Chính trị

Chế tài xử phạt phải đủ tính răn đe, phù hợp với thực tiễn

Nguyễn HảI Yến 20/05/2025 20:12

Chiều 20/5, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự, các ĐBQH tại Tổ 9 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Quảng Ninh, Hòa Bình, Bến Tre, Tây Ninh) cho rằng, những sửa đổi lần này rất quan trọng, đặc biệt là nội dung giảm các tội danh áp dụng hình thức phạt tử hình.

Cân nhắc phương án, thống nhất trong triển khai thực hiện

Các đại biểu khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự trong bối cảnh thực hiện việc sáp nhập, tinh giản bộ máy và từ những bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện liên quan đến xử lý các tội phạm đang phát sinh trong thực tiễn là hoàn toàn phù hợp, đáp ứng yêu cầu đặt ra.

ce56d5a21e9babc5f28a(1).jpg
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 9. Ảnh: Hải Yến

Đồng tình với Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp liên quan đến sửa đổi một số điều của Bộ luật Hình sự, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc nêu vấn đề, theo dự thảo Luật hiện hành có 18 tội danh có mức hình phạt cao nhất là tử hình.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy chúng ta không nhất thiết phải duy trì hình thức xử phạt tử hình này, nên dự thảo Luật đã bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án. Nội dung này hoàn toàn đáp ứng được mục đích bảo đảm sự cách ly vĩnh viễn của người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội, đáp ứng yêu cầu phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm.

02857c22bb1b0e45570a.jpg
ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Hải Yến

Đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo nên rà soát các nội dung liên quan đến quy định trong Luật Thi hành án hình sự, Luật Đặc xá và các luật liên quan để bảo đảm tính tương thích, thống nhất giữa các luật, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, thuận lợi trong tổ chức thực hiện thời gian tới.

“Thực tế hiện nay, một số tội phạm về kinh tế, tham nhũng, chủ trương của Đảng và Nhà nước hướng đến mục tiêu thu hồi tối đa tài sản do tham nhũng mà có, bảo đảm tính nhân văn và phù hợp với xu thế của thế giới. Việc bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án là hoàn toàn phù hợp trong giai đoạn hiện nay”, đại biểu Đặng Bích Ngọc nói.

351202b0c58970d72998.jpg
ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Hải Yến

ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) nêu vấn đề, trong dự thảo Luật đã bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án.

Trong đó có 8/18 tội danh, như tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tội sản xuất, buôn bán hàng giả, thuốc chữa bệnh, phòng bệnh; tội vận chuyển trái phép chất ma túy; tội tham ô tài sản; tội nhận hối lộ tội phá hoại hòa bình gây chiến tranh xâm lược có một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng và được dư luận quan tâm. Điển hình như vận chuyển trái phép chất ma túy là tội phạm rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, đến tính mạng cả thế hệ tương lai.

“Đối với 18 tội danh hiện nay trong Bộ luật Hình sự áp dụng hình phạt tử hình, chúng ta có thể bổ sung hình thức phạt tù chung thân không xét giảm án nhưng không nên bỏ, mà vẫn cần duy trì hình phạt tử hình với 8 tội danh này nhằm bảo đảm tính răn đe”, Đại biểu Nguyễn Thị Ý Nhi đề nghị.

Nâng mức phạt với tội danh buôn bán, sản xuất hàng giả

Một vấn đề đang được Nhà nước và dư luận xã hội quan tâm là quy định liên quan đến các tội sản xuất, buôn bán hàng giả, tội phạm về an toàn thực phẩm.

Một số ý kiến nêu rõ, với số lượng vi phạm gia tăng mạnh trong thời gian vừa qua, cơ quan công an đã và đang tăng cường điều tra tình trạng sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng về lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thuốc chữa bệnh, các loại thực phẩm chức năng, sữa giả hiện đang gây hoang mang dư luận và tác động rất lớn tới đời sống xã hội.

289a3a528a6b3f35667a.jpg
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận Tổ . Ảnh: Trọng Quỳnh

Những vụ án lớn với số lượng hàng hóa khổng lồ cho thấy, công tác quản lý nhà nước và những quy định pháp luật liên quan đến công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra cũng như sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước còn hạn chế, bất cập. Theo đó, dự thảo Luật lần này đã đưa ra sửa đổi nhằm khắc phục hạn chế này.

Hoàn toàn đồng tình với việc nâng mức phạt đối với các tội danh này, đại biểu Đặng Bích Ngọc cho rằng, cần có tính răn đe mạnh mẽ và bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, người tiêu dùng, nhất là không cho các đối tượng có cơ hội vi phạm lần nữa, giúp cho công tác quản lý xã hội được tốt hơn, giúp người dân yên tâm hơn. Đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần cân nhắc để quy định các hình phạt bảo đảm mức răn đe và bảo đảm tối đa việc bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

eaac965e8761323f6b70.jpg
ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Hải Yến

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) cũng cho rằng, cần nâng mức phạt với tội danh buôn bán, sản xuất hàng giả để nghiêm trị những đối tượng không chấp hành pháp luật.

Đơn cử như vụ việc mới đây tại một cơ sở ở Bắc Giang đã sản xuất và đưa ra thị trường khoảng 60 tấn giá đỗ “ngậm” chất kích thích tăng trưởng 6-Benzylaminopurine. Trung bình mỗi ngày, cơ sở này sản xuất khoảng 500 kg giá đỗ. Qua ước tính sơ bộ, tính từ đầu năm đến nay, cơ sở này đã tiêu thụ ra thị trường khoảng 60 tấn giá. Những người sử dụng giá đỗ này chịu tác động và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.

“Cần tiếp tục có chế tài tăng nặng đối với loại tội phạm này. Cần tạo tính răn đe mạnh mẽ và bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, bảo đảm tối đa việc bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Đề nghị lĩnh vực này cần có sự quan tâm đặc biệt”, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh.

Nguyễn HảI Yến