Đời sống

Đòn bẩy cho tín dụng chính sách ở Đắk Nông

Djuang Niê 23/05/2025 10:01

Sau hơn nửa năm triển khai Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư, hoạt động tín dụng chính sách tại tỉnh Đắk Nông đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Chỉ thị 39 đã cụ thể hóa vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền trong việc đưa vốn vay ưu đãi đến đúng đối tượng, đúng nhu cầu, góp phần giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

img_9797.jpeg
Phòng giao dịch NHCSXH huyện Krông Nô, Đắk Nông giải ngân cho người dân tại xã Nam Nung

Đồng vốn tiếp sức sinh kế, mở lối vươn lên

Trước đây, gia đình anh Y Nguyên Êban, sinh năm 1986, bon Ja Rah, xã Nam Nung, huyện Krông Nô là hộ nghèo. Nhờ tiếp cận sớm nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), anh đầu tư hơn 2ha cà phê, học hỏi kỹ thuật canh tác và chăm sóc bài bản. Nhờ vậy, vườn cây cho năng suất ổn định, giúp gia đình có thu nhập, chính thức thoát nghèo vào cuối năm 2024. Anh cho biết, điều quan trọng không chỉ là nguồn tiền mà là sự hỗ trợ đúng lúc để thay đổi tư duy sản xuất, tạo động lực để phát triển.

Tương tự, chị H Djin, sinh năm 1987, thuộc diện hộ cận nghèo, đã vay 90 triệu đồng mua bò sinh sản. Gia đình có ba con nhỏ, thiếu đất sản xuất, cuộc sống từng rất chật vật. Nguồn vốn vay giúp chị có thêm nguồn sinh kế để phát triển kinh tế cho gia đình. Sự chủ động của người dân khi tiếp cận vốn chính sách đã và đang chứng minh hiệu quả lan tỏa thực tế của chương trình tín dụng ưu đãi.

img_9800.jpeg
Đàn bò sinh sản của gia đình chị H Djin phát triển khỏe mạnh

Không dừng lại ở đó, chương trình còn mở ra cánh cửa hội nhập cho những người từng lầm lỡ. Trường hợp của ông Nguyễn Văn Sơn ở bon Ja Cập, xã Nam Nung, là minh chứng. Sau khi chấp hành án phạt tù, ông được vay 100 triệu đồng để đầu tư chăm sóc vườn tiêu, bắt đầu lại cuộc sống từ chính đôi tay mình. Việc mở rộng đối tượng thụ hưởng đến cả người từng chấp hành án phạt tù thể hiện tính nhân văn và bao trùm của chính sách tín dụng hiện hành.

Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Krông Nô, Đinh Văn Dũng cho biết: “Chúng tôi tham mưu sát sao để giao chỉ tiêu hợp lý, rà soát đúng đối tượng và tổ chức bình xét công khai. Đồng vốn chính sách khi đến đúng nơi, đúng lúc sẽ tạo ra thay đổi rất thực chất trong từng hộ dân”.

img_9799.jpeg
Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Krông Nô, Đinh Văn Dũng thăm hỏi động viên gia đình chị H Djin

Từ đầu năm đến hết tháng 4.2025, NHCSXH tỉnh đã giải ngân hơn 814 tỷ đồng cho các chương trình tín dụng ưu đãi, hỗ trợ trên 3.300 hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo, tạo việc làm cho hơn 1.300 lao động, xây dựng hàng nghìn công trình nước sạch, nhà ở xã hội. Nguồn vốn không chỉ đến được với người dân một cách nhanh chóng mà còn gắn với sự đồng hành của các tổ chức hội, chính quyền cơ sở trong quá trình hướng dẫn sử dụng vốn, giám sát và hỗ trợ kỹ thuật sản xuất.

Lan tỏa chính sách đến tận cơ sở

Ngay sau khi Chỉ thị 39 được ban hành, Tỉnh ủy Đắk Nông đã chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương cụ thể hóa nội dung vào chương trình hành động. Các cơ quan chuyên môn, tổ chức chính trị - xã hội đã cùng vào cuộc một cách đồng bộ. NHCSXH phối hợp với các tổ chức đoàn thể, hệ thống Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) để triển khai hiệu quả đến tận thôn, bon, buôn.

Tính đến ngày 30/4/2025, tổng dư nợ tín dụng chính sách của tỉnh đạt 4.887 tỷ đồng, với hơn 70.400 hộ còn dư nợ, chiếm gần 41% tổng số hộ dân toàn tỉnh. Tỷ lệ nợ quá hạn chỉ ở mức 0,05%, phản ánh rõ sự hiệu quả trong công tác phối hợp quản lý vốn, nâng cao ý thức sử dụng vốn và trả nợ của người dân. Chất lượng tín dụng được giữ vững không chỉ nhờ nguồn lực tài chính mà còn từ sự giám sát cộng đồng thông qua tổ chức hội và hệ thống Tổ TK&VV.

img_9801.jpeg
Lãnh đạo Phòng giao dịch NHCSXH huyện Krông Nô chia sẻ, động viên Tổ trưởng Tổ TK&VV bon Ja Rah, xã Nam Nung

Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương đã đạt 433 tỷ đồng, tăng hơn 6 lần so với năm 2014, qua đó cho thấy sự cam kết ngày càng rõ ràng của chính quyền các cấp trong bảo đảm an sinh xã hội. Việc lồng ghép vốn tín dụng chính sách vào các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, nông thôn mới cũng được triển khai sâu rộng, tạo sự cộng hưởng hiệu quả.

Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông, Vũ Anh Đức nhấn mạnh: “Chỉ thị 39 là bước phát triển mới về chất lượng trong triển khai tín dụng chính sách. NHCSXH tỉnh Đắk Nông sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao dịch xã, nâng cao hiệu quả tổ tiết kiệm và vay vốn, để mỗi đồng vốn thực sự là động lực phát triển bền vững.”

img_9798.jpeg
Người dân xã Nam Nung đầu tư chăm sóc rẫy hồ tiêu từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH

Việc triển khai Chỉ thị 39 tại Đắk Nông đang tiếp tục khẳng định vai trò then chốt của tín dụng chính sách trong hệ thống an sinh xã hội. Không đơn thuần là hỗ trợ tài chính, mỗi đồng vốn còn là sự tiếp sức, là niềm tin giúp người dân vươn lên thoát nghèo, phát triển sản xuất. Qua đó, góp phần giữ vững ổn định xã hội, thúc đẩy sự phát triển bền vững và công bằng hơn trên toàn địa bàn tỉnh.

“Chúng tôi xác định tín dụng chính sách là một trụ cột quan trọng của hệ thống an sinh xã hội. NHCSXH tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức, mở rộng mạng lưới, nâng cao chất lượng phục vụ để đảm bảo mọi đối tượng chính sách được tiếp cận vốn kịp thời, hiệu quả và bền vững”, Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh.

Djuang Niê