân sách chi thường xuyên (nguồn viện trợ không hoàn lại nước ngoài) năm 2025; việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024; kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2024.

img_7308.jpg
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 15

Cơ sở vững chắc để hoàn thành mục tiêu năm 2025

Đa số đại biểu tại Tổ 15 tán thành với đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025.

Nhiều ý kiến chỉ rõ, những tháng cuối năm 2024, với sự nỗ lực cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội có sự chuyến biến tích cực, đạt được kết quả rất đáng khích lệ.

Những tháng đầu năm 2025, kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch tăng trưởng tích cực; thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục khởi sắc; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được đẩy mạnh. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, an sinh, thể thao, truyền thông được quan tâm. Chính trị ổn định; độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; an ninh, trật tự xã hội được bảo đảm.

img_7350.jpg
ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) phát biểu tại phiên thảo luận tổ

ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nhấn mạnh, đây là cơ sở vững chắc, tạo động lực, khí thế, quyết tâm mới để hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 là phấn đấu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Tiến cũng thẳng thắn chỉ rõ, tăng trưởng kinh tế quý I tuy cao nhưng chưa đạt mức tăng trưởng theo kịch bản là 7,7%. Điều này sẽ gây áp lực cho các quý còn lại, tăng trưởng phải đạt từ 8,3-8,4% thì cả năm mới đạt 8%.

Bên cạnh đó, tăng trưởng tiêu dùng trong nước chưa thể hiện được vai trò dẫn dắt tăng trưởng kinh tế. Bán lẻ hàng hóa tiêu dùng và dịch vụ tiêu dùng tuy tăng trưởng 9,9% nhưng chủ yếu đến từ dịch vụ lưu trú và ăn uống.

Việc giải ngân vốn đầu tư công còn thấp mới đạt 9,53% kế hoạch Thủ tướng giao và thấp hơn cùng kỳ. Phát triển doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường có tỉ lệ tăng cao hơn số doanh nghiệp tham gia vào thị trường…

Quyết liệt, minh bạch trong kiểm soát nguồn gốc hàng hóa

Liên quan đến việc đàm phán với Hoa Kỳ về mức thuế quan, ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề nghị Quốc hội trao quyền cho Thủ tướng Chính phủ quyết định việc miễn thủ tục đấu thầu, cho phép chỉ định thầu đối với các gói thầu mua sắm công hoặc chỉ định nhà đầu tư các dự án. Điều này sẽ giúp Việt Nam đẩy nhanh tốc độ cải thiện chênh lệch thương mại với Hoa Kỳ.

img_7410.jpg
ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Đối với các rào cản kỹ thuật, rào cản phi thuế quan, đại biểu đề nghị cần tập trung tạo thuận lợi tối đa cho cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Xem xét những rào cản kỹ thuật, rào cản phi thuế quan nào bất hợp lý, tác động tiêu cực đến cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài thì có thể gỡ bỏ.

Về lâu dài, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị, Quốc hội đưa vấn đề hợp tác kinh tế quốc tế vào chương trình giám sát; trên cơ sở đó xem xét ban hành một Nghị quyết của Quốc hội về định hướng hợp tác kinh tế quốc tế của Việt Nam. Đây là cơ hội để các cơ quan cùng nhau nhìn lại thành tựu của quá trình hội nhập kinh tế và chuẩn bị cho việc này trong bối cảnh tình hình mới hiện nay.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng cũng mong muốn và kỳ vọng sẽ có một cuộc cách mạng, đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh để hoàn thành được mục tiêu tăng trưởng dài hạn 2 con số.

Trong đó, Chính phủ cần lập tổ công tác gồm nhiều chuyên gia kinh tế và pháp luật để đề xuất tháo gỡ, đơn giản hóa thủ tục về đầu tư dự án, tập trung vào việc cắt giảm, hợp nhất hoặc liên thông thủ tục hành chính…

Giải quyết dứt điểm về tình trạng nợ văn bản hướng dẫn chi tiết

Góp ý về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024, ĐBQH Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc) cho rằng, kết quả triển khai Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đóng góp tích cực vào việc khắc phục hậu quả, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội năm 2024.

img_7325.jpg
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận tại Tổ 15

Tuy nhiên, tình trạng bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa được khắc phục, có đơn vị đến tháng 5, tháng 6/2024 mới ban hành.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội đã đưa ra nhiều chính sách, song các cơ quan có liên quan còn chậm trong việc ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết; dự báo, tính toán nhu cầu hỗ trợ trong quá trình xây dựng một số chính sách chưa sát thực tế; công tác tổ chức thực hiện một số chính sách chậm, kết quả không đạt như dự kiến.

Việc triển khai, giải ngân vốn đầu tư các dự án quan trọng quốc gia chậm, nhiều tồn tại, khó khăn, vướng mắc, làm lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư…

img_7438.jpg
ĐBQH Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc) phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Chỉ rõ những bất cập nêu trên, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung đề nghị, Báo cáo cần thể hiện rõ nhận định, đánh giá qua các số liệu, dẫn chứng cụ thể, đồng thời nêu rõ các bộ, ngành, địa phương nào thực hiện chưa tốt để có các giải pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.

Cùng với đó, Chính phủ cần tiếp tục có giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh cơ cấu ngân sách nhà nước; siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính; kiểm soát chặt chẽ nợ công, bội chi ngân sách nhà nước; phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ; khắc phục tình trạng giao vốn, giải ngân vốn đầu tư công chậm.

Đặc biệt, đại biểu đề nghị, cần quan tâm giải quyết dứt điểm các tồn tại đã được nêu ra tại các kỳ giám sát của các cơ quan của Quốc hội về tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của bộ máy hành chính. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập; rà soát, đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế khoán, quản lý theo kết quả đầu ra đối với một số lĩnh vực…

Tin, ảnh: Trung Thành