Giáo dục

Hà Nội: Nên cho phép học sinh thi tuyển vào lớp 10 được điều chỉnh nguyện vọng

Trang Nhung 22/05/2025 09:19

Nhiều ý kiến cho rằng, việc cho phép học sinh điều chỉnh nguyện vọng sau khi biết số lượng đăng ký hoặc hoàn thành bài thi là giải pháp cần thiết, giúp giảm áp lực, tăng tính công bằng và chủ động cho thí sinh.

Lo "trượt oan" khi tỷ lệ chọi tăng ở các trường vùng ven

Kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội năm học 2025–2026 dự kiến diễn ra trong 2 ngày: 6-7/6. Toàn thành phố có 103.000 học sinh đăng ký dự thi và sẽ có khoảng 64% trúng tuyển vào trường THPT công lập.

Vừa qua, Sở GD-ĐT Hà Nội đã công bố số lượng học sinh đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập. Thống kê sơ bộ của nhiều phòng GD-ĐT, số lượng học sinh "dồn" vào các trường THPT vùng ven, top giữa tăng đáng kể, do tâm lý sợ cạnh tranh quá cao ở các trường top đầu.

Điển hình như THPT Quang Minh ở huyện Mê Linh, tỷ lệ chọi 1/1,75 - đứng thứ 14 về độ cạnh tranh vào lớp 10, tăng tới 72 bậc so với năm ngoái. Đây là trường tăng hạng nhiều nhất.

Kế đó, THPT Ngô Thì Nhậm, huyện Thường Tín, tăng 60 bậc, góp mặt trong top 7 tỷ lệ chọi cao nhất. Cùng mức tăng này, THPT Phạm Hồng Thái, quận Ba Đình, từ hạng 71 năm ngoái giữ vị trí 11 năm nay, tỷ lệ chọi xấp xỉ 1/1,8.

Những trường nằm ở khu vực ngoại thành nhảy vọt hơn 40 bậc về tỷ lệ chọi còn có Phú Xuyên B, Hồng Thái, Tiến Thịnh, Trung Giã, Ngọc Tảo, Minh Hà, Hợp Thanh.

z5519449548578_69ab34870b9802f07395ea72555da5d1 (1)
Nhiều trường THPT ở ngoại thành có lượng đăng ký tăng mạnh, "nhảy vọt" về tỷ lệ chọi khiến phụ huynh và thí sinh lo lắng (Ảnh: Xuân Quý)

Ngược lại, các trường top đầu, hằng năm có điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10 cao chót vót thì số lượng thí sinh đăng ký NV 1 không cao và NV 2 càng hiếm hoi. Đơn cử, Trường THPT Việt Đức chỉ có 27 thí sinh đăng ký nguyện vọng 2; THPT Phan Đình Phùng có 14 thí sinh; THPT Thăng Long 24 thí sinh; THPT Yên Hòa 42 thí sinh…

Anh Minh Phong, một phụ huynh có con thi vào lớp 10 tại Hà Nội chia sẻ nỗi lo lắng khi chứng kiến tỷ lệ cạnh tranh vào các trường THPT vùng ven năm nay tăng đột biến.

"Sau nhiều cân nhắc, gia đình tôi chọn THPT Ngô Thì Nhậm làm nguyện vọng 1 bởi nghĩ trường vùng ven ít áp lực hơn. Năm ngoái, điểm chuẩn trường này cũng vừa phải, tỷ lệ chọi không quá cao. Tuy vậy, khi Sở GD-ĐT công bố tỷ lệ chọi, tôi và con 'ngã ngửa' khi độ cạnh tranh của trường tăng vọt lên gần 2.0 – cao nhất thành phố. Mọi tính toán ban đầu gần như phải cân nhắc lại từ đầu”, Anh Phong tâm sự.

Anh Phong bày tỏ mong muốn có cơ chế linh hoạt hơn trong tuyển sinh, như cho phép điều chỉnh nguyện vọng sau thi, để giảm bớt áp lực "chọn nhầm", và tăng cơ hội trúng tuyển cho học sinh.

Một phụ huynh khác có con học lớp 9 một trường THCS ở Thanh Xuân chia sẻ, khi Sở GD-ĐT công bố tỷ lệ chọi, gia đình vô cùng hoảng hốt. Nguyện vọng 2 đã đăng ký ở trường THPT Quang Minh (huyện Mê Linh) lại đang xếp thứ 14 về độ cạnh tranh vào lớp 10,

"Đáng lo là nguyện vọng 1, năng lực con chấp chới, nguyện vọng 2 độ cạnh tranh lại quá cao. Tôi cứ nghĩ chọn trường ngoại thành, ít người để ý sẽ tăng khả năng trúng tuyển. Lúc đó cũng chưa biết tỷ lệ chọi của các trường nên gia đình khó thể tư vấn đúng đắn cho con", Phụ huynh này cho hay.

Cho phép học sinh được điều chỉnh nguyện vọng

Dựa trên chỉ tiêu tuyển sinh và số lượng học sinh đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập Sở GD-ĐT đã công bố, phụ huynh và thí sinh có thể tính toán ra tỉ lệ chọi vào các trường.

Tuy vậy, Sở GD-ĐT Hà Nội không cho phép thí sinh điều chỉnh nguyện vọng sau khi đã đăng ký. Việc công bố chỉ để biết và nỗ lực trong học tập, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi diễn ra đầu tháng 6 tới.

Nhiều năm qua, phụ huynh và giáo viên liên tục kiến nghị Sở GD-ĐT Hà Nội nên xem xét, tính đến việc cho học sinh được phép đổi NV sau khi các trường công bố số lượng học sinh đăng ký hoặc sau khi thí sinh hoàn thành bài thi vào lớp 10 như cách mà một số địa phương đang làm.

Cụ thể, Sở GD-ĐT Nghệ An cho phép thí sinh thay đổi nguyện vọng 1, 2 và 3 sau khi hoàn thành kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Việc thay đổi nguyện vọng áp dụng cho thí sinh đã tham gia kỳ thi tuyển sinh.

Hay tại TP. Hồ Chí Minh, sau khi công bố tỷ lệ chọi, học sinh có 5 ngày (từ 17h ngày 15/5 đến 17h ngày 19/5) để thay đổi nguyện vọng. Mục tiêu giúp thí sinh có thêm cơ hội vào lớp 10 công lập, thay vì bị “mắc kẹt” với lựa chọn ban đầu trong điều kiện thiếu thông tin.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh điểm chuẩn giữa các NV chênh lệch rất sát (chỉ từ 0,25 đến 1 điểm), và tỷ lệ chọi vào các trường THPT công lập liên tục biến động qua từng năm, việc không cho phép học sinh điều chỉnh nguyện vọng sau khi đăng ký đang đẩy các em vào "thế khó".

"Học sinh hiện tại đang chọn nguyện vọng "mù" - tức là khi chưa biết điểm thi và phổ điểm. Nếu không có chiến thuật hợp lý, các em có thể trượt cả ba nguyện vọng, đành chấp nhận học tại trường tư hoặc trường nghề dù bản thân không muốn", một phụ huynh nêu ý kiến.

z5518588077275_e31d9bdc80cfdfec026482c046b13a25 (1)
Việc cho phép đổi NV sau khi đã đăng ký tạo tính công bằng và chủ động hơn cho học sinh (Ảnh: Xuân Quý)

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân về vấn đề này, thầy Đinh Đức Hiền, Giám đốc điều hành Trường TH, THCS& THPT FPT Bắc Giang cho biết, không giống như kỳ thi vào đại học, học sinh có nhiều lựa chọn khác nhau, thậm chí thi lại. Với lớp 10, học sinh không có nhiều cơ hội, việc phân chia theo khu vực khi tuyển sinh cũng khiến các em có ít lựa chọn hơn.

"Cách thức đăng ký NV trước và không thay đổi NV sau khi biết điểm như hiện nay đang thể hiện sự bất cập, là một trong những nguyên nhân gây tăng áp lực tuyển sinh vào 10, khiến việc đăng ký NV vào lớp 10 càng trở nên may rủi. Nhiều thí sinh điểm cao có nguy cơ trượt công lập", Thầy Đinh Đức Hiền nhấn mạnh.

Cũng theo thầy giáo này, việc cho phép học sinh Hà Nội được đổi NV sau khi thi xong là đề xuất có tính nhân văn cao, thể hiện sự lắng nghe tâm lý và giảm áp lực cho học sinh.

Trước hết, giải pháp này giảm đáng kể căng thẳng cho học sinh và phụ huynh. Các em không còn bị ám ảnh bởi việc "đặt cược" sai trường khi chưa biết tỷ lệ chọi, từ đó tâm lý thi cử ổn định hơn, vì các em biết mình vẫn có cơ hội điều chỉnh.

Mặt khác, giải pháp cũng tăng tính công bằng và chủ động hơn cho học sinh. Các em có cơ hội điều chỉnh NV phù hợp năng lực và kết quả bài thi thực tế, tránh hiện tượng dồn cục vào một vài trường "hot", khiến điểm chuẩn tăng vọt bất ngờ. Đặc biệt, đổi NV sau thi cũng phù hợp xu hướng tuyển sinh hiện đại, tạo cơ chế linh hoạt, cá nhân hóa.

"Tuy vậy, rất dễ xảy ra tâm lý chạy đua căng thẳng kéo dài - từ giai đoạn ôn thi, đến chờ điểm, rồi lại cân nhắc điều chỉnh nguyện vọng", thầy giáo phân tích từ góc nhìn thực tế.

Để học sinh có cái nhìn chính xác, căn cứ tốt hơn cho việc đặt NV, thầy Đinh Đức Hiền cho rằng, cần công khai dữ liệu thi minh bạch, kịp thời.

Đồng thời, tăng cường tư vấn hướng nghiệp sớm từ lớp 8-9, đối với cả phụ huynh và học sinh, để xác định rõ năng lực và định hướng nghề nghiệp, không "chạy đua" vào trường top một cách mù quáng.

Trước lo ngại về tỷ lệ chọi ở nhiều trường THPT thuộc nhóm giữa và nhóm cuối tăng mạnh, cô Nguyễn Thảo Linh, giáo viên Trường THPT Cổ Loa (Hà Nội) khuyên học sinh và phụ huynh nên tiếp cận thông tin với tâm thế tỉnh táo, tránh bị cuốn vào tâm lý bất an.

“Tỷ lệ chọi có thể tác động đến tâm lý, nhưng cần hiểu đó chỉ là một kênh thông tin tham khảo, không phản ánh đầy đủ chất lượng hồ sơ hay xác suất đỗ – trượt của học sinh. Việc phân tích phổ điểm, điểm chuẩn các năm trước mới là cơ sở để chọn nguyện vọng phù hợp,” cô Linh chia sẻ.

Trong thời điểm “nước rút” trước kỳ thi, nữ giáo viên nhấn mạnh, học sinh cần tập trung giữ gìn sức khỏe, duy trì tinh thần ổn định và bám sát chiến lược ôn tập cá nhân.

"Có tâm thế bình tĩnh, có kế hoạch học tập hợp lý và nghỉ ngơi đầy đủ, học sinh hoàn toàn có thể cải thiện năng lực trong thời gian ngắn và đạt kết quả tốt,” giáo viên này cho hay.

Trang Nhung