Chính trị

Tiếp tục hoàn thiện các quy định về thanh tra tỉnh

T. Trung 22/05/2025 13:15

Sáng 22/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

pctqh-nguyen-khac-dinh3.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long


Không phân biệt thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành

Đa số ĐBQH tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra năm 2022 nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị , trong đó có việc sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Nhiều ý kiến cho rằng, về cơ bản dự thảo Luật đã bám sát, kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, nhất là Kết luận số 134-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm tính hợp hiến, cơ bản thống nhất với hệ thống pháp luật.

DBQH Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) 1
ĐBQH Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Đồng thời, đề nghị, việc sửa đổi lần này cần tiếp tục thể chế hóa đầy đủ quan điểm chỉ đạo, các nghị quyết của Đảng; khắc phục triệt để những bất cập đã được chỉ ra trong thực tiễn để đáp ứng yêu cầu của công cuộc sắp xếp bộ máy cải cách hành chính, chuyển đổi số quốc gia cũng như yêu cầu cấp bách trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý sai phạm trong quản lý nhà nước.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) tán thành việc dự thảo Luật điều chỉnh theo hướng thống nhất một hoạt động thanh tra, không phân biệt thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành khi chấm dứt hoạt động của Thanh tra Bộ, Cơ quan ngang Bộ và Thanh tra sở. Đồng thời, tiếp tục duy trì hoạt động của các cơ quan Thanh tra có tính đặc thù: Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước và Cơ quan thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên.

db2.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải và các đại biểu Quốc hội Đoàn Thái Nguyên tham dự phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Tuy nhiên, ĐBQH Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) đề nghị tiếp tục rà soát các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống lãng phí trong dự thảo Luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ thanh tra Chính phủ và Thanh tra cấp tỉnh để có quy định thống nhất với nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được quy định tại Quy định số 191-QĐ/TW ngày 29/10/2024 của Trung ương quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực để bảo đảm tính khả thi khi tổ chức thực hiện sau này.

Còn chưa đầy đủ và trùng lắp

Một vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm tại phiên thảo luận là về vị trí, chức năng của thanh tra tỉnh ở Điều 15 và nhiệm vụ, quyền hạn ở Điều 16.

DBQH Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) 1
ĐBQH Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) đề nghị xem xét sửa lại khoản 1, Điều 15 và Khoản 2, Điều 16 để tránh trùng lắp. Đồng thời, đề nghị bỏ Điểm d, khoản 1, Điều 16 thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp do UBND các cấp đại diện chủ sở hữu. Bởi theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này, Thanh tra tỉnh có thẩm quyền thanh tra việc chấp hành pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của các Sở. Bên cạnh đó, việc quản lý đối với vốn và tài sản nhà nước giao Sở Tài chính nên có thẩm quyền để thanh tra đối với doanh nghiệp.

Mặt khác, việc thanh tra đối với doanh nghiệp do UBND các cấp đại diện chủ sở hữu không chỉ xem xét việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản mà cần xem xét cả các nội dung như quản lý, sử dụng viên chức, người lao động, việc chấp hành pháp luật về đất đai, thực hiện nghĩa vụ với nhà nước của Nhà nước đối với người lao động. Do đó, quy định như dự thảo Luật là chưa đầy đủ và có sự trùng lặp.

Ở khía cạnh khác, tại Điểm a, khoản 1, Điều 16 có quy định xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra, lấy ý kiến của Thanh tra Chính phủ, báo cáo Chủ tịch UBND cấp tỉnh cho ý kiến về chủ trương ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra.

quang-canh1.jpg
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Theo đại biểu Đoàn Thị Lê An, quy định này là chưa phù hợp vì theo Nghị định 109/2025/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ cũng đã có định hướng công tác thanh tra hàng năm và căn cứ về tình hình thực tế của địa phương thì tỉnh xác định, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm của tỉnh.

Hơn nữa, hiện nay đang thực hiện việc phân cấp, phân quyền. Nếu như phải lấy ý kiến xong mới ban hành kế hoạch thì chưa đúng với tinh thần phân cấp, quy định trách nhiệm của cải cách thủ tục hành chính.

Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu xem xét, chỉnh lý quy định trên cho phù hợp với thực tế.

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, Thanh tra Chính phủ giúp Chính phủ khẩn trương phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, các cơ quan có liên quan để nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của ĐBQH chỉnh lý và hoàn thiện, hoàn chỉnh dự thảo luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

T. Trung