Địa phương

Giảm nghèo bền vững ở Hà Tĩnh

Diệp Anh 21/05/2025 06:34

Từ những phụ nữ thôn bản tự gây dựng sinh kế, đến các mô hình nuôi, trồng lan tỏa trong cộng đồng; từ chính sách phân tầng linh hoạt đến hạ tầng dân sinh được đầu tư đồng bộ… mỗi bước đi đều thể hiện rõ quyết tâm của cả hệ thống chính trị tỉnh Hà Tĩnh - bằng cách làm kiên trì, thực chất và minh bạch để từng bước hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Bài 1: Thay đổi cuộc sống bằng đôi tay, khối óc và niềm tin

Không còn là vùng đất gắn với những con số “nghèo bền vững”, Hà Tĩnh đang lặng lẽ viết lại hành trình giảm nghèo bằng những bước đi kiên trì, bền bỉ. Trên hành trình ấy, từ miền núi Hương Sơn đến đồng bằng Kỳ Anh, Thạch Hà… những phụ nữ đang từng ngày thay đổi cuộc sống mình bằng đôi tay, khối óc và một niềm tin mới.

Tự lực thoát nghèo

Giữa những ngày chuyển mùa tháng 5, tại căn nhà nhỏ ở xã Sơn Lĩnh (Hương Sơn), chị Phạm Thị Mai lúi húi băm chuối cho gần trăm con gà. Suốt hơn 6 năm là hộ nghèo, vợ chồng chị sống bấp bênh với nghề làm thuê. Bước ngoặt đến khi chị được Hội Phụ nữ xã hỗ trợ vay 50 triệu đồng, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Gà, ong, rau rồi chuồng trại... mô hình VAC của gia đình được mở rộng từng chút một. Giờ đây, kinh tế gia đình ổn định, con cái được học hành đàng hoàng, chị Mai không còn phải đi làm thuê cóp nhặt từng đồng.

o1.jpg
Khởi công nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tại Cẩm Xuyên. Ảnh: H. Phong

Câu chuyện của chị Mai cũng là hình ảnh chung của không ít phụ nữ nơi đây. Ở xã Sơn Tây, chị Nguyễn Thị Hiền cũng từng đơn thân nuôi con sau khi chồng mất. Được Hội Phụ nữ hỗ trợ vốn và kỹ thuật, chị bắt tay vào nuôi ong mật - mô hình phù hợp với địa hình đồi núi. “Mỗi tháng bán mật được 2 - 3 triệu đồng, đủ để con đến lớp và mình cảm thấy vững lòng hơn,” - chị Hiền chia sẻ.

Ở Hương Sơn, những mô hình nhỏ như vậy đang lan rộng. Từ năm 2021 - 2024, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã hỗ trợ hơn 200 hộ nghèo, cận nghèo. Không chỉ cho vay vốn, Hội còn khảo sát kỹ thực địa, tổ chức lớp dạy nghề, giám sát và đồng hành lâu dài. “Giảm nghèo không chỉ giúp một lần, mà là đi cùng họ cả hành trình,” Chủ tịch Hội Nguyễn Thị Hường nhấn mạnh.

Nhiều cán bộ Hội không nhớ nổi bao lần đi bộ cả buổi chiều để đến hộ nghèo vùng sâu, mang theo túi gạo, con giống, và cả những lời động viên như chị em trong nhà. Những hành trình không có ống kính máy ảnh, không có micro ghi hình, nhưng đã đổi đời cho không ít phụ nữ. Ở vùng sâu, lớp học dạy nghề đôi khi chỉ có vài ba người vẫn được kiên trì tổ chức. Bởi như một cán bộ Hội chia sẻ, đó là ngọn lửa nhỏ. Nếu thắp đúng lúc, có thể bùng lên hy vọng.

Không chỉ giúp sinh kế ban đầu, các cấp Hội còn hướng đến mục tiêu lâu dài: hỗ trợ phụ nữ gây dựng sinh kế ngay tại quê nhà. Bà Phan Thị Hạnh ở xã Kỳ Phong là ví dụ điển hình. Bắt đầu lại từ đàn gà và luống rau sau biến cố gia đình, nay bà Hạnh đã có thu nhập ổn định, không còn sợ cái đói cái nghèo bủa vây.

Khi thoát nghèo, nhiều phụ nữ như bà Hạnh quay lại hỗ trợ người khác. Người cho giống, người chia kinh nghiệm, người góp công. Một vòng tròn cộng đồng lan tỏa - nơi chị em nắm tay nhau ra khỏi khó khăn. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Kỳ Phong Hoàng Thị Liên cho biết: ngoài vốn từ tỉnh, huyện, 10/10 chi hội đều có quỹ tiết kiệm giúp chị em gây vốn. Chúng tôi phân loại hoàn cảnh để hỗ trợ đúng người, đúng việc. Nhờ đó, năm từ 2021 đến nay, huyện Kỳ Anh đã triển khai 450 mô hình sinh kế, đạt 80% chỉ tiêu nhiệm kỳ.

Mái ấm kiên cố - điểm tựa của sinh kế

Giảm nghèo bền vững không thể chỉ dừng ở cái ăn, cái mặc. Ở Hà Tĩnh, những mái nhà kiên cố cũng đang trở thành một phần quan trọng của hành trình vươn lên.

Giữa cơn mưa đầu mùa, căn nhà gần 100m² của bà Trần Thị Thủy (xã Đức Hương, Vũ Quang) vừa hoàn thành. Bà là hộ cận nghèo, nhưng nhờ kết nối giữa Hội Phụ nữ huyện với một doanh nghiệp ở Bình Dương, bà được hỗ trợ 70 triệu đồng. Phần còn lại do bà con góp công, góp vật liệu. “Giờ mưa không lo dột, gió không lạnh. Với tôi, ngôi nhà này là giấc mơ thành sự thật,” bà Thủy nghẹn ngào.

Hay như ở xã Thạch Trung (TP. Hà Tĩnh), chị Nguyễn Thị Lài cũng được hỗ trợ 50 triệu đồng xây nhà, kèm máy may công nghiệp. “Mái nhà mới không chỉ là chỗ ở mà còn là khởi đầu của một hướng sống mới,” chị nói.

Câu chuyện ở xã Thạch Lạc là minh chứng cho tình làng nghĩa xóm. Khi Hội phát động xây nhà cho chị Nguyễn Thị Xuân (mẹ đơn thân nuôi hai con nhỏ), cả xã đã cùng nhau góp tiền, góp công. Khi nhà hoàn thành, mọi người lại gom thêm đồ dùng: nồi, quạt, bếp… để chị bắt đầu cuộc sống mới.

Hay ở xã Hồng Lộc (Lộc Hà), bà Trịnh Thị Thỏa sống nhiều năm trong căn nhà dột nát. Tháng 3.2025, bà được hỗ trợ 70 triệu đồng để xây lại nhà. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện vận động tài trợ, Hội Phụ nữ xã và người dân góp ngày công. “Căn nhà nhỏ nhưng vững chắc. Mẹ con tôi thấy yên tâm hơn bao giờ hết,” bà Thỏa xúc động.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cẩm Xuyên Phan Thị Mỹ Dung chia sẻ: “Chúng tôi không chỉ vận động tiền mặt mà còn kêu gọi hội viên góp gạch, lập tổ thợ xây tình nguyện. Nhờ vậy, nhiều hộ nghèo được hỗ trợ thiết thực”.

Từ những cách làm thiết thực như vậy, phong trào hỗ trợ nhà ở cho phụ nữ nghèo đã lan tỏa trên toàn tỉnh. Theo thống kê, từ cuối 2024 đến nay, toàn tỉnh đã xây mới 19 căn nhà cho hội viên phụ nữ nghèo, mỗi căn ít nhất 70 triệu đồng; hàng chục căn khác được sửa chữa, tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng. Hàng nghìn ngày công được huy động từ hội viên, đoàn thể và người dân bình thường.

Từ ngọn đồi Hương Sơn đến đồng bằng Thạch Hà, những bước chân nhỏ đang tạo nên những thay đổi lớn. Không cần diễn văn hay khẩu hiệu, chính những phụ nữ nơi đây đang chứng minh: thoát nghèo là hành trình có thể đi cùng nhau nếu có sự đồng hành đúng lúc và sự kiên trì từ chính người trong cuộc.

Có thể nói, bằng sự lặng lẽ kiên cường của từng phụ nữ, từng mái nhà và một hệ thống chính sách thực chất, đủ gần để chạm vào từng hộ gia đình, Hà Tĩnh đang nỗ lực giảm nghèo thực chất và hiệu quả.

Diệp Anh