Kinh tế

Ngành ngân hàng tăng tốc triển khai tài chính xanh: Công bố Sổ tay quản lý rủi ro môi trường - xã hội

Hà Lan 21/05/2025 12:06

Sổ tay hướng dẫn hệ thống quản lý rủi ro môi trường – xã hội (ESMS) trong hoạt động cấp tín dụng là công cụ quan trọng thúc đẩy tài chính xanh trong hệ thống ngân hàng.

xanh-td-111111.jpg
Toàn cảnh tọa đàm

Ngày 21/5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức tọa đàm “Đẩy mạnh triển khai Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030”.

Sự kiện đồng thời đánh dấu sự ra mắt chính thức của Sổ tay hướng dẫn hệ thống quản lý rủi ro môi trường – xã hội (ESMS) trong hoạt động cấp tín dụng - một công cụ quan trọng thúc đẩy tài chính xanh trong hệ thống ngân hàng.

xanh-td-333333.jpg
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu

Phát biểu tại sự kiện, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định: “Tăng trưởng xanh không còn là một lựa chọn, mà là yêu cầu tất yếu đối với mọi quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam. Việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên là con đường ngắn nhất để chúng ta hướng tới một tương lai bền vững và thịnh vượng”.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các giải pháp thúc đẩy tín dụng xanh, tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn triển khai, và chia sẻ những bài học, kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực tài chính xanh.

Theo số liệu của NHNN, tín dụng xanh đang có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Tính đến 31/3/2025, đã có 58 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với tổng dư nợ đạt trên 704.244 tỷ đồng, tăng 3,57% so với cuối năm 2024, chiếm tỷ trọng 4,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Dư nợ tín dụng xanh chủ yếu tập trung vào các ngành năng lượng tái tạo và năng lượng sạch (chiếm hơn 37%), nông nghiệp xanh (trên 29%).

Tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh bình quân trong giai đoạn 2017–2024 đạt trên 21,2%/năm, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng chung. Đây là minh chứng cho sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của ngành ngân hàng đối với tăng trưởng xanh.

Cùng với đó, công tác đánh giá rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động cấp tín dụng cũng có bước tiến đáng kể. Tính đến cuối quý I/2025, có 57 tổ chức tín dụng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường – xã hội với dư nợ đạt 3,62 triệu tỷ đồng, tăng gần 1% so với cuối năm 2024. Đáng chú ý, số món vay được đánh giá rủi ro môi trường – xã hội đã đạt gần 1,3 triệu món, tăng hơn 15 lần so với năm 2017, khi hoạt động này mới bắt đầu triển khai.

xanh-td-444444.jpg
TS. Michaela Baur, Giám đốc Quốc gia GIZ tại Việt Nam, phát biểu

Phát biểu tại sự kiện, TS. Michaela Baur, Giám đốc Quốc gia GIZ tại Việt Nam, khẳng định: “Sự kiện hôm nay đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh năm 2025 đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức, đồng thời là năm bản lề đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Chính phủ Đức cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trên hành trình hướng tới một tương lai thịnh vượng, xanh và không ai bị bỏ lại phía sau. Một hệ thống tài chính xanh vững mạnh sẽ là nền tảng thiết yếu để hiện thực hóa mục tiêu đó”.

Công bố Sổ tay hướng dẫn hệ thống quản lý rủi ro môi trường - xã hội

Sổ tay hướng dẫn hệ thống quản lý rủi ro môi trường – xã hội (ESMS) do NHNN phối hợp IFC xây dựng. Đây là tài liệu hướng dẫn chuyên sâu nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng xây dựng, vận hành hiệu quả hệ thống quản lý rủi ro môi trường – xã hội, hướng tới việc thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG), đóng góp vào lộ trình phát triển tài chính bền vững tại Việt Nam.

xanh-td-666666.jpg

Sổ tay được phát triển trên cơ sở tham khảo thông lệ quốc tế, đồng thời điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện hoạt động ngân hàng tại Việt Nam, nhằm nâng cao năng lực nội tại của hệ thống tài chính trong việc quản lý các rủi ro phi tài chính ngày càng phức tạp.

Hà Lan