Quốc tế

Anh - EU đạt thỏa thuận hậu Brexit: Chương mới trong quan hệ song phương

Châu Anh 21/05/2025 06:43

Anh và Liên minh châu Âu (EU) vừa đạt được thoả thuận mang tính bước ngoặt nhằm xóa bỏ một số rào cản thương mại hậu Brexit và tăng cường hợp tác về an ninh và quốc phòng, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Anh - EU tại London diễn ra ngày 19/5.

Từ hợp tác quốc phòng đến tự do di chuyển

Thỏa thuận mới nhằm tăng cường quan hệ an ninh và thương mại giữa hai bên bằng cách xóa bỏ một số rào cản được dựng lên sau Brexit; giúp hai bên hợp tác chặt chẽ hơn sau khi chính quyền Donald Trump ra hiệu rằng họ sẽ giảm cam kết đối với quốc phòng châu Âu và áp đặt thuế quan toàn cầu.

Theo The New York Times, phần quan trọng nhất của thỏa thuận giữa Anh và EU là quan hệ đối tác an ninh, thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa hai bên. Theo đó, thỏa thuận cho phép hai bên tập hợp tốt hơn các nguồn lực và chia sẻ công nghệ và thông tin tình báo, cũng như mở đường cho các công ty Anh tham gia đầy đủ vào chương trình cho vay trị giá 150 tỷ euro của EU dành cho mua sắm quốc phòng để củng cố khả năng phòng thủ của khối. Hai bên cũng đồng ý về một hiệp ước an ninh - quốc phòng cho phép Anh tiếp cận quỹ quốc phòng trị giá 141 tỷ USD của EU, đồng thời có nghĩa vụ đóng góp tài chính tương ứng.

7158d83c3ff6abbdf200e7e0fa80339ey29udgvudhnlyxjjagfwaswxnzq3nzm3mzkx-2.80207127.jpg.jpg
Liên minh châu Âu (EU) và Anh tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên kể từ sau Brexit,
tại Thủ đô London. Ảnh: Reuters

Anh và EU hướng đến thỏa thuận cho phép dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát biên giới, tạo điều kiện cho hàng hóa dễ hư hỏng, như nông sản và thực phẩm lưu thông dễ dàng. Hai bên sẽ thiết lập các tiêu chuẩn chung về an toàn thực phẩm và cây trồng. Phía Anh khẳng định các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm sẽ được duy trì ở mức cao.

Về đi lại, các nước châu Âu sẽ được cho phép người Anh dùng cổng điện tử (eGate) ở châu Âu khi thông quan và việc di chuyển cùng với vật nuôi xuyên biên giới cũng sẽ dễ dàng hơn. Phía Anh cho biết, việc thiết lập lại quan hệ với EU sẽ giảm bớt thủ tục hành chính cho các nhà sản xuất nông nghiệp, giúp thực phẩm rẻ hơn, góp phần cải thiện an ninh năng lượng.

Anh và EU còn ký kết hai văn bản khác, gồm một tuyên bố chung về tình đoàn kết của châu Âu từ hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU - Anh và một thỏa thuận chung về các chủ đề từ thương mại đến đánh bắt cá. Hai bên cũng đã nhất trí dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát đối với hàng xuất khẩu của Anh sang EU với 27 quốc gia thành viên; không giới hạn thời gian về vệ sinh và kiểm dịch thực vật (SPS) đối với các sản phẩm thực vật và động vật, đổi lại Anh đồng ý gia hạn quyền đánh bắt cá của EU tại vùng biển Anh cho đến ngày 30/6/2038, tức là thêm 12 năm so với thời hạn cũ kết thúc vào năm 2026.

“Xuất khẩu của Anh vào EU giảm 21% và nhập khẩu giảm 7% trong những năm hậu Brexit. Giờ đây, Anh sẽ có thể bán nhiều sản phẩm sang EU trở lại, giúp những ngành nghề quan trọng này tiếp tục phát triển", ông Starmer cho biết. Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết thỏa thuận dự kiến sẽ mang về khoảng 12 tỷ USD cho nền kinh tế Anh đến năm 2040.

Thỏa thuận giữa Anh và EU cũng bao gồm các kế hoạch cho một chương trình trao đổi sinh viên, cho phép những người trẻ tuổi châu Âu đi du lịch và làm việc tại Anh và ngược lại. Tuy nhiên, Chính phủ Anh lo ngại chương trình này có thể gia tăng dòng người nhập cư, trong khi Thủ tướng Starmer vừa nêu cam kết giảm nhập cư vào tuần trước. Kế hoạch này sau đó được đổi tên thành “Chương trình trải nghiệm thanh niên” và đã được hai bên nhất trí trên nguyên tắc.

Về bảo vệ biên giới, Anh cam kết sớm hoàn thiện các thỏa thuận hợp tác với Europol nhằm trao đổi thông tin về chủ nghĩa khủng bố và các tội phạm nghiêm trọng khác như vấn đề buôn người và di cư bất hợp pháp.

Dù đã rời thị trường năng lượng nội khối EU, ngành điện Anh đang thúc đẩy các cơ chế giao dịch hiệu quả hơn với EU trong bối cảnh nhập khẩu điện từ EU tăng cao, chiếm khoảng 14% tổng điện năng tiêu thụ của Anh năm 2024. Hai bên sẽ xem xét khả năng để Anh tham gia lại vào thị trường điện chung.

Ngoài các nội dung kể trên, các bên cũng đang thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực gồm: Thị trường carbon; Nới lỏng quy định di chuyển cho nghệ sĩ và các đoàn lưu diễn; Tăng cường chia sẻ dữ liệu trong lĩnh vực tư pháp và an ninh.

Một chiến thắng cho cả hai

Thỏa thuận được Thủ tướng Anh Keir Starmer và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen công bố tại Lancaster House (London). Phát biểu trong cuộc họp báo chung, ông Starmer nhấn mạnh thỏa thuận nói trên “mang tính bước ngoặt" hậu Brexit và là một “chiến thắng cho cả hai bên". Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết đây là "ngày trọng đại" vì hai bên “đang lật sang trang mới và mở ra một chương mới”.

Việc Anh bỏ phiếu rời khỏi EU trong cuộc trưng cầu dân ý lịch sử vào năm 2016 đã cho thấy một quốc gia bị chia rẽ sâu sắc về mọi thứ, từ di cư và chủ quyền quyền lực đến văn hóa và thương mại. Các cuộc thăm dò cho thấy phần lớn người Anh hiện hối hận về cuộc bỏ phiếu mặc dù họ không muốn tái gia nhập.

Lo ngại về phản ứng dữ dội tiềm tàng từ những người theo đường lối cứng rắn Brexit, ông Starmer khẳng định, London và Brussels vẫn đặt ra những lằn ranh đỏ trong quan hệ mới. Anh sẽ không quay lại thị trường chung và liên minh hải quan EU, còn EU cũng thận trọng trước việc cấp đặc quyền cho Anh mà không có nghĩa vụ tài chính tương ứng. Việc xóa bỏ thủ tục giấy tờ rườm rà về thương mại thực phẩm đòi hỏi Anh phải chấp nhận sự giám sát của EU đối với các tiêu chuẩn, nhưng ông Starmer lập luận rằng, điều này sẽ giúp phát triển nền kinh tế và cắt giảm giá thực phẩm.

Ông Starmer hy vọng rằng những lợi ích cụ thể đối với người tiêu dùng và du khách sẽ lớn hơn những phản đối của những người ủng hộ Brexit.

Phản ứng trái chiều

Các chuyên gia nhận định rằng, thỏa thuận quốc phòng giữa Anh và EU sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai bên.

Về mặt chiến lược, bước tiến này làm rõ một thực tế, dù Anh đã rời khỏi EU về mặt thể chế, nhưng quốc gia này vẫn là một phần không thể thiếu trong cấu trúc an ninh chung của châu Âu. Về chính trị, động thái của chính quyền Thủ tướng Starmer cho thấy nỗ lực tái định hình vai trò toàn cầu của Anh, một “trụ cột độc lập” trong cấu trúc an ninh châu Âu mở rộng. Tuy nhiên, những bước đi tiếp theo cần được triển khai thận trọng nhằm tránh làm sâu sắc thêm các vết nứt trong nội bộ EU, đồng thời bảo đảm rằng mọi hình thức hợp tác đều dựa trên nguyên tắc và tôn trọng sự độc lập trong chính sách của mỗi bên.

Việc tái thiết lập quan hệ với EU diễn ra sau một thỏa thuận thương mại với Ấn Độ và một thỏa thuận với Nhà Trắng nhằm giảm thuế quan do Tổng thống Donald Trump áp đặt. Tăng cường thương mại chặt chẽ hơn với EU phần lớn bù đắp cho chi phí thuế quan cao hơn của Mỹ đối với 60 tỷ bảng hàng hóa xuất khẩu của Anh. Công đảng hy vọng thỏa thuận với EU sẽ trở thành làm bệ phóng cho một thỏa thuận sâu sắc và đáng kể hơn, mà Frontier Economics ước tính có thể nâng GDP lên 1%.

Bất chấp một số phản ứng và lo ngại về tác động của thỏa thuận đối với ngành thủy sản, giới chuyên gia đánh giá thỏa thuận là bước đi thực tế và mang tính xây dựng. Chuyên gia chính trị châu Âu tại Trường Kinh tế và Chính trị London Iain Begg nhận định: “Ngành thủy sản chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong nền kinh tế Anh, nhưng những người có ý kiến trái chiều sẽ coi đó như một biểu tượng. Tuy nhiên, việc giảm bớt rào cản cho hàng xuất khẩu Anh có ý nghĩa kinh tế lớn hơn nhiều, đặc biệt các nhà thầu quốc phòng có thể hưởng lợi từ việc mua sắm quân sự của EU”. Về thỏa thuận di chuyển, ông Begg cho biết việc nới lỏng kiểm soát hộ chiếu sẽ được nhiều người Anh hoan nghênh, đặc biệt khi kỳ nghỉ lễ đang đến gần.

Dù vẫn có những tranh cãi xung quanh thỏa thuận, giới quan sát cho rằng đây là dấu hiệu của một giai đoạn trưởng thành hơn trong quan hệ Anh-EU. Hiện chưa có mốc thời gian cụ thể cho việc thực hiện đầy đủ thỏa thuận, nhưng Thủ tướng Starmer cho biết các cuộc đàm phán còn lại sẽ được nhanh chóng thực hiện.

Châu Anh