Chính trị

Bỏ hình phạt tử hình: Cân bằng giữa nhân đạo và răn đe

Hà Lan 20/05/2025 18:01

Theo ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh), giảm hình phạt tử hình là xu thế nhân đạo hóa trong tư pháp hình sự hiện đại, phù hợp với quyền sống - quyền cơ bản nhất của con người. Tuy nhiên, sự thay đổi này cần bảo đảm không làm suy yếu vai trò răn đe của pháp luật, đặc biệt với tội phạm xâm hại an ninh quốc gia, tham nhũng và ma túy.

Chiều 20/5, Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Điện Biên, Trà Vinh, Cao Bằng (Tổ 8) thảo luận về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

p1.jpg
Quang cảnh phiên họp

Quy định rõ tiêu chí chuyển từ tử hình sang tù chung thân không giảm án

Một trong những vấn đề được quan tâm tại phiên thảo luận tổ chiều nay là sửa đổi liên quan đến hình phạt tử hình tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.

Cụ thể, Chính phủ đề xuất bỏ hình phạt tử hình tại 8/18 tội danh (44,44%) hiện có khung hình phạt tử hình, bao gồm: tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội vận chuyển trái phép chất ma túy; tội tham ô tài sản; tội nhận hối lộ; và tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược.

Thay thế cho hình phạt tử hình với 8 tội danh này là hình phạt tù chung thân không xét giảm án, vẫn bảo đảm cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội, theo đề xuất của Chính phủ.

p2.jpg
ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phát biểu

ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, giảm hình phạt tử hình là xu thế nhân đạo hóa trong tư pháp hình sự hiện đại, phù hợp với quyền sống - quyền cơ bản nhất của con người được quy định trong Điều 6 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) mà Việt Nam là thành viên.

“Tuy nhiên, sự thay đổi này cần bảo đảm không làm suy yếu vai trò răn đe của pháp luật, đặc biệt đối với các tội phạm xâm hại an ninh quốc gia, tham nhũng và ma túy - vốn có nguy cơ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, đại biểu Thạch Phước Bình nhấn mạnh.

Đại biểu cho biết, trên thế giới, Pháp, Canada đã bãi bỏ án tử hình lần lượt vào năm 1981 và 1976, đồng thời thay thế bằng hình phạt tù chung thân. Tuy nhiên, các quốc gia này quy định rất rõ các trường hợp không được ân xá hoặc không được xét giảm án trong 20 - 30 năm nhằm duy trì tính răn đe.

Trung Quốc, nước có tỷ lệ thi hành án tử hình cao nhất thế giới, từ năm 2011 đã loại bỏ án tử hình đối với nhiều tội danh kinh tế và tăng điều kiện khắt khe trong xét xử hình phạt này, cho phép hoãn tử hình và chuyển sang tù chung thân không giảm án nếu người phạm tội cải tạo tốt.

“Cần quy định rõ tiêu chí chuyển từ tử hình sang tù chung thân không giảm án, kèm theo các điều kiện áp dụng nghiêm ngặt, tránh lạm dụng hoặc khiến xã hội hoài nghi về tính nghiêm minh của pháp luật”, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị.

249f7ef306ccb392eadd.jpg
ĐBQH Tráng A Tủa (Điện Biên) phát biểu

Góp ý nội dung này, ĐBQH Tráng A Tủa (Điện Biên) cho rằng, việc loại bỏ hình phạt tử hình đối với 8/18 tội danh hiện có khung hình phạt tử hình là phù hợp trong điều kiện, bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị nên thay thế bằng hình phạt chung thân, thay vì chung thân không xét giảm án như trong đề xuất của Chính phủ.

“Thực tế hiện nay việc giam giữ đối tượng chờ tử hình rất phức tạp, khó khăn, giờ lại bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án thì vô hình chung lại gây thêm áp lực cho việc giam giữ các phạm nhân này”, đại biểu thông tin.

8f233631e70d52530b1c.jpg
ĐBQH, Thượng tọa Thích Đức Thiện (Điện Biên) phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng

Bày tỏ quan điểm với nội dung này, ĐBQH, Thượng tọa Thích Đức Thiện (Điện Biên) cho rằng, quy định bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án là chưa thực sự nhân văn, chưa tạo động lực để người phạm tội có động lực để chuyển hoá tâm tính, trở thành người có ích cho xã hội.

“Mục tiêu của chúng ta là hướng con người đến cái thiện, giúp họ làm lại cuộc đời”, Thượng tọa Thích Đức Thiện nhấn mạnh và đề xuất cần xem xét loại tội danh nào có thể bỏ được án tử hình, thay vào đó là áp dụng hình phạt chung thân có được xét giảm án.

Tăng cường biện pháp phòng ngừa

Ở một góc độ khác, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, việc loại bỏ tử hình mà không đi đôi với các biện pháp phòng ngừa hữu hiệu sẽ làm gia tăng nguy cơ tội phạm.

Các biện pháp phòng ngừa tội phạm bao gồm cả phòng ngừa xã hội, gồm giáo dục, giảm nghèo, nâng cao nhận thức và phòng ngừa pháp lý, như tăng tính minh bạch, cải cách hành chính, kiểm soát quyền lực.

Dẫn kinh nghiệm quốc tế, đại biểu cho biết, Singapore duy trì án tử hình nhưng kết hợp chính sách răn đe mạnh mẽ với phòng ngừa xã hội, đặc biệt trong các chiến dịch chống ma túy, với trọng tâm là giáo dục học đường, vận động cộng đồng và minh bạch hệ thống tư pháp. Na Uy, nơi không có án tử hình, đầu tư mạnh cho giáo dục cải huấn và tái hòa nhập cộng đồng, xây dựng mô hình “nhà tù mở”, gắn kết giữa phòng ngừa và phục hồi nhân phẩm cho người phạm tội.

“Do đó, dự thảo Luật cần bổ sung quy định tăng đầu tư cho các chương trình giáo dục pháp luật cộng đồng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc, nơi thường là điểm nóng về tội phạm ma túy; tăng cường giám sát cán bộ công quyền để ngăn ngừa tội phạm tham nhũng từ gốc, thay vì chỉ trừng phạt nặng ở giai đoạn sau”.

Đặc biệt, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, việc sửa đổi các quy định về hình phạt tử hình cần đồng bộ với hệ thống tư pháp nói chung. Bên cạnh đó, việc bãi bỏ tử hình cần được quy định rõ về hiệu lực hồi tố, các trường hợp đang chờ thi hành án, và quyền tái thẩm/cân nhắc giảm án.

Đại biểu cho biết, Mexico và Nam Phi khi bãi bỏ án tử hình đều ban hành luật chuyển đổi án cho các tù nhân đang trong danh sách chờ tử hình, tạo cơ hội cho tái thẩm. Liên minh châu Âu (EU) đặt yêu cầu rõ: quốc gia muốn gia nhập phải xóa bỏ hoàn toàn án tử hình và xây dựng bộ luật hình sự minh bạch, nhất quán.

Do đó, đại biểu cho rằng cần ban hành Nghị quyết hướng dẫn thi hành sau khi sửa đổi Bộ luật Hình sự, bao gồm: chuyển đổi án tử hình đang chờ thi hành, cơ chế tái thẩm, quy trình xét giảm án đặc biệt. Đồng thời, rà soát các đạo luật liên quan (Luật Thi hành án hình sự, Luật Tổ chức Toà án nhân dân, Luật Đặc xá...) để đồng bộ và thống nhất về tư tưởng lập pháp.

Hà Lan