Bảo đảm công bằng, thống nhất trong chính sách miễn học phí
Thảo luận tại tổ chiều 22/5, các ĐBQH Đoàn Nghệ An nhấn mạnh, việc ban hành các nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí là chủ trương nhân văn, cần thiết, nhưng cần được thiết kế thống nhất, rõ ràng về đối tượng, phương thức chi trả, nguồn lực thực hiện và lộ trình triển khai, bảo đảm hiệu quả lâu dài, công bằng cho người học.
Đồng bộ giữa nghị quyết mới và luật hiện hành
Liên quan đến các nghị quyết quy định về miễn học phí cho trẻ em từ 3-5 tuổi, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho rằng: Cần xem xét kỹ về độ tuổi và mối quan hệ giữa các nghị quyết mới với những quy định hiện hành, đặc biệt là tại các khu vực đã có chính sách miễn học phí riêng. Theo đại biểu, hiện nay Luật Giáo dục đã quy định rõ đối tượng được miễn, giảm học phí tại Điều 14 về phổ cập giáo dục.
“Nếu ban hành thêm một nghị quyết riêng để quy định lại đối tượng, cần cân nhắc kỹ về tính thống nhất, bảo đảm sự phù hợp về mặt hình thức và tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật. Có thể cần xem xét sửa đổi trực tiếp trong luật thay vì tách ra bằng một văn bản riêng”, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu cũng lưu ý về quy định tại Điều 89 của Luật Giáo dục liên quan đến chính sách học phí. Theo đại biểu, báo cáo thẩm tra cũng đã nhấn mạnh hệ thống pháp luật hiện nay chỉ quy định về miễn, giảm học phí. Nếu tiếp tục ban hành thêm một nghị quyết riêng, cần đánh giá kỹ tính đồng bộ, thống nhất giữa các văn bản pháp luật.
Bên cạnh đó, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cũng phản ánh một số kiến nghị của cử tri tại các cuộc tiếp xúc gần đây. Nhiều cử tri đánh giá cao chính sách miễn học phí cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi, tuy nhiên cũng kiến nghị xem xét thêm đối với chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh trong bậc đại học. Đây là chương trình trang bị kỹ năng và kiến thức quan trọng, song hiện lại đang thu học phí với mức khá cao. Có trường đại học thu tới 20 triệu đồng, đặc biệt tại các cơ sở giáo dục đại học thực hiện cơ chế tự chủ.
“Việc thu học phí đối với chương trình này là vấn đề cần được xem xét lại, nhất là khi mục tiêu của chương trình là giáo dục phổ cập về quốc phòng – an ninh cho sinh viên. Việc miễn học phí sẽ giúp giảm bớt khó khăn cho sinh viên và tạo điều kiện để các em tiếp cận đầy đủ nội dung học tập quan trọng này”, đại biểu nhấn mạnh.
Chủ động nguồn lực, làm rõ phạm vi và phương thức thực hiện
Phát biểu tại tổ, đại biểu Thái Thị An Chung bày tỏ đồng tình với sự cần thiết phải ban hành ngay hai nghị quyết: phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 - 5 tuổi và miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ mầm non, học sinh phổ thông đang theo học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

“Đây là những chính sách thể hiện rõ chủ trương của Đảng, tinh thần của Hiến pháp 2013, trong đó nêu rõ: Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục mầm non, bảo đảm giáo dục trung học là bắt buộc và từng bước miễn học phí ở bậc trung học phổ thông”, đại biểu nhấn mạnh.
Góp ý vào dự thảo nghị quyết, đại biểu Thái Thị An Chung đề cập một số nội dung để việc triển khai được thuận lợi và hiệu quả hơn. Cụ thể, về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, dự thảo quy định miễn học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông đang học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Tuy nhiên, theo đại biểu, hiện nay khái niệm “cơ sở giáo dục” chưa có định nghĩa chung trong luật. Luật Giáo dục chỉ quy định riêng theo từng cấp học: Điều 25 về cơ sở giáo dục mầm non, Điều 30 về cơ sở giáo dục phổ thông, Điều 42 về cơ sở giáo dục đại học, Điều 16 về cơ sở giáo dục thường xuyên và Điều 69 về cơ sở giáo dục khác.
Trong khi đó, khoản 2 Điều 1 của dự thảo nghị quyết lại áp dụng cho cả “cơ sở giáo dục khác giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông”. Quy định này chưa thống nhất với Luật Giáo dục, dễ gây lúng túng khi triển khai, đặc biệt là với các nhóm trẻ, lớp độc lập, lớp xóa mù chữ hoặc trẻ em khuyết tật… chưa rõ có thuộc đối tượng được miễn học phí hay không. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn nội hàm và giới hạn của các nhóm đối tượng này trong nghị quyết.
Về nguồn kinh phí thực hiện, dự thảo đã quy định rõ: ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp hiện hành, ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương chưa tự cân đối được ngân sách. Đại biểu Thái Thị An Chung cho rằng quy định này là phù hợp. Đáng chú ý, theo báo cáo của Chính phủ, kinh phí tăng thêm khi thực hiện chính sách này chỉ khoảng 8,2 nghìn tỷ đồng – đây là mức tăng có tính khả thi, đủ để bảo đảm tính ổn định và bền vững của chính sách.

Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn: trong dự toán ngân sách năm 2025 hiện chưa bố trí phần chi tương ứng cho chính sách này. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần sớm rà soát, điều chỉnh và chủ động bố trí nguồn lực để triển khai một cách thực chất, tránh tình trạng nghị quyết đã được thông qua nhưng thực hiện lại chậm, làm giảm hiệu quả và uy tín của chính sách.
Về phương thức chi trả, đại biểu kiến nghị cần nghiên cứu để lựa chọn cách thực hiện phù hợp. Mặc dù báo cáo của Chính phủ nêu rõ nội dung này sẽ được hướng dẫn cụ thể, song đại biểu thống nhất với đề xuất của Ủy ban Văn hóa – Xã hội nên chi trả trực tiếp cho người học.

“Hiện nay, chúng ta đã có phần mềm BID và các nền tảng chi trả an sinh xã hội. Việc chuyển trực tiếp đến người học là khả thi và thuận tiện, tránh gây áp lực lên các cơ sở giáo dục – nơi mà bộ phận kế toán còn mỏng, giáo viên thì không có chuyên môn tài chính. Có những trường hợp học sinh đã ra trường, chuyển đi nơi khác nhưng vẫn chưa nhận được hỗ trợ”, đại biểu nêu thực tế.
Về hiệu lực thi hành, dự thảo quy định: “Nghị quyết có hiệu lực kể từ ngày được Quốc hội thông qua và được áp dụng từ năm học 2025–2026 cho đến khi có quy định khác”.
Đại biểu Thái Thị An Chung cho rằng: chỉ cần quy định “áp dụng từ năm học 2025–2026” là đủ, bởi khi có văn bản mới thay thế thì nghị quyết này đương nhiên sẽ hết hiệu lực theo quy định pháp luật. Việc thêm cụm “cho đến khi có quy định khác” là không cần thiết, thậm chí tạo cảm giác chính sách sẽ sớm thay đổi, dễ gây hoang mang cho các đối tượng thụ hưởng.
Kỳ vọng một nền giáo dục công bằng, nhân văn
Bày tỏ sự đồng tình và phấn khởi trước chủ trương miễn học phí cho học sinh phổ thông và phổ cập giáo dục mầm non, đại biểu Trần Đức Thuận nhấn mạnh: “Lâu nay, chúng ta vẫn mơ ước đến một ngày, người dân đi học không phải đóng học phí, đi viện không phải lo viện phí. Đó là mục tiêu nhân văn, cao cả của chế độ xã hội chủ nghĩa – nơi quyền được hưởng dịch vụ thiết yếu như giáo dục, y tế được bảo đảm bình đẳng cho mọi người dân.”

Theo đại biểu, những bước tiến trong chính sách miễn học phí hôm nay là minh chứng cho nỗ lực bền bỉ suốt hơn 40 năm đổi mới, và là thành quả của quyết tâm chính trị rất lớn. “Đây là chính sách xứng đáng được ghi nhận và đánh giá cao”, đại biểu Trần Đức Thuận nhấn mạnh.
Về hỗ trợ học phí ngoài công lập, đại biểu cho rằng cần bảo đảm công bằng giữa học sinh trường công và trường tư. Hệ thống giáo dục ngoài công lập hiện rất đa dạng; có những trường học phí cao phục vụ người có điều kiện, nhưng cũng có nhiều trường đón học sinh khó khăn, không đủ điều kiện vào trường công lập.
“Theo tôi, nên quy định mức hỗ trợ tối thiểu bằng mức học phí của trường công lập. Như vậy mới bảo đảm quyền học tập bình đẳng”, đại biểu đề xuất.

Việc để HĐND cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ là đúng tinh thần phân cấp, song đại biểu cho rằng nên có định hướng chung về mức hỗ trợ tối thiểu bằng với công lập để tránh tình trạng tỉnh giàu hỗ trợ nhiều – tỉnh nghèo hỗ trợ ít, gây chênh lệch giữa các vùng miền.
Về kinh phí thực hiện, đại biểu cho rằng Chính phủ đã chuẩn bị, rà soát nguồn lực và đánh giá kỹ tác động. Tuy nhiên, đại biểu Trần Đức Thuận lưu ý: đây phải là chính sách dài hạn, không nên thực hiện vài năm rồi cắt bỏ vì lý do khó khăn ngân sách.
“Nếu đã xác định đây là chính sách nhân văn, mang tính chiến lược, cần có quyết tâm thực hiện lâu dài,” đại biểu nhấn mạnh.
Liên quan đến mở rộng đối tượng thụ hưởng, ngoài miễn học phí, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu thêm các chính sách hỗ trợ học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, như: sách vở, đồ dùng học tập, bữa ăn bán trú… để thực sự bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục.
Về phạm vi phổ cập giáo dục mầm non, đại biểu đề nghị làm rõ trong nghị quyết: “Là từ 3 - 5 tuổi, hay từ 3 - 6 tuổi, hay chỉ ghi là “giáo dục mầm non”?. Theo đại biểu, cách quy định cần nhất quán với Luật Giáo dục và phù hợp thực tiễn triển khai.
Đại biểu Trần Đức Thuận cũng đề nghị nghị quyết cần tính đến điều kiện cụ thể từng địa phương, không nên áp dụng một lộ trình chung cho tất cả các tỉnh, thành. Những địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới vẫn còn khó khăn, cần có cách tiếp cận linh hoạt, phù hợp với thực tế kinh tế – xã hội của từng vùng để chính sách đạt hiệu quả và công bằng thực chất.