Chính trị

Tính toán kỹ về kinh phí triển khai phổ cập giáo dục mầm non

Đào Cảnh 22/05/2025 18:08

Chiều 22/5, thảo luận tại Tổ 18, các ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, Lâm Đồng, Tiền Giang tập trung góp ý về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi. Trong đó, đề nghị cần rà soát, tính toán kỹ lưỡng, làm rõ nguồn kinh phí triển khai thực hiện, bảo đảm tính đồng bộ và các mục tiêu đề ra.

u1.jpg
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 18. Ảnh: Đào Cảnh

Thảo luận tại tổ, các ĐBQH thống nhất với sự cần thiết xây dựng Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi với những lý do được nêu tại Tờ trình số 282/TTr-CP ngày 29/4/2025 của Chính phủ. Theo đó, Ban soạn thảo đã bám sát chủ trương, định hướng của Đảng; các nghị quyết của Quốc hội nhằm bảo đảm cho trẻ em mầm non được tiếp cận giáo dục chất lượng; chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, ngôn ngữ và tâm lý để bảo đảm chất lượng vào lớp 1.

d1.jpg
ĐBQH Trần Văn Thức (Thanh Hóa) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Đào Cảnh

Theo ĐBQH Trần Văn Thức (Thanh Hóa), trẻ mầm non càng được chăm sóc, giáo dục tốt ở môi trường có tính chất sư phạm, được tham gia nhiều hoạt động cơ bản thì khi bước vào các bậc học sau sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, đại biểu cũng băn khoăn với thực tế Luật Giáo dục hiện chỉ quy định về phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi. Thực hiện Luật này, trong báo cáo của Chính phủ có nêu là đến năm 2017 đã cơ bản hoàn thành việc phổ cập giáo dục mầm non đối với trẻ em đến 5 tuổi đến 99%. Như vậy thì ít nhất vẫn còn 1% chúng ta chưa hoàn thành.

Cũng theo đại biểu, đa số các tỉnh, thành thực hiện việc phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi đã rất khó khăn do phải huy động nguồn lực rất lớn. Bây giờ, nếu mở rộng phạm vi phổ cập từ 3 - 5 tuổi thì cần phải tính toán rất kỹ lưỡng khâu tổ chức thực hiện trong điều kiện thực hiện tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính.

ĐBQH Trần Văn Thức chia sẻ thêm, tại Điều 4 về nguồn lực thực hiện quy định “Ngân sách nhà nước bổ sung tăng thêm ngoài 20% tổng chi cho giáo dục, đào tạo theo Luật Giáo dục”. Tuy nhiên, trong bối cảnh sự phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều thách thức thì việc tăng 20% ngân sách Nhà nước chi cho mình việc phổ cập mầm non từ 3 - 5 tuổi thì đó là một bài toán cần được cân nhắc kỹ, bởi nguồn lực rất lớn. Do đó, Ban soạn thảo cần cân nhắc việc mở rộng phạm vi phổ cập này để có đủ kinh phí thực hiện đồng bộ các chính sách liên quan đến giáo dục.

d2.jpg
ĐBQH Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Đào Cảnh

Cũng băn khoăn về nguồn kinh phí để triển khai, ĐBQH Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) phân tích thêm: Trong Luật Giáo dục quy định chỉ phổ cập đến 5 tuổi mà hiện nay còn đến 300.000 trẻ em trong độ tuổi chưa được đến trường, được chăm sóc trong các cơ sở giáo dục mầm non, chủ yếu tập trung ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, hiện đang có rất nhiều cơ chế, chính sách cho giáo dục mầm non. Việc chuẩn bị phổ cập không chỉ là chính sách cho trẻ em, mà còn chính sách cho giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất... Vì vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần tính toán kỹ lưỡng nguồn kinh phí để làm sao triển khai đồng bộ.

Tham gia góp ý thêm tại Điều 3 về cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện, ĐBQH Cao Thị Xuân cho rằng, việc giao cho Chính phủ ban hành cơ chế chính sách để thực hiện nghị quyết này là rất phù hợp để tạo sự chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện và điều hành chỉ đạo. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần phải trình được Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ để triển khai nghị quyết này thì mới có thể biết rõ các mục kèm theo; ví dụ như: đầu tư cho mạng lưới cơ sở vật chất như thế nào; bảo đảm đội ngũ giáo viên mầm non ra sao; kinh phí triển khai cụ thể ra sao...

d5.jpg
ĐBQH Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Đào Cảnh

Về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) nêu thực tế: từ nay đến năm 2030, riêng chương trình này cần hơn 116.000 tỷ đồng - đây là một nguồn kinh phí dự kiến rất lớn của giai đoạn 2026 - 2030; cùng với đó, các nguồn kinh phí dự kiến bố trí ở giai đoạn này mà Quốc hội đã xem xét thông qua trong thời gian gần đây như: các dự án quan trọng quốc gia; nguồn lực triển khai Nghị quyết 66, 68, 57, 59 của Trung ương... Do đó, đề nghị Chính phủ cần rà soát, tính toán kỹ lưỡng nhằm bảo đảm ngân sách Nhà nước bố trí cho chương trình này; đồng thời, xem xét kỹ vấn đề liên quan đến khả năng của các địa phương khi bố trí ngân sách để làm sao thực hiện hiệu quả”.

Tại thảo luận tổ, các ĐBQH cũng thống nhất cho rằng, Luật Giáo dục quy định ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu là 20% tổng chi ngân sách nhà nước, hiện nay ngành Giáo dục đang triển khai thực hiện một số chính sách mới: miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân; các nhiệm vụ thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030,… việc tập trung ngân sách phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi sẽ rất khó khăn. Theo đó, các ĐBQH đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, bổ sung đánh giá kỹ lưỡng nguồn kinh phí thực hiện Nghị quyết; đề nghị Chính phủ xem xét bố trí nguồn kinh phí thực hiện Nghị quyết do ngân sách Trung ương hỗ trợ tăng thêm ngoài tổng chi ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục.

Đào Cảnh