Quốc tế

Châu Âu gia tăng áp lực với Israel

Châu Anh 23/05/2025 06:46

Trước tình hình chiến sự Dải Gaza leo thang và khủng hoảng nhân đạo ngày càng nghiêm trọng do chiến dịch quân sự mà Israel mới phát động, các quốc gia phương Tây đồng loạt gia tăng áp lực lên Israel bằng những biện pháp ngoại giao và kinh tế mạnh mẽ nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, liệu sức ép từ các quốc gia châu Âu khó có thể buộc Tel Aviv thay đổi chiến lược?

Bước leo thang mới cho xung đột tại Gaza

Ngay sau khi đàm phán ngừng bắn giữa Israel và Hamas kết thúc vào ngày 17/5, Israel đã tăng cường các hoạt động tấn công gây sức ép lớn lên Hamas. Vào thời điểm đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng vừa kết thúc chuyến công du Trung Đông tại 3 nước Ảrập Xêút, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) nhưng không dừng chân ở Israel.

Vào ngày 19/5, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã phát động chiến dịch “Cỗ xe ngựa của Gideon” nhằm mở rộng quyền kiểm soát hoạt động của Israel ở Dải Gaza. Tổng tham mưu trưởng quân đội Israel Eyal Zamir tuyên bố: “Chiến dịch quy mô lớn này do IDF thực hiện nhằm gây ra áp lực lớn lên Hamas”. Cuộc tấn công mới này của Israel nhằm đạt được tất cả các mục tiêu của cuộc chiến ở Gaza, bao gồm cả việc giải thoát các con tin còn lại, đánh bại Hamas và kiểm soát các khu vực chiến lược”.

israel-pha-huy.jpg
Hàng loạt tòa nhà bị phá hủy do xung đột tại Jenin, Bờ Tây. Ảnh: Reuters

Khác với các chiến dịch quân sự nhắm vào Dải Gaza trong thời gian qua, lần này IDF triển khai lực lượng mặt đất tiến sâu vào các khu đô thị đông dân như trại tị nạn Jabalya và khu vực Al-Salateen. Trong những ngày qua, IDF đã phát động các cuộc tấn công rộng rãi và huy động lực lượng để chiếm giữ các khu vực chiến lược ở Dải Gaza, như một phần của các động thái mở đầu của chiến dịch “Cỗ xe ngựa của Gideon” và mở rộng chiến dịch ở Gaza. Binh sĩ ở Bộ Tư lệnh phía Nam sẽ tiếp tục hoạt động để bảo vệ công dân Israel và hiện thực hóa các mục tiêu của cuộc chiến.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố, đã sẵn sàng cho một lệnh ngừng bắn tạm thời để bảo đảm sự trở về của các con tin bị giam giữ, nhưng khẳng định sẽ không từ bỏ mục tiêu nắm quyền kiểm soát toàn bộ Gaza.

Gaza chìm trong khủng hoảng

Theo Reuters, các hoạt động quân sự của Israel với nhiều đợt tấn công nhằm thẳng vào khu dân cư, trường học hay bệnh viện trong những ngày qua, đã khiến hơn 500 người tại Dải Gaza thiệt mạng.

Các cuộc không kích dồn dập của Israel từ hôm 20/5 đã cướp đi sinh mạng của 55 thường dân. Cơ quan y tế Dải Gaza cho biết, tính từ khi Israel bắt đầu cuộc tấn công trên bộ và trên không, gần như toàn bộ 2,3 triệu cư dân Gaza phải di dời và hơn 53.000 người đã thiệt mạng.

Làn sóng xung đột mới đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng lương thực, nước sạch, nhiên liệu và thuốc men, đẩy người dân Gaza rơi vào khủng hoảng nhân đạo trầm trọng hơn.

Người phát ngôn của Liên Hợp Quốc (LHQ) Stephane Dujarric cho biết, vẫn chưa có hàng viện trợ nhân đạo nào được phân phối ở Dải Gaza, mặc dù Israel đã nới lỏng lệnh phong tỏa hôm 19/5. Ông Dujarric giải thích rằng lực lượng an ninh Israel đã yêu cầu phải dỡ hàng viện trợ xuống rồi chất lại lên xe tải trước khi được phép bàn giao cho các nhóm bên trong Dải Gaza. “Vì vậy, mặc dù đã có thêm hàng viện trợ được đưa vào Dải Gaza, chúng tôi vẫn chưa thể bảo đảm rằng những hàng viện trợ đó đến được các kho và điểm phân phối của chúng tôi. Số lượng hàng hóa này cũng được ví như muối bỏ bể khi LHQ ước tính cần ít nhất 500 xe tải chở hàng cứu trợ và hàng hóa thương mại mỗi ngày vào dải đất hơn 2 triệu dân này”, ông Dujarric nói.

Động thái cứng rắn từ các nước châu Âu

Thảm họa nhân đạo leo thang ở Dải Gaza đã khiến hàng loạt các quốc gia châu Âu lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ và gia tăng sức ép lên Israel bằng các biện pháp ngoại giao và kinh tế để yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức. Điều này báo hiệu một bước ngoặt tiềm tàng trong các phản ứng quốc tế đối với cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.

Theo đó, đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh Kaja Kallas hôm 20/5 cho biết phần lớn các ngoại trưởng từ 27 quốc gia thành viên của khối đã ủng hộ việc rà soát Thỏa thuận Liên kết giữa EU và Israel - khuôn khổ điều chỉnh quan hệ thương mại và hợp tác chính trị giữa hai bên. Ngoài ra, khối này cũng đã chuẩn bị các biện pháp trừng phạt những người định cư Israel có hành vi bạo lực tại những vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng.

Giới phân tích cho rằng, nếu việc xem xét lại Thỏa thuận EU - Israel được kích hoạt, đây sẽ là một trong những phản ứng mạnh mẽ nhất mà Brussels sử dụng để gây sức ép nhân quyền với Israel.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot cho biết đa số các quốc gia thành viên EU đã ủng hộ việc xem xét lại quan hệ thương mại với Israel. Trước đó, trong một tuyên bố chung hôm 19/5, Anh, Pháp và Canada cảnh báo sẽ trừng phạt Israel nếu nước này không chấm dứt chiến dịch ở Dải Gaza và dỡ bỏ phong tỏa hàng viện trợ nhân đạo. Thụy Điển đã xác nhận sẽ gây sức ép lên EU để khối này đưa ra lệnh trừng phạt đối với các bộ trưởng Israel.

Không dừng lại ở đó, Anh cũng đã có động thái cứng rắn nhất từ trước đến nay đối với Israel. Quốc gia này đã đình chỉ các cuộc đàm phán thương mại tự do với quốc gia Trung Đông này; đồng thời tuyên bố sẽ áp đặt lệnh trừng phạt đối với những người định cư ở Bờ Tây bị chiếm đóng.

Phát biểu trước Quốc hội Anh, Ngoại trưởng David Lammy nhấn mạnh: “Thủ tướng Israel Netanyahu hãy chấm dứt lệnh phong tỏa này ngay bây giờ và cho phép viện trợ vào. Hành động của chính quyền Tel Aviv đang khiến cho Israel bị cô lập khỏi các đối tác trên toàn thế giới, làm suy yếu lợi ích của người dân và làm tổn hại đến hình ảnh của nhà nước Israel trong mắt thế giới. Do đó, chúng tôi tuyên bố đình chỉ các cuộc đàm phán với chính phủ Israel về một hiệp định thương mại tự do mới".

Cùng với tuyên bố cứng rắn, Anh áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với 3 cá nhân và 4 tổ chức liên quan đến bạo lực của người định cư Israel và việc mở rộng các khu định cư trái phép ở Bờ Tây. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Anh cũng đã triệu tập Đại sứ Israel tại London, bà Tzipura Hotovely, để bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về cuộc tấn công Gaza và chính sách định cư gây tranh cãi.

Trong khi đó, tại Hà Lan, một cuộc biểu tình quy mô lớn đã diễn ra tại trung tâm The Hague để lên án các hành động quân sự của Israel ở Dải Gaza. Những người biểu tình kêu gọi Chính phủ Hà Lan thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn đối với Israel, cũng như đặt ra các giới hạn rõ ràng về lập trường của mình liên quan đến các hành động của quốc gia Trung Đông này.

Trong khi khủng hoảng nhân đạo chưa lắng dịu, nỗ lực ngoại giao nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin tiếp tục rơi vào bế tắc. Chính phủ Israel ngày 20/5 thông báo rút đoàn đàm phán cấp cao khỏi Thủ đô Doha, Qatar để “tham vấn”, dù vẫn giữ lại nhóm kỹ thuật. Phía Hamas ngay lập tức cáo buộc Israel “không có hành động đàm phán tích cực và thực chất” và kêu gọi cộng đồng quốc tế có những hành động mạnh mẽ và phối hợp hơn nữa để hạn chế khủng hoảng nhân đạo trên Dải Gaza.

Giới quan sát nhận định, hàng loạt động thái cứng rắn từ các nước phương Tây, đặc biệt việc ngừng đàm phán thương mại và áp đặt trừng phạt cụ thể, đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ giữa Israel với các đồng minh truyền thống. Giữa lúc chiến sự ở Gaza chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, sức ép ngoại giao và kinh tế được kỳ vọng sẽ trở thành đòn bẩy quyết định nhằm buộc Tel Aviv phải thay đổi chiến lược.

Phản ứng trước các động thái cứng rắn từ châu Âu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Israel Oren Marmorstein cho rằng, hành động của EU “phản ánh sự hiểu lầm hoàn toàn về thực tế phức tạp mà Israel đang phải đối mặt”, và nhấn mạnh áp lực bên ngoài sẽ không làm nước này chệch hướng mục tiêu bảo đảm an ninh quốc gia.

Châu Anh