Kinh tế

Phát triển kinh tế tư nhân: Bảo đảm nguồn lực chảy về doanh nghiệp có năng lực nhất

Minh Châu 23/05/2025 06:56

“Chúng ta phát triển kinh tế tư nhân nhưng không tạo thành các doanh nghiệp tư nhân sân sau, “doanh nghiệp cánh hẩu”. Phân bổ nguồn lực phải bảo đảm chảy về những người có khả năng tốt nhất chứ không phải là những người có quan hệ tốt nhất”, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn phát biểu.

“Tinh thần cải cách mạnh chưa từng thấy”

“Việt Nam đang có tinh thần cải cách mạnh chưa từng thấy trong nhiều thập niên trở lại đây. Chính cảm hứng cải cách đó đang tạo niềm tin rất lớn cho xã hội”, PGS.TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng, phát biểu tại sự kiện Công bố báo cáo “Đột phá: Thể chế cho một tương lai thu nhập cao” và “Tăng trưởng xanh hơn: Con đường hướng tới tương lai bền vững”, do Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức sáng 22/5 tại Hà Nội.

Một trong những minh chứng cho sự cải cách này là mới đây, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó lần đầu tiên xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. “Luận điểm này làm cho đất nước đang rất tưng bừng”, ông Thiên nói.

Ông Đậu Anh Tuấn bổ sung, rất nhiều doanh nghiệp “đang phấn khích về thể chế”, khi lần đầu tiên một văn kiện của Đảng khẳng định “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất”, trong khi xưa nay vẫn coi khu vực này là thứ yếu. Sự rành mạch, khai thông về tư duy này có ý nghĩa rất quan trọng.

vm1.jpg
Quang cảnh sự kiện. Ảnh: Minh Châu

Ông Tuấn cho biết, một số nhà đầu tư trẻ mới đây đã hỏi về việc kinh doanh một số mặt hàng còn khá mới, được cho là “nhạy cảm” với văn hóa, truyền thống của Việt Nam. Điều đó cho thấy, “rất nhiều nhà đầu tư cho rằng Việt Nam đang cởi mở, có chuyển đổi rất mạnh”. Trong những lĩnh vực mới như tiền ảo, tiền số, cho vay ngang hàng…, Việt Nam cũng đang dần chấp nhận, mở đường cho khung pháp lý.

Mặt khác, công tác xây dựng pháp luật cũng đã có sự thay đổi căn bản. Ông Tuấn cho biết, trước đây, xây dựng một bộ luật mất trung bình 2 năm thì hiện chỉ cần khoảng 6 tháng (đa phần các luật được Quốc hội cho ý kiến, thông qua ngay tại một kỳ họp). Trước đây, kinh phí xây dựng một đạo luật chỉ vài chục triệu đồng, thì theo tinh thần Nghị quyết số 66-NQ/TW, Chính phủ sẵn sàng chi 16 - 18 tỷ đồng; lương cho bộ máy làm công tác xây dựng pháp luật cũng được tăng cao…

Tương lai thu nhập cao của Việt Nam phụ thuộc vào khu vực kinh tế tư nhân cũng như cách chúng ta giải quyết vấn đề việc làm trong cơ cấu phát triển mới của tương lai. Kinh tế tư nhân chiếm 80% việc làm. Trong tương lai, cấu trúc phát triển lao động chắc chắn sẽ là trí tuệ nhân tạo (AI), robot. Vậy thu nhập, năng suất đó thuộc về ai? Đó không chỉ là con số thu nhập GDP chia ra đầu người. Do đó, vấn đề thể chế phải tập trung vào cái này.


PGS.TS. Trần Đình Thiên

Đặc biệt, Nghị quyết số 68-NQ/TW nêu rõ đổi mới tư duy quản lý nhà nước; chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm; miễn kiểm tra thực tế đối với các doanh nghiệp tuân thủ tốt quy định pháp luật; quản lý theo rủi ro… Theo ông Tuấn, với khung khổ pháp lý thừa nhận quyền tự do kinh doanh, thừa nhận vai trò của kinh tế tư nhân, thay đổi cách thức quản lý đang tạo niềm tin vào bước chuyển nhanh chóng, qua đó thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển, góp phần đưa đất nước phát triển.

Nhà nước nên đặt lòng tin vào doanh nghiệp tư nhân

Theo ông Trần Đình Thiên, tương lai của Việt Nam thu nhập cao chính là tương lai của khu vực kinh tế tư nhân. Nếu khu vực này không có đột biến, không có thay đổi cơ bản, đặc biệt là nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, thì tương lai của Việt Nam “sẽ càng xa vời”. Tuy nhiên, hiện cả doanh nghiệp tư nhân lẫn lực lượng lao động của Việt Nam có trình độ chưa cao, chưa đủ mạnh trong cuộc cạnh tranh cực khốc liệt. “Chúng ta cần có cải cách khác thường, phi thường hơn nữa; nếu cải cách theo hướng thông thường sẽ khó giải quyết vấn đề”, ông Thiên đề nghị.

Theo ông, để kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng nhất trong nền kinh tế, một trong những then chốt là phải chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử còn nặng nề giữa các lực lượng trong nền kinh tế, cả trong vấn đề tiếp cận nguồn lực. Phải tạo ra môi trường kinh doanh tự do, bình đẳng cho tất cả các thành phần. Muốn vậy, phải có sự hỗ trợ từ Chính phủ. “Việc tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại bộ máy đang diễn ra theo logic cải cách từ trên xuống dưới là điểm đột phá rất mạnh”, ông Thiên phát biểu và hy vọng điều này sẽ tạo chuyển biến tích cực.

Đáng chú ý, theo ông Thiên, Nhà nước nên đặt lòng tin vào doanh nghiệp tư nhân, giao dự án đầu tư công cho doanh nghiệp tư nhân làm, qua đó sẽ gây áp lực để cải thiện quy trình, bảo đảm hiệu quả thực thi. “Nếu đặt lòng tin vào khu vực tư nhân làm được những dự án lớn, công trình lớn hiện nay đang triển khai thì vấn đề sẽ được giải quyết tốt hơn. Còn nếu cứ chia miếng bánh cho khu vực Nhà nước loanh quanh với nhau thì khó đạt mục tiêu”. Về dài hạn, cần đặc biệt ưu tiên đầu tư cho hạ tầng số và tạo điều kiện cho các chủ thể kinh tế tiếp cận hạ tầng này công bằng.

Ông Đậu Anh Tuấn nhìn nhận, rủi ro lớn nhất trong giai đoạn tới là duy trì tính minh bạch cho sự phát triển môi trường kinh doanh của Việt Nam. “Chúng ta phát triển kinh tế tư nhân nhưng không tạo thành các doanh nghiệp tư nhân sân sau, “doanh nghiệp cánh hẩu”. Phân bổ nguồn lực phải bảo đảm chảy về những người có khả năng tốt nhất chứ không phải là những người có quan hệ tốt nhất. Đó là rủi ro và thách thức lớn mà Việt Nam cần giải quyết trong thời gian tới”, ông nói.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, để hướng tới tương lai thu nhập cao, cần phải cân bằng giữa mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Trong đó, mục tiêu then chốt là phải “thay máu” lực lượng doanh nghiệp cũng như lực lượng lao động hiện đang có trình độ thấp, chất lượng không cao, sức cạnh tranh rất kém. Nếu không làm được điều này, chúng ta có thể tạo ra nền kinh tế thu nhập cao về số lượng song về mặt cấu trúc sẽ có vấn đề.

Minh Châu