Văn hóa - Thể thao

"Sắc vóc non cao" - Rực rỡ sắc thổ cẩm giữa đại ngàn

Djuang Niê 21/05/2025 10:40

Chương trình thời trang thổ cẩm Việt Nam - Đắk Lắk 2025 với chủ đề “Sắc vóc non cao” vừa được tổ chức tại Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, nhằm quảng bá giá trị di sản thổ cẩm, tôn vinh nghề dệt truyền thống của các dân tộc thiểu số.

z6613000550329_677c40097a577328bf3a5e63bf16c46b.jpg
Sự kết hợp tinh tế giữa thổ cẩm với phong cách hiện đại

Hoạt động do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện

Trong không gian văn hóa giàu bản sắc, chương trình đã đưa thổ cẩm, chất liệu truyền thống gắn liền với đời sống của các cộng đồng dân tộc thiểu số đến gần hơn với công chúng thông qua các bộ sưu tập thời trang giàu tính nghệ thuật và sáng tạo.

Từ một chất liệu thủ công có nguy cơ mai một, thổ cẩm đã được tái hiện sinh động trên sàn diễn như một biểu tượng văn hóa sống động, có khả năng thích ứng linh hoạt với thời đại.

z6613000564955_8c536dc20eec177075b2cd3fd054919c.jpg
Trang phục thổ cẩm cách tân trên nền dáng váy dạ hội

Chương trình có sự tham gia của nhiều nhà thiết kế uy tín, như: Việt Hùng, Ngọc Bích (thương hiệu Bigally), Thạch Linh và Vương Thị Hương (Hachisa Diamond). Với tư duy thiết kế hiện đại kết hợp chất liệu truyền thống, các bộ sưu tập “Sắc vóc non cao”, “Xúng xính rẻo cao”, “Âm vang đại ngàn” và “Sắc màu Tây Nguyên” đã thể hiện rõ tinh thần gìn giữ bản sắc văn hóa trong từng đường nét, họa tiết.

Ngoài yếu tố thời trang, chương trình còn là nơi tôn vinh những nghệ nhân thầm lặng, những người đã góp phần giữ gìn và truyền nối nghề dệt thổ cẩm qua nhiều thế hệ. Khu vực trưng bày sản phẩm của các nghệ nhân địa phương là một không gian giao thoa giữa truyền thống và đổi mới.

Những tấm vải thổ cẩm không chỉ mang giá trị sử dụng, mà còn là ký ức, là câu chuyện văn hóa của mỗi cộng đồng được kể lại bằng sắc màu và hoa văn.

z6613000570736_dee88e56fb97d7dc87759d61030aa5cb.jpg
Người mẫu nhí trình diễn thiết kế thổ cẩm của Bigally

Theo bà Kim Thanh Thảo, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nghệ thuật Hoa Ánh Dương, đơn vị tổ chức thực hiện chương trình, thổ cẩm không chỉ là chất liệu thủ công đơn thuần mà còn là kết tinh của lịch sử, trí tuệ dân gian và bản sắc văn hóa. Việc đưa thổ cẩm vào đời sống đương đại cần được tiếp cận một cách sáng tạo nhưng vẫn giữ nguyên giá trị truyền thống.

Để thổ cẩm thực sự trở thành biểu tượng văn hóa mang tầm vóc quốc gia, bà Kim Thanh Thảo cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, giới sáng tạo và cộng đồng yêu văn hóa dân tộc.

z6613000558392_fb711ada59c6da97d8fcacc4782ac275.jpg
Nhà thiết kế Việt Hùng cùng người mẫu trong bộ sưu tập "Sắc màu Tây Nguyên"

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, Nguyễn Thụy Phương Hiếu nhấn mạnh: chương trình được tổ chức nhằm tôn vinh vẻ đẹp của thổ cẩm, quảng bá hình ảnh con người và văn hóa Đắk Lắk, đồng thời góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Đây cũng là dịp để truyền cảm hứng sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế, đa dạng hóa các sản phẩm ứng dụng từ thổ cẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm làng nghề.

z6613000550535_c1b79f7d875af49d59f7a36c343310b9.jpg
Một số mẫu thiết kế trong chương trình “Sắc vóc non cao”

Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu cũng cho biết, chương trình tạo điều kiện để các nghệ nhân giới thiệu sản phẩm thổ cẩm do chính họ thực hiện kết hợp giữa truyền thống và hiện đại nhằm mang đến cho du khách những trải nghiệm mới mẻ về văn hóa bản địa. Đây là bước đi cụ thể trong việc hỗ trợ phát triển nghề truyền thống gắn với phát triển kinh tế địa phương, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân vùng dân tộc thiểu số.

Với hiệu ứng tích cực, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk định hướng tổ chức chương trình hàng năm, với các chủ đề khác nhau, tập trung tôn vinh làng nghề và phát huy giá trị thổ cẩm trong nhiều lĩnh vực như thời trang, du lịch, sản phẩm văn hóa sáng tạo. Qua đó, góp phần đưa Đắk Lắk trở thành điểm đến văn hóa đặc sắc và trung tâm kết nối tinh hoa thổ cẩm Việt Nam.

Djuang Niê