Chính trị

Tiếng nói mạnh hơn từ thực tiễn

Diệp Anh 21/05/2025 19:54

Thảo luận tại Tổ 4 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến tổ chức chính trị - xã hội và dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội sáng 21/5, các ĐBQH tỉnh Nghệ An đề xuất nhiều kiến nghị cụ thể nhằm bảo đảm tính đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả của chính sách, đồng thời nhấn mạnh vai trò giám sát, thiết kế kỹ cơ chế thực thi để luật đi vào cuộc sống.

“Ngôi nhà chung” cần cơ chế rõ ràng

Phát biểu về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại biểu Võ Thị Minh Sinh nhấn mạnh: việc thảo luận luật cần đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với tiến trình sửa đổi Hiến pháp đang song song diễn ra.

z6623576933985_e3e191ab4f065c829cf38d896f4d2a35.jpg
Đại biểu Võ Thị Minh Sinh phát biểu. Ảnh: Nghĩa Đức

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Cựu chiến binh là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam… được tổ chức và hoạt động thống nhất trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cùng với các tổ chức thành viên khác của Mặt trận hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.

Đại biểu Võ Thị Minh Sinh đề nghị cần làm rõ mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên. Đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa và Xã hội về việc cần giải thích tính chất “trực thuộc” sao cho vừa giữ được sự thống nhất về tổ chức, vừa bảo đảm tính độc lập tương đối, tự chủ và sáng tạo theo đúng tinh thần Hiến pháp và các nghị quyết của Trung ương.

Theo đại biểu, từ “trực thuộc” không nên hiểu theo nghĩa hành chính đơn thuần, mà là mối quan hệ gắn bó trong một thể thống nhất, nhưng các tổ chức thành viên vẫn giữ nguyên bản sắc và năng lực sáng tạo riêng. Đây chính là điểm then chốt để Mặt trận vừa là trung tâm tập hợp, vừa là không gian chung bảo đảm quyền tự chủ của từng tổ chức.

Từ thực tiễn hoạt động ở cơ sở, đại biểu Võ Thị Minh Sinh dẫn chứng: trong các đợt vận động hỗ trợ người nghèo, khắc phục thiên tai… nhiều tổ chức thành viên cùng triển khai song song khiến người dân phải tiếp nhận nhiều kênh vận động, gây trùng lặp. Ngoài ra, một người có thể là hội viên của nhiều tổ chức, dẫn đến phải đóng nhiều loại hội phí, làm phát sinh sự chồng chéo, lãng phí nguồn lực.

“Thời điểm này là một dấu mốc để hoạt động của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội bước sang giai đoạn mới. Khi trở thành một ngôi nhà chung thì tiếng nói mạnh hơn”, đại biểu Võ Thị Minh Sinh nhấn mạnh. Đồng thời cho rằng, cần thêm quy chế chung về nguyên tắc hoạt động.

z6623576949566_f28dd7c969ae31651b305ee50551ba4b.jpg
Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền phát biểu. Ảnh: Nghĩa Đức

Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền đề nghị rà soát, thống nhất cách gọi các tổ chức thành viên của Mặt trận trong toàn văn dự thảo để bảo đảm tính nhất quán, rõ ràng khi áp dụng. Ngoài ra, đại biểu cũng kiến nghị cân nhắc việc sử dụng cụm từ “rộng lớn” trong định nghĩa về tổ chức Công đoàn Việt Nam, để tránh hiểu sai và bảo đảm chính xác trong văn bản luật.

Chính sách nhà ở xã hội cần rõ ràng, minh bạch và khả thi

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, đại biểu Thái Thị An Chung ghi nhận các bước tiến trong việc tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư, nhưng nhấn mạnh: các quy định vẫn cần cụ thể, rõ ràng để tránh cách hiểu khác nhau trong thực tiễn.

z6623576940399_b3b8638b902540938f335062798e7ff0.jpg
Toàn cảnh phiên thảo luận Tổ 4. Ảnh: Nghĩa Đức

Cụ thể, về quy định giá bán, giá thuê, mua nhà ở xã hội, dự thảo hiện nêu “kiểm tra” chi phí đầu tư sau nghiệm thu công trình. Đại biểu đề nghị thay từ “kiểm tra” bằng “thẩm định”, bảo đảm chặt chẽ về mặt thủ tục và phù hợp bản chất pháp lý.

Đại biểu Thái Thị An Chung cũng kiến nghị: với những dự án đã được chấp thuận đầu tư và đang triển khai trước khi Nghị quyết có hiệu lực, nếu chủ đầu tư tự nguyện ứng trước kinh phí bồi thường, tái định cư theo phương án đã được phê duyệt thì cần có cơ chế để Nhà nước hoàn trả hoặc khấu trừ chi phí theo quy định.

z6623576925443_6e2ecb07a07cc128186c13c186d47b10.jpg
Đại biểu Thái Thị An Chung phát biểu. Ảnh: Nghĩa Đức

Một vấn đề được đại biểu đặc biệt lưu ý là điều kiện “cách xa nơi làm việc”. Theo đại biểu, khái niệm này còn mang tính định tính, dễ gây cách hiểu khác nhau. Do đó, cần quy định khoảng cách cụ thể hoặc giao cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn chi tiết.

Đồng thời, cụm điều kiện: “chưa được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội”, “chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở”, “chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình” cũng cần được làm rõ là các điều kiện “và” hay “hoặc”, tránh phát sinh mâu thuẫn khi triển khai.

Về khoảng cách 30km giữa nơi ở và nơi làm việc – hiện được dùng làm tiêu chí xác định nhu cầu nhà ở xã hội – đại biểu cho rằng trong thực tế, địa điểm làm việc của người dân không cố định, có thể thay đổi thường xuyên. Vì vậy, kiến nghị sửa theo hướng tính từ nhà ở đến địa điểm của dự án nhà ở xã hội mà người dân đăng ký, thay vì tính đến nơi làm việc.

z6623576945513_f83467138b7b778e080dc5a70c2b881f.jpg
Đại biểu Trần Đức Thuận phát biểu. Ảnh: Nghĩa Đức

Cùng bày tỏ sự đồng thuận với chủ trương phát triển nhà ở xã hội, đại biểu Trần Đức Thuận cho rằng: đây là chính sách đúng, có cơ sở pháp lý và thực tiễn, nhưng cần xử lý triệt để những vướng mắc trong triển khai.

Đại biểu nhấn mạnh: quy hoạch và bố trí quỹ đất là vấn đề nổi bật. “Không thể quy hoạch nhà ở xã hội ở những vị trí đầu thừa, đuôi thẹo”, đại biểu nói và đề nghị quy định rõ trách nhiệm của địa phương trong bố trí quỹ đất thuận tiện, bám sát nhu cầu thực tế của người lao động.

Đại biểu cho rằng, nếu đặt tiêu chuẩn nhà ở xã hội quá thấp sẽ lạc hậu, nhưng nếu quá cao sẽ đẩy giá thành, mất khả năng tiếp cận. Vì vậy, cần có thiết kế mẫu, linh hoạt theo vùng miền, bảo đảm lợi nhuận hợp lý cho doanh nghiệp nhưng không vượt quá khả năng chi trả của người dân có thu nhập thấp.

Đồng thời, đại biểu Trần Đức Thuận đề xuất cần xây dựng gói tín dụng ưu đãi, cơ chế thanh toán minh bạch và linh hoạt, từ đó khuyến khích doanh nghiệp tham gia và giúp người dân tiếp cận nhà ở một cách thực chất, không bị rơi vào bẫy chính sách hay chi phí ẩn.

Diệp Anh