Quốc tế

Ngành công nghiệp điện ảnh "chao đảo" trước thuế phim của Mỹ

Như Ý 21/05/2025 10:00

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa quyết định áp thuế suất 100% đối với tất cả các bộ phim được sản xuất bên ngoài nước Mỹ, với lý do là ngành công nghiệp điện ảnh nước Mỹ đang phải đối mặt với "cái chết rất nhanh" do các ưu đãi hấp dẫn từ các quốc gia khác nhằm thu hút các nhà làm phim Mỹ.

Hồi sinh phim làm tại Mỹ

Cụ thể, Tổng thống Mỹ Donald Trump gây chú ý khi đăng một bài viết trên mạng xã hội Truth Social với nội dung như sau: "Ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ đang chết rất nhanh. Các quốc gia khác đang tung ra đủ loại ưu đãi để lôi kéo các nhà làm phim và hãng phim của chúng ta rời khỏi Mỹ. Hollywood, cùng với nhiều khu vực khác bên trong nước Mỹ đang bị tàn phá. Đây là một nỗ lực có bàn tính của các quốc gia khác và vì thế là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Ngoài những thứ khác, đây còn là một hình thức truyền tải thông điệp và tuyên truyền".

4e112be1fc117a0d0d8e279881004b177bc09f54.jpg
Hollywood là ngành công nghiệp điện ảnh lâu đời nhất, nơi xuất hiện các hãng phim và công ty sản xuất sớm nhất tại Mỹ. Ảnh: AFP

Thống kê từ FilmLA, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên theo dõi hoạt động sản xuất trong vùng, cho thấy hoạt động sản xuất phim và truyền hình ở Los Angeles đã suy giảm gần 40% trong thập kỷ qua - một con số đáng báo động đối với trung tâm điện ảnh lừng danh thế giới này.

Chủ nhân Nhà Trắng ngay lập tức ủy quyền cho các cơ quan chính phủ liên quan, đặc biệt là Bộ Thương mại, bắt đầu tiến trình áp thuế 100% đối với mọi bộ phim được sản xuất ở nước ngoài rồi nhập vào Mỹ. Thông điệp được ông nhấn mạnh bằng chữ viết hoa: "CHÚNG TÔI MUỐN PHIM ĐƯỢC LÀM TẠI MỸ, MỘT LẦN NỮA!"

Tuy nhiên, cả Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick và ông Trump đều chưa cung cấp bất kỳ chi tiết nào về cách thức triển khai. Hiện vẫn chưa rõ liệu động thái này sẽ nhắm vào các công ty sản xuất nước ngoài hay cả các công ty Mỹ đang sản xuất phim ở nước ngoài.

Như vậy, phim ảnh là mặt hàng tiếp theo sẽ chịu ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Trên thực tế, ngành công nghiệp điện ảnh đã cảm nhận được tác động tiêu cực của thuế quan khi Trung Quốc "trả đũa" bằng cách cắt giảm hạn ngạch phim Mỹ được phép vào nước này hồi tháng 4.

Trung Quốc là thị trường phim ảnh lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Theo The Guardian, các biện pháp thuế quan sẽ giáng đòn mạnh vào các hãng phim phương Tây, đặc biệt là tập đoàn Walt Disney, Paramount Global và Warner Bros Discovery Inc - vốn vẫn đang chật vật phục hồi sau đại dịch...

Ngay sau khi ông Trump tuyên bố áp thuế, lãnh đạo Australia và New Zealand tuyên bố sẽ nỗ lực bảo vệ ngành công nghiệp điện ảnh nội địa. Trong khi đó, các giám đốc điều hành Hollywood đang gấp rút tìm hiểu chi tiết về chính sách thuế mới. Về phía Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (Motion Picture Association) hiện chưa đưa ra bình luận chính thức.

Mất nhiều hơn được?

Chính sách thuế phim của ông Trump nằm trong chuỗi các động thái thương mại cứng rắn của chính quyền, vốn đã gây xáo trộn thị trường và làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế. Cựu quan chức Bộ Thương mại William Reinsch cảnh báo rằng, các biện pháp trả đũa từ quốc tế có thể "giết chết" ngành điện ảnh Mỹ. "Chúng ta có nhiều thứ để mất hơn là để được," ông nói, đồng thời cho rằng khó có thể viện dẫn lý do an ninh quốc gia để áp thuế lên phim ảnh.

Việc áp thuế đối với một ngành công nghiệp như phim ảnh sẽ đánh dấu sự mở rộng lớn của thuế quan như một công cụ chính sách vào các dịch vụ, mà Mỹ đang có thặng dư thương mại đáng kể. Và giống như các ngành công nghiệp ô tô, dược phẩm và chip trước đó, tuyên bố của Trump đe dọa sẽ đưa một doanh nghiệp khác vào tình trạng bấp bênh do thuế quan gây ra.

Giới quan sát nhận định, thuế quan "chưa từng có" này của ông Trump không chỉ đe dọa ảnh hưởng đến các nhà sản xuất mà còn tác động trực tiếp đến khán giả. Giá vé xem phim tại Mỹ có thể tăng; trong khi đó, các phim Mỹ quay ở nước ngoài cũng có thể chịu thuế, đẩy chi phí sản xuất và giá vé lên cao. Điều này gây mâu thuẫn với tuyên bố của Tổng thống Trump về việc bảo vệ người tiêu dùng Mỹ, khi chính sách của ông có thể làm tăng giá hàng hóa và dịch vụ.

Không chỉ vậy, thuế quan có thể làm giảm sự đa dạng văn hóa trên màn ảnh. Các phim nước ngoài, dù chiếm thị phần nhỏ tại Mỹ, mang lại giá trị nghệ thuật và góc nhìn mới. Nếu thuế quan khiến các phim này khó tiếp cận khán giả Mỹ, ngành công nghiệp điện ảnh toàn cầu sẽ mất đi cơ hội giao lưu văn hóa.

Mức thuế đối với các tác phẩm điện ảnh cũng vấp phải phản ứng mạnh mẽ. Nhiều ý kiến cho rằng, ông Trump không có quyền pháp lý để áp thuế phim, và gọi đây là hành động không dựa trên cơ sở khẩn cấp kinh tế hay an ninh quốc gia. Trong khi đó, các hãng phim được kêu gọi khởi kiện tổng thống Mỹ nếu thuế được triển khai, báo hiệu nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến pháp lý.

Tuyên bố áp thuế phim 100% của Tổng thống Trump được xem là một bước đi táo bạo nhưng đầy rủi ro. Dù mục tiêu mong muốn hồi sinh Hollywood, ý tưởng này của ông lại có thể làm tổn thương ngành công nghiệp điện ảnh toàn cầu, từ các trung tâm sản xuất như Australia, Canada đến chính khán giả Mỹ.

Các chuyên gia nhấn mạnh rằng, việc thiếu kế hoạch chi tiết cụ thể và các biện pháp hỗ trợ trong nước, thuế quan này được nhận định giống như một con dao hai lưỡi, có thể cắt đứt chính nền kinh tế và văn hóa mà Tổng thống Trump muốn bảo vệ. Do đó, ngành công nghiệp điện ảnh thế giới đang chờ đợi một giải pháp cân bằng hơn sẽ được đưa ra từ phía Washington trong thời gian tới.

Như Ý