Chính trị

Rõ phạm vi, cơ chế bảo vệ nhóm yếu thế

Diệp Anh - Tuấn Tài 21/05/2025 19:59

Thảo luận tại tổ, chiều 21/5 về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công, các ĐBQH Đoàn Nghệ An cho rằng: cần làm rõ khái niệm, xác định cụ thể phạm vi đối tượng bảo vệ và hoàn thiện cơ chế giám sát thi hành.

Băn khoăn khái niệm, điều kiện khởi kiện

Tại phiên thảo luận, đại biểu Thái Thị An Chung đồng tình với chủ trương thí điểm nội dung này, phạm vi thí điểm tại 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và thời gian thực hiện như dự thảo quy định.

z6624469044420_0f933097d69bc976faf603a426793534.jpg
Đại biểu Quốc hội Thái Thị An Chung phát biểu. Ảnh: Nghĩa Đức

Tuy nhiên, đại biểu cũng nêu một số băn khoăn. Cụ thể, trong dự thảo có đề cập khái niệm “vụ án dân sự công ích”, bao gồm cả các vụ án dân sự do Viện kiểm sát khởi kiện tại tòa án để bảo vệ quyền dân sự của nhóm dễ bị tổn thương và bảo vệ lợi ích công khi không có cá nhân, tổ chức nào khác khởi kiện. “Việc gộp nhóm đối tượng dễ bị tổn thương vào khái niệm “vụ án dân sự công ích” chưa thực sự phù hợp. Nếu là “vụ án dân sự công ích” thì nên nghiêng về việc bảo vệ lợi ích công trong trường hợp không có ai khác thực hiện. Còn đối với nhóm dễ bị tổn thương, cần xác định rõ các điều kiện để Viện kiểm sát có thể khởi kiện”, đại biểu nhấn mạnh.

Theo đại biểu, khái niệm “nhóm dễ bị tổn thương” hiện nay đang được xác định khá rộng. Ví dụ, trẻ em theo Luật Trẻ em là từ 0 đến dưới 16 tuổi; người cao tuổi theo quy định hiện hành là nữ từ 55 tuổi, nam từ 60 tuổi. Tuy nhiên, nhiều người ở độ tuổi này vẫn đang lao động bình thường, thậm chí giữ các vị trí lãnh đạo. Trong khi theo Luật Lao động, tuổi nghỉ hưu là nữ đến 60 tuổi, nam đến 62 tuổi, có nơi nữ đến 62, nam đến 65 tuổi. Do đó, nếu coi toàn bộ người từ 55 đến 60 tuổi là “dễ bị tổn thương” thì chưa hợp lý.

z6624468837819_219fc427cac26cc372d3506e3706b80f.jpg
z6624468791272_1b98adb6d021f6fe9bd1f1fcb0af93a8.jpg
Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An tham dự phiên thảo luận tổ chiều 21/5. Ảnh: Nghĩa Đức

Dẫn chứng từ nghiên cứu ở một số nước, đại biểu Thái Thị An Chung cho biết: đối tượng dễ bị tổn thương thường là người nghèo, người có thu nhập thấp, người thất nghiệp – những người không có khả năng chi trả chi phí tố tụng hoặc gặp khó khăn trong tiếp cận dịch vụ tư pháp. Người cao tuổi được xác định từ 75 tuổi trở lên - khi đã nghỉ hưu, thu nhập thấp, khả năng tiếp cận dịch vụ hạn chế. Trẻ mồ côi, nghèo, bị bỏ rơi cũng được quan tâm. Một số quốc gia còn xác định người vô gia cư, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, khủng hoảng, người dân tộc thiểu số là nhóm dễ bị tổn thương.

Từ đó, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị cần thu hẹp khái niệm “nhóm dễ bị tổn thương” trong Điều 3 của dự thảo, tập trung vào những nhóm yếu thế thật sự gặp khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ cơ bản, có hạn chế về vật chất, hoàn cảnh sống hoặc môi trường xã hội.

Cơ chế khởi kiện và bảo đảm thi hành hiệu quả

Đại biểu Thái Thị An Chung cũng lưu ý: không phải tất cả người thuộc nhóm dễ bị tổn thương đều không thể tự mình khởi kiện. Chỉ một số trường hợp đặc biệt như trẻ em, người bị hạn chế năng lực hành vi, người mất năng lực hành vi mới không thể tự khởi kiện. Các nhóm khác như người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người dân tộc thiểu số… vẫn có đầy đủ năng lực hành vi và nhận thức. Vì vậy, trong quan hệ dân sự, quyền khởi kiện trước hết là quyền tự quyết của họ.

z6624468842194_a59ea734059c3365897778b390b01df6.jpg
Toàn cảnh phiên thảo luận tổ 4. Ảnh: Thành Vinh

“Trường hợp những người này không muốn khởi kiện, nếu Viện kiểm sát vẫn đứng ra khởi kiện thì có thể chưa phù hợp. Dự thảo quy định nếu người thuộc nhóm dễ bị tổn thương đề nghị không khởi kiện thì Viện kiểm sát không được khởi kiện. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc người đó phải nói rõ là không đề nghị khởi kiện thì Viện kiểm sát mới không làm. Do vậy, cần làm rõ cơ chế xác minh trong trường hợp này - đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Thái Thị An Chung cũng đề nghị cần tách riêng các vụ việc liên quan đến nhóm dễ bị tổn thương với các vụ việc bảo vệ lợi ích công, vì đây là hai nhóm có tính chất đặc thù khác nhau.

Về vai trò của Viện kiểm sát, Điều 7 của dự thảo quy định Viện kiểm sát có nhiệm vụ, quyền hạn với tư cách là nguyên đơn. Đồng thời, Viện kiểm sát cũng thực hiện vai trò kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án. Theo đại biểu Thái Thị An Chung, việc Viện kiểm sát vừa là nguyên đơn, vừa thực hiện vai trò kiểm sát có thể gây lẫn lộn về chức năng. Do đó, cần nghiên cứu và quy định rõ ràng hơn.

Liên quan đến Điều 16 của dự thảo, vụ án do Viện kiểm sát khởi kiện để bảo vệ lợi ích công thì không được hòa giải. Đại biểu Thái Thị An Chung cho rằng quy định này chưa thật sự thống nhất, bởi trong một số vụ án, việc hòa giải vẫn có thể cần thiết. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ nội dung này.

z6624468939699_9afe2dcfc1f1854f8c1c1119172225ac.jpg
Đại biểu Quốc hội Trần Đức Thuận phát biểu. Ảnh: Nghĩa Đức

Góp ý vào dự thảo này, đại biểu Trần Đức Thuận cho rằng: đây là một nghị quyết rất nhân văn. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, làm rõ hơn về phạm vi đối tượng được bảo vệ; đồng thời, cần quy định rõ như thế nào là “đối tượng yếu thế”, như thế nào là “lợi ích công” để tránh lúng túng trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, trong một số trường hợp khi chưa có ai đứng ra thực hiện việc khởi kiện, Viện kiểm sát có thể thực hiện việc này. Tuy nhiên, cũng cần cụ thể hóa rõ tiêu chí, điều kiện bảo đảm tính chặt chẽ, không bỏ sót nhưng cũng tránh bị lạm dụng.

Cũng theo đại biểu, một vấn đề khác cần nghiên cứu thêm là: sau khi Viện kiểm sát thực hiện quyền khởi kiện, khi bản án có hiệu lực thì cơ chế giám sát, theo dõi, đôn đốc việc thi hành án cần được quy định rõ. Không chỉ dừng lại ở việc khởi kiện, mà cần theo dõi đến cùng quá trình thi hành bản án để quyền lợi của nhóm yếu thế được bảo đảm thực sự.

“Vì đây là một nghị quyết nhân văn, nên công tác truyền thông, phổ biến đến người dân – đặc biệt là nhóm yếu thế rất quan trọng. Cần để người dân hiểu rõ quyền được bảo vệ, về cơ chế hỗ trợ pháp lý, để họ an tâm rằng trong quá trình sống, nếu có tranh chấp hay bị xâm phạm quyền lợi, luôn có cơ chế bảo vệ kịp thời, hiệu quả từ phía Nhà nước”, đại biểu nhấn mạnh.

Đối với Nghị quyết liên quan đến triển khai dự án đường cao tốc Quy Nhơn – Pleiku, đại biểu Trần Đức Thuận nhấn mạnh: đây là tuyến đường có ý nghĩa chiến lược, không chỉ giúp giải quyết vấn đề giao thông mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế vùng. Theo đại biểu, tuyến đường đi qua nhiều khu vực có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Vì vậy, quá trình triển khai, thi công cần chú trọng không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xung quanh. Đồng thời, đặc biệt lưu ý bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong quá trình thi công…

“Nếu việc thiết kế, xây dựng được tính toán hợp lý, có tính chiến lược và khả năng kết nối với các tuyến giao thông khác thì sẽ mang lại hiệu quả rất tốt. Tuyến đường cao tốc Quy Nhơn – Pleiku nếu được triển khai đồng bộ sẽ tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và duyên hải miền Trung”, đại biểu Trần Đức Thuận nhấn mạnh.

Diệp Anh - Tuấn Tài