Miễn học phí, tiến đến miễn viện phí:Thông điệp khẳng định mạnh mẽ bản chất nhân văn, ưu việt của chế độ ta
Tại Kỳ họp thứ Chín này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định chính sách miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ mầm non đến hết THPT công lập trên phạm vi cả nước bắt đầu từ năm học 2025 - 2026. Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu nghiên cứu, thực hiện chủ trương khám sức khỏe định kỳ miễn phí cho Nhân dân ít nhất một lần mỗi năm và tiến tới miễn viện phí cho toàn dân. Đây là hai chính sách lớn tiếp tục thể hiện sinh động nội hàm định hướng XHCN trong nền kinh tế thị trường ở nước ta.
Triển khai hai nhiệm vụ mang tầm chiến lược
Như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng đã chỉ rõ(1): Một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng XHCN trong kinh tế thị trường của Việt Nam là phải gắn kết kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển.
Điều đó có nghĩa là, không chờ đến khi kinh tế đạt đến trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Trái lại, mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn. Đây là một yêu cầu có tính nguyên tắc để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững, theo định hướng XHCN.

Trên thực tế, cả nhiệm kỳ này rất nhiều chính sách xã hội có ý nghĩa cả về vật chất và tinh thần đã đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng nâng cao mức sống của người dân.
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã mở rộng đối tượng tham gia, tăng quyền lợi, lợi ích của người thụ hưởng chính sách này... Mức chuẩn trợ cấp người có công với cách mạng được điều chỉnh từ 2,055 triệu đồng năm 2023 lên 2,789 triệu đồng năm 2024 (tăng tới 35,7%); đây là mức tăng cao nhất so với các lần điều chỉnh trong hơn 20 năm qua. Năm 2025 là năm xử lý quyết liệt tình trạng nhà tạm, nhà dột nát.
Theo Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp thứ 4 Ban chỉ đạo Trung ương về Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát sáng 11/5 vừa qua, từ khi phát động đến ngày 7/5/2025, cả nước đã xóa được 209.000 nhà, trong đó khánh thành và bàn giao 111.000 nhà; khởi công xây dựng 98.000 nhà, đạt khoảng 77% trên tổng số nhu cầu...
Đối với lĩnh vực y tế, mặc dù còn nhiều khó khăn, trong đó có 3 năm bị dịch Covid-19 hoành hành, nhưng đến đầu năm 2024 đã đạt các chỉ tiêu quan trọng: 12,5 bác sĩ và 32 giường bệnh trên 10 nghìn dân; 93,2% dân số tham gia bảo hiểm y tế; số lượng người khám, chữa bệnh ngoại trú từ sau đại dịch Covid-19 đạt 167 triệu lượt; khám, chữa bệnh nội trú đạt 17 triệu lượt người; Việt Nam được quốc tế công nhận là nước phòng, chống đại dịch Covid-19 có hiệu quả cao...
Đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo, Hiến pháp hiện hành đã quy định tại khoản 1, Điều 61, Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu, đó là tầm quan trọng của lĩnh vực “trồng người”. Mười năm thực thi Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng.
Quốc hội đã ban hành nhiều luật như Luật Giáo dục; Luật Giáo dục đại học; Luật Giáo dục nghề nghiệp; Luật Nhà giáo. Đối với giáo dục phổ thông, tỷ lệ huy động học sinh đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học năm học 2023 - 2024 đã đạt 99,7%; học sinh hoàn thành Chương trình giáo dục tiểu học vào THCS đạt 94,3%; học sinh hoàn thành Chương trình giáo dục THPT đạt 90,7%.

Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với sự chuyển đổi tư duy và phương pháp giáo dục từ truyền thụ kiến thức sang định hướng phát triển toàn diện phẩm chất năng lực học sinh là một sự biến đổi tích cực về chất của giáo dục. Chi ngân sách nhà nước cho giáo dục từ năm 2004 tăng dần qua các năm, đến năm 2021 đã đạt 17,52%...
Tuy nhiên, Đảng và Nhà nước đang nỗ lực giải quyết các vấn đề xã hội nói chung, giáo dục và y tế nói riêng tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa.
Khối lượng công việc và giải pháp cho hai loại chính sách
Trong nhiều giải pháp để thực hiện có hiệu quả hai loại chính sách này, Bộ Chính trị, Tổng Bí thư đang “ưu tiên” chỉ đạo thực thi chính sách khoan thư sức dân, miễn học phí cho học sinh, miễn viện phí cho người dân. Có thể coi đây là một ưu tiên cho loại việc thứ 5 trong chuỗi công việc của người dân, "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng".
Về miễn học phí, theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 25/4/2025, thì số lượng học sinh là khá lớn, theo số liệu thống kê năm học 2023 - 2024, hiện nay cả nước có 23,2 triệu học sinh, trong đó có 21,5 triệu học sinh công lập; 1,7 triệu học sinh ngoài công lập. Chia theo cấp học: có 4,8 triệu trẻ em mầm non (3,8 triệu trẻ em công lập, 1 triệu trẻ em ngoài công lập); 8,8 triệu học sinh tiểu học; 6,5 triệu học sinh THCS và 2,99 triệu học sinh THPT.
Căn cứ mức học phí tối thiểu hiện nay, thì tổng nhu cầu kinh phí ngân sách nhà nước phải chi để miễn học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông công lập và hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông ngoài công lập là khoảng 30.000 tỷ đồng. Tổng ngân sách nhà nước thực hiện miễn học phí đối với trẻ em mầm non đến 5 tuổi; học sinh tiểu học, học sinh trung học từ năm học 2025 - 2026 là 22.500 tỷ đồng; số ngân sách nhà nước tăng thêm khi thực hiện chính sách sẽ là 8.200 tỷ đồng.
Về miễn viện phí, theo báo cáo của đại diện lãnh đạo Bộ Y tế tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 6/5/2025, thì việc miễn viện phí cho toàn dân theo định hướng: từ 2026 - 2030, có 90% người dân được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế; 100% người dân được khám sức khỏe định kỳ ít nhất mỗi năm một lần. Do đó, với 100 triệu dân, chi phí mỗi lần khám sức khỏe khoảng 250.000 đồng/người, thì ngân sách nhà nước phải chi khoảng 25.000 tỷ đồng/năm.

Giải pháp căn bản tạo nguồn kinh phí thực hiện chính sách
Hai khoản chi để thực hiện hai loại chính sách là tương đối lớn (30.000 tỷ đồng và 25.000 tỷ đồng). Có thể có nhiều giải pháp tạo nguồn lực tài chính để thực thi hai chính sách này, nhưng căn bản nhất vẫn là giải pháp tạo đột biến trong sản xuất kinh doanh và giải pháp tiết kiệm, tận dụng nguồn lực đã có.
Về giải pháp phát triển sản xuất kinh doanh: mới nhất và quan trọng bậc nhất hiện nay là thúc đẩy triển khai mạnh mẽ và thực thi triệt để Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Ban Chấp hành Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân.
Theo Nghị quyết 68-NQ/TW, thì kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Mục tiêu của Nghị quyết, đến năm 2030 là phải có 2 triệu doanh nghiệp (hiện tại mới có 940.000 doanh nghiệp) với tốc độ tăng trưởng đạt 10 - 12%/năm (hiện nay dưới 10%); đóng góp 55 - 58% GDP (hiện nay mới đóng góp 50%), chiếm khoảng 35 - 40% tổng thu ngân sách nhà nước (hiện tại mới chiếm 30%); năng suất lao động tăng bình quân 8,5 - 9,5%/năm.
Đây là giải pháp thực tiễn nhất, khả thi nhất tạo ra nguồn lực tài chính lớn nhất để góp phần đắc lực thực thi hai chính sách. Bên cạnh đó còn có các nguồn lực từ các doanh nghiệp nhà nước, từ các lĩnh vực công - thương và các ngành sản xuất, dịch vụ khác.
Về giải pháp tiết kiệm, tận dụng nguồn lực đã có: trong nhóm các giải pháp này, phải đặc biệt chú ý giải pháp chống thất thu thuế; thực tế cho thấy, một số ngành, lĩnh vực có rủi ro cao, có thể bị thất thu là bất động sản, giao dịch liên kết, thương mại điện tử... Có nhiều doanh nghiệp có khả năng nộp thuế nhưng chây ỳ...
Do đó, vừa phải thanh tra, kiểm tra theo cơ chế quản lý rủi ro, vừa phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế thu nợ theo quy định của pháp luật. Cuối năm 2023, sau 11 tháng các cơ quan thuế các cấp đã tiến hành thanh tra, kiểm tra và xem xét 581.367 hồ sơ khai thuế, qua đó đã phát hiện và kiến nghị số tiền phải xử lý tới 57.937 tỷ đồng. Trước đó, năm 2022 số tiền thuế phải xử lý còn lớn hơn (khoảng 59.545 tỷ đồng)(2). Đây là những khoản tiền thuế rất lớn, xử lý được, truy thu được, hoàn toàn bảo đảm nguồn chi thực hiện các chính sách miễn phí, hỗ trợ học phí, viện phí.
Miễn học phí, tiến đến miễn viện phí là những chính sách thiết thực, hiện thực; đó không chỉ là những chính sách lớn về an sinh xã hội mà còn là một thông điệp khẳng định mạnh mẽ bản chất nhân văn, ưu việt của chế độ ta, chạm đến trái tim của cả trăm triệu người dân đất Việt.
-----
(1) Tạp chí Cộng sản, số 965 (5/2021), trang 8.
(2) Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài Chính ngày 6/12/2023.