Gỡ "điểm nghẽn" trong phát triển nhà ở xã hội
Thảo luận tại Tổ 1 về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, các ĐBQH thành phố Hà Nội đánh giá, đây là hướng đi cần thiết nhằm khắc phục những vướng mắc kéo dài trong quá trình triển khai thực tế tại nhiều địa phương trong cả nước.
Cần tiêu chí rõ ràng trong xác định đối tượng được thụ hưởng
Phát biểu tại thảo luận Tổ 1, đánh giá nghị quyết với cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tháo gỡ khó khăn, khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, ĐBQH Quốc hội Hoàng Văn Cường bày tỏ đồng tình với việc ban hành nghị quyết và các nội dung cụ thể, như: bỏ quy định về thẩm định phê duyệt dự án khả thi, tiền khả thi; bỏ việc phê duyệt chủ trương quy hoạch (giao nhiệm vụ quy hoạch); bỏ kiểm tra giá bán ban đầu, thay vì kiểm tra 2 bước thì Nhà nước kiểm tra giá lần 2...

Theo đại biểu, xác định giá bán cũng là điểm mới của dự thảo Nghị quyết. Đồng thời, việc Nhà nước kiểm tra lần 2, bỏ bước kiểm tra ban đầu như dự thảo Nghị quyết quy định là phù hợp, giúp giảm thiểu về thời gian.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đánh giá, dự thảo Nghị quyết có nhiều điểm rất tiến bộ, đó là bỏ các quy định về thẩm định, phê duyệt dự án khả thi, tiền khả thi, chủ trương quy hoạch... Với nội dung liên quan đến Quỹ nhà ở quốc gia, đại biểu bày tỏ tán thành phải thành lập quỹ này. Về vấn đề tiền của quỹ, đại biểu cho rằng, đối với các dự án nhà ở thương mại có quy định phải dành quỹ đất 2% làm nhà ở xã hội, nếu chủ đầu tư không làm nhà xã hội thì có thể nộp số tiền có giá trị tương đương với diện tích đất làm nhà xã hội vào Quỹ nhà ở quốc gia...
Tham gia thảo luận về nội dung này, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội là rất phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, đối chiếu với Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật, cần bổ sung đánh giá tác động của chính sách; đặc biệt là về nguồn lực để tổ chức thực hiện.
Đại biểu cũng bày tỏ sự đồng thuận với quy trình đặc thù được quy định trong Dự thảo Nghị quyết, tuy nhiên việc đơn giản hóa thủ tục cần phải đi kèm với các điều kiện cụ thể. Ví dụ, các dự án nhà ở xã hội nếu được áp dụng quy trình rút gọn, không qua đấu thầu mà chỉ định thầu rút gọn hoặc không cần báo cáo nghiên cứu khả thi… thì phải bảo đảm chất lượng công trình và sự an toàn cho người dân. Do đó, cần bổ sung rõ trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc chỉ định thầu để bảo đảm yêu cầu nêu trên.
Về đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, thực tế phạm vi thụ hưởng hiện nay khá rộng trong khi nguồn lực lại có hạn. Do vậy, cần có tiêu chí rõ ràng trong việc xác định đối tượng được thụ hưởng; cần có thứ tự ưu tiên cụ thể để chính sách được thực hiện đúng và trúng.
Đại biểu cũng đề nghị, dự thảo Nghị quyết cần làm rõ địa vị pháp lý, nguồn hình thành quỹ, cơ chế sử dụng và trách nhiệm trong quản lý Quỹ nhà ở xã hội. Đồng thời, Quỹ này cần phải được thanh tra, kiểm soát đầy đủ để bảo đảm hiệu quả trong sử dụng nguồn lực.
Xây dựng cơ chế phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng
Tham gia góp ý dự thảo Nghị quyết, ĐBQH Trần Việt Anh cho biết, qua giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023, Đoàn giám sát của Quốc hội đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, có tình trạng chậm triển khai các dự án. Cụ thể, theo quy định, đất dành cho nhà ở xã hội sẽ có 20% được làm thương mại và ngược lại, đất thương mại sẽ có 20% dành cho nhà ở xã hội. Mặc dù vậy, thực tế triển khai, các dự án thường chỉ làm 20% nhà ở thương mại và 80% còn lại là nhà ở xã hội thì triển khai rất chậm.

Nhấn mạnh dự thảo Nghị quyết đã đưa ra các chính sách mở rộng nhằm khắc phục tình trạng trên, tuy nhiên, đại biểu cũng bày tỏ đồng tình với báo cáo thẩm tra và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị Chính phủ cần xây dựng cơ chế phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng; tránh việc trục lợi chính sách gây thất thoát nguồn lực và bảo đảm chất lượng xây dựng nhà ở xã hội.
Cũng theo ĐBQH Trần Việt Anh, qua quá trình giám sát và trao đổi với chuyên gia, cũng như từ thực tiễn địa phương, có một vấn đề nổi cộm hiện nay là cần phân biệt rõ giữa đối tượng “muốn ở” và đối tượng “muốn sở hữu” nhà ở xã hội. Trước đây, các chính sách chủ yếu tập trung để người dân sở hữu được nhà ở xã hội, trong khi hiện nay nhiều người chỉ có nhu cầu thuê để ở. Đại biểu cũng cho rằng, điểm mở của dự thảo là việc mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội cho lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, cần rà soát kỹ thêm các nhóm đối tượng khác như: giáo viên, cán bộ y tế, người dân vùng nông thôn… để chính sách thực sự bao quát, công bằng.
Cũng tại phiên thảo sáng nay, các ĐBQH thành phố Hà Nội đã đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.