Kinh tế

Chủ Zalo có hơn 2.500 tỷ đồng gửi ngân hàng, một phần tiền bị giới hạn giao dịch vì liên quan rà soát pháp lý

Tú Anh 22/05/2025 09:35

Tính đến ngày 31.3.2025, một phần tiền gửi ngân hàng và tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng của VNG bị giới hạn giao dịch liên quan đến rà soát pháp lý.

Theo kết quả kinh doanh công bố, trong năm 2024 vừa qua, CTCP VNG (Mã: VNZ) có doanh thu đạt 9.505 tỷ đồng.

Trong cơ cấu doanh thu, mảng trò chơi trực tuyến đóng góp 6.440 tỷ đồng, chiếm 68%, tăng 17% so với cùng kỳ. Dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông và internet mang về 1.836 tỷ đồng, quảng cáo trực tuyến đóng góp 934 tỷ đồng.

Lợi nhuận gộp VNG trong năm 2024 đạt 3.426 tỷ đồng, tăng 51% so với năm 2023. Tuy nhiên, trước áp lực chi phí hoạt động lớn, trong khi doanh thu tài chính bị thu hẹp và khoản lỗ từ các công ty liên kết gia tăng khiến VNG lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 253 tỷ đồng.

be08878b535ce602bf4d.jpg

Sau cùng, công ty báo lỗ sau thuế 1.018 tỷ đồng trong năm 2024, giảm so với mức lỗ 2.317 tỷ đồng vào năm 2023. Đây cũng là năm thứ 4 liên tiếp kỳ lân công nghệ Việt Nam thua lỗ.

Tính đến hết năm 2024, Tổng tài sản của ông chủ Zalo ở mức 9.434 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Mặc dù thua lỗ nhưng VNG vẫn tích trữ được “của để dành” khi đang có tới hơn 2.700 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng. Cập nhật mới nhất đến hết quý I/2025, lượng tiền gửi ngân hàng của VNG sụt giảm đôi chút xuống còn hơn 2.500 tỷ đồng.

Theo báo cáo của VNG, tính đến ngày 31.3.2025, một phần tiền gửi ngân hàng và tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng của Tập đoàn với tổng số dư 460 tỷ đồng đang bị giới hạn giao dịch liên quan đến rà soát pháp lý được thực hiện bởi cơ quan chức năng Việt Nam.

VNG được biết đến là “kỳ lân” công nghệ của Việt Nam sở hữu hệ sinh thái trải dài trong nhiều lĩnh vực, bao gồm: game trực tuyến (VinaGame, ZingPlay), nền tảng kết nối (Zalo, Zing, Baomoi,...), thanh toán điện tử (ZaloPay), điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, dù được sáng lập bởi hai người Việt nhưng theo thời gian, VNG đã bị “ngoại hoá” bởi sự xuất hiện bởi những cổ đông nước ngoài.

VNG Corporation từng tiết lộ có 4 cổ đông sở hữu cổ phần lớn nhất gồm: VNG Limited (49%), CTCP Công Nghệ BigV (17,84%), ông Lê Hồng Minh (8,85%) và ông Vương Quang Khải (4,99%); còn lại là cổ đông nhỏ lẻ.

Trong đó, VNG Limited có trụ sở tại đảo Cayman, thuộc lãnh thổ hải ngoại của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland. Đây là công ty đã nộp đơn chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ vào tháng 8/2023, nhưng sau đó đã rút lại.

Chính thương vụ này cũng đã hé lộ các pháp nhân ảnh hưởng đến VNG, bao gồm: hai nhà sáng lập Lê Hồng Minh và Vương Quang Khải; hai "gã khổng lồ" từ Trung Quốc là Tencent của tỷ phú Mã Hóa Đằng và Ant Group của tỷ phú Jack Ma; cùng với GIC, quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore.

Tú Anh