Cân nhắc tính răn đe của đề xuất bỏ khung tử hình với 8 tội danh
Chiều 20/5, thảo luận tại Tổ 19 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Phú Thọ, Đồng Nai, Quảng Bình) về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, các ĐBQH cho rằng, việc xem xét bỏ khung tử hình với một số tội danh là bước tiến mới, nhưng cần bàn bạc kỹ lưỡng, xem xét trong từng giai đoạn để bảo đảm tính răn đe.
.jpg)
Tại phiên thảo luận, ĐBQH Bùi Minh Châu (Phú Thọ) đánh giá, Bộ luật Hình sự có vai trò cực kỳ quan trọng, liên quan đến tất cả các hoạt động của con người, các tổ chức, địa phương, ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích của con người. Trong thời điểm ngắn, chúng ta sửa đổi một số vấn đề, đặc biệt liên quan đến chính sách mới của Đảng, Nhà nước cũng như chủ trương phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn mới.
.jpg)
Góp ý cụ thể với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, ĐBQH Nguyễn Công Long (Đồng Nai) cho biết, mặc dù tên gọi, phạm vi là sửa đổi, bổ sung một số điều, nhưng những điều chỉnh đều liên quan đến những chính sách rất lớn, rất cơ bản. Trong đó, có việc tiếp tục xem xét bỏ một số tội có hình phạt tử hình.
Theo đề xuất của Chính phủ là 8 tội danh được bỏ khung tử hình là: tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội vận chuyển trái phép chất ma tuý; tội tham ô tài sản; tội nhận hối lộ; tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược.

Trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, đa số các ý kiến tán thành việc tiếp tục bỏ khung phạt tử hình, nhưng bỏ như thế nào thì phải hết sức cân nhắc trong từng giai đoạn, để bảo đảm yếu tố răn đe, phòng ngừa.
Qua nghiên cứu, đại biểu Nguyễn Công Long cho rằng, liên quan đến tội vận chuyển trái phép chất ma túy, thực tiễn đấu tranh cho thấy, với tội phạm ma túy thì khâu trung chuyển, vận chuyển cũng nguy hiểm không khác gì khâu sản xuất ma túy. Trong lịch sử đối với loại tội phạm này đã có hình phạt tử hình, nhưng trong quá trình đấu tranh xử lý, yêu cầu có sự phân hóa, Chính phủ thấy rằng cần xem xét có nên bỏ khung tử hình hay không? Đại biểu đề xuất chưa nên bỏ khung tử hình với loại tội danh này.
Đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, đại biểu Nguyễn Công Long cho biết, nếu gõ Google tìm vấn nạn hàng giả, thuốc giả sẽ cho ra 27 triệu kết quả chỉ trong vòng 20 giây, đây là vấn nạn rất đáng quan ngại. Với tội danh này, vào năm 2015 khi sửa đổi toàn diện Bộ luật Hình sự cũng đã đặt ra, dù có cuộc tranh luận lớn nhưng cuối cùng vẫn giữ hình phạt tử hình.
Vậy lần này có nên bỏ hình phạt tử hình với tội danh này không? Trong các khung hình phạt, phải đến khung cao nhất mới có hình phạt tử hình đối với người phạm tội cá nhân.
Theo đó, khung hình phạt này phải thu lợi bất chính trên 2 tỷ đồng, gây thương tích, tổn hại cho 2 người trở lên, tỷ lệ tổn thương cơ thể 122% trở lên hoặc gây thiệt hại tài sản từ 1,5 triệu đồng trở lên thì chịu khung hình phạt cao nhất.
Đại biểu cho rằng, nên giữ lại khung hình phạt tử hình ở tội danh này để bảo đảm tính răn đe, nhưng cần cân nhắc tất cả các khung hình phạt đối với giá trị tài sản cũng như vấn đề thu lợi bất chính có thể nâng lên định lượng nào đó để giảm bớt hình phạt tử hình.
Đồng thời, liên quan đến tội tham ô tài sản, nhận hối lộ, đại biểu Nguyễn Công Long đề xuất vẫn nên giữ khung hình phạt tử hình.

Cũng theo ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình), để sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự sẽ có nhiều vấn đề. Riêng về tội tham nhũng hiện nay có cấu thành tội phạm trùng lặp nhiều với các tội ở các chương khác. Vì tất cả các chương của Bộ luật Hình sự đang chia theo lĩnh vực, nhưng riêng về chương tội tham nhũng lại chia theo chủ thể; tức là chủ thể này lại gắn với tất cả các lĩnh vực. Vì vậy, hiện nay giữa tội tham nhũng với các tội ở các chương khác cũng có sự trùng lặp.
Lần này việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự để phục vụ cho nhiều vấn đề bức thiết hiện nay, như liên quan đến thẩm quyền của các cơ quan, khó khăn trong việc áp dụng hình phạt tử hình và thi hành hình phạt tử hình; vấn đề điều tra vụ án mà bị can bỏ trốn, xét xử khi bị cáo vắng mặt, điều tra khi bị can vắng mặt; hay tăng hình phạt đối với một số các tội hiện nay cần có tính chất răn đe. Tuy nhiên, ở đây chỉ mới đặt vấn đề là tăng hình phạt nhưng khởi điểm định lượng vẫn giữ nguyên.
Đại biểu cho rằng, cần xem xét, tính toán một cách toàn diện hơn với những nội dung này.
Liên quan đến án tử hình, theo đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, lý luận của các nước khi bỏ án tử hình sẽ nhấn mạnh vào việc tư pháp có khả năng có sai lầm, khi sai lầm mà đã tử hình thì không bao giờ khắc phục được nữa. Cho nên rất nhiều nước, nhất là các nước châu Âu đã bỏ án tử hình theo hướng vận động tư pháp có thể có sai lầm. Ở Việt Nam, căn cứ vào tình hình thực tiễn và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, việc giữ lại hình phạt tử hình ở một số tội danh là hoàn toàn phù hợp.

ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cũng tán thành với nhiều nội dung trong Báo cáo thẩm tra và đề nghị riêng tội về chức vụ, tham ô, nhận hối lộ; tội buôn bán hàng giả, thuốc chữa bệnh và tội vận chuyển chất ma túy vẫn giữ nguyên khung hình phạt tử hình.
Riêng về bảo đảm tính khả thi của việc thu hồi tài sản, trong báo cáo chưa có số liệu nào quy định tử hình thì thu được nhiều tài sản hay không tử hình thì thu được nhiều tài sản (?). Đại biểu nhấn mạnh vấn đề này cần rạch ròi, khoa học, đánh giá kỹ lưỡng và có cơ sở rõ ràng.