Thế giới 24h

Brussels ngăn chặn tình trạng "thổi" giá cho thuê nhà

Ngọc Minh 21/05/2025 19:49

Thủ đô Brussels của Bỉ đang bước vào giai đoạn mới trong cuộc chiến bảo vệ quyền tiếp cận nhà ở với việc thực thi các quy định nghiêm ngặt nhằm kiểm soát giá thuê và hạn chế sự bùng nổ của các căn hộ cho thuê ngắn hạn không đăng ký, đặc biệt là trên nền tảng Airbnb.

Brussels city officials enact new law to control rental rates | Photo: Fight/ Shutterstock
Nguồn: Shutterstock

Chấm dứt thời kỳ "giá cả trên trời"

Theo Euro News, từ tháng 5/2025, Brussels chính thức áp dụng giới hạn giá thuê, cấm các chủ nhà cho thuê với mức giá vượt quá 20% so với mức giá tham chiếu do khu vực quy định. Mức giá tham chiếu này được xác định dựa trên các yếu tố khách quan như diện tích, vị trí, năm xây dựng và hiệu suất năng lượng của bất động sản.

Động thái này nhằm giải quyết tình trạng giá thuê tăng nhanh hơn lạm phát trong những năm gần đây, khiến nhiều người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp, gặp khó khăn trong việc tìm kiếm chỗ ở phù hợp.

Trước khi luật mới này có hiệu lực, giá thuê nhà ở tăng nhanh hơn lạm phát vì giá được xác định tự do theo nguyên tắc tự chủ hợp đồng. Theo tờ Brussels Times, điều đó dẫn đến giá thuê nhà quá cao và không công bằng trên khắp thủ đô Bỉ.

Người thuê nhà hiện có thể khiếu nại về mức giá thuê không công bằng lên Ủy ban Đánh giá giá thuê (CPL), một cơ quan trung lập gồm đại diện của cả chủ nhà và người thuê. Nếu không đạt được thỏa thuận, vụ việc có thể được đưa ra tòa án, nơi thẩm phán sẽ quyết định dựa trên mức giá tham chiếu và các yếu tố liên quan.

Brussels cũng đang tăng cường kiểm soát các căn hộ cho thuê ngắn hạn không đăng ký, đặc biệt là trên nền tảng Airbnb. Theo nghiên cứu, khoảng 5.000 căn hộ đã biến mất khỏi thị trường cho thuê dài hạn do chuyển sang cho thuê ngắn hạn, chiếm khoảng 1% tổng nguồn cung nhà ở .

Các quy định mới yêu cầu chủ nhà phải đăng ký với chính quyền khu vực, cung cấp các giấy tờ như chứng nhận an toàn cháy nổ và giấy phép quy hoạch đô thị. Tuy nhiên, quy trình này gặp nhiều khó khăn do sự khác biệt trong cách hiểu và áp dụng giữa 19 quận của Brussels.

So sánh với các thành phố châu Âu khác

Brussels không đơn độc trong nỗ lực kiểm soát thị trường cho thuê ngắn hạn và bảo vệ người dân trước cuộc khủng hoảng nhà ở. Trên khắp châu Âu, nhiều thành phố lớn cũng đang đối mặt với bài toán tương tự và đã áp dụng các biện pháp can thiệp mạnh mẽ, mỗi nơi một cách riêng biệt.

Theo DW.com, tại Berlin, chính quyền từng ban hành lệnh đưa ra mức trần giá thuê nhà (Mietendeckel) trong vòng 5 năm vào năm 2020 nhằm kiềm chế tình trạng giá thuê leo thang. Tuy nhiên, lệnh này đã bị Tòa án Hiến pháp Liên bang bác bỏ vào năm 2021 vì cho rằng Berlin không có thẩm quyền đơn phương thực hiện. Dù vậy, Berlin vẫn tiếp tục kiểm soát giá thuê thông qua luật liên bang, hạn chế mức tăng giá hàng năm và yêu cầu minh bạch trong hợp đồng thuê. Đây được coi là một trong những mô hình kiểm soát giá thuê cứng rắn nhất tại Đức.

Trong khi đó, tờ Guardian cho biết, thành phố Amsterdam của Hà Lan lại chọn cách siết chặt cho thuê ngắn hạn tại các khu trung tâm bằng cách yêu cầu chủ nhà phải có giấy phép đặc biệt và giới hạn số ngày cho thuê. Kể từ năm 2021, chính quyền thành phố đã cấm hoàn toàn hoạt động cho thuê ngắn hạn ở ba quận nội đô nhằm bảo vệ đời sống cư dân lâu dài.

Theo Reuters, tại Paris, tình trạng bùng nổ Airbnb khiến chính quyền thành phố phải áp dụng giới hạn nghiêm ngặt: không được cho thuê căn hộ chính quá 120 ngày/năm, và các bất động sản khác phải có giấy phép chuyển đổi mục đích sử dụng. Paris cũng tăng mạnh mức phạt đối với các trường hợp vi phạm, lên tới 50.000 euro.

Lisbon, thủ đô của Bồ Đào Nha, vốn từng là “thiên đường Airbnb”, đã phải hành động mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Chính quyền thành phố triển khai chương trình “Renda Segura” - – cho phép chính quyền thuê lại các căn hộ từng phục vụ khách du lịch để chuyển đổi thành nhà cho thuê dài hạn với giá phải chăng. Theo Euronews, giải pháp này giúp tái phân phối không gian sống, đồng thời giảm áp lực lên tầng lớp lao động trẻ và người có thu nhập trung bình.

Ở cấp độ toàn châu Âu, Nghị viện EU đã thông qua luật mới vào tháng 2/2024 yêu cầu các nền tảng cho thuê ngắn hạn như Airbnb, Booking.com... phải chia sẻ dữ liệu với chính quyền địa phương để tăng tính minh bạch và giúp các thành phố quản lý hiệu quả hơn nguồn cung nhà ở. The Brussels Times đánh giá, đây là phản ứng chính sách rõ ràng trước tình trạng giá thuê tăng nhanh tại hàng loạt đô thị châu Âu, nơi cư dân địa phương ngày càng bị gạt ra khỏi trung tâm thành phố.

Mặc dù, các nhà hoạt động xã hội và chính quyền địa phương hoan nghênh các biện pháp mới, coi đây là bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của người thuê nhà và duy trì tính đa dạng xã hội trong thành phố. Tuy nhiên, một số chủ nhà và nhà đầu tư bất động sản bày tỏ lo ngại rằng, các quy định mới có thể làm giảm lợi nhuận và làm phức tạp quá trình cho thuê. Thậm chí, một số cho rằng, các quy định này vi phạm quyền tự do kinh doanh và quyền sở hữu tài sản.

Ngọc Minh