Diễn đàn Quốc hội

Sửa đổi quy định chưa hợp lý tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp

Phi Long 20/05/2025 15:45

Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), các ĐBQH thành phố Hà Nội bày tỏ sự đồng tình với nhiều điểm tiếp thu, chỉnh lý của Ban soạn thảo. Đồng thời, kiến nghị sửa đổi những quy định chưa hợp lý để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp đúng theo tinh thần của Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân...

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia xã hội hoá

Phát biểu tại hội trường, ĐBQH Hoàng Văn Cường đánh giá cao Ban soạn thảo đã tiếp thu rất nhiều nội dung để chỉnh sửa và hoàn thiện Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Góp ý làm rõ một số vấn đề, ĐBQH Hoàng Văn Cường đồng tình và đánh giá cao chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần thu nhập không chia của thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và y tế. Việc xã hội hóa này giúp phần thu nhập được để lại để đầu tư phát triển. Điều này sẽ khuyến khích, thúc đẩy phát triển các tổ chức giáo dục, y tế tư nhân không vì mục đích lợi nhuận. "Khi đó, toàn bộ những khoản thu học phí hoặc viện phí của người học, người bệnh sẽ được dành cho khám chữa bệnh hoặc đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển dịch vụ tốt hơn", ĐBQH Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo phân tích của đại biểu, các đơn vị y tế và giáo dục công lập không nhận hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, đặc biệt là các đơn vị tự chủ - vốn hoạt động phi lợi nhuận - sau khi trừ chi phí, phần chênh lệch thu chi vẫn phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Mặc dù phần chênh lệch này không được chia mà vẫn dành để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tương tự như các cơ sở giáo dục tư thục phi lợi nhuận, nhưng các đơn vị công lập lại phải nộp thuế. Theo ĐBQH Hoàng Văn Cường, có ba vấn đề không hợp lý; thứ nhất, các đơn vị tư thục không chia phần thu nhập thì được miễn thuế, trong khi các đơn vị công lập - dù không chia - vẫn phải chịu thuế. Điều này thể hiện sự không công bằng giữa các khu vực, nhất là chúng ta cần khuyến khích việc sử dụng học phí để đầu tư phát triển.

cuong.jpg
ĐBQH Hoàng Văn Cường phát biểu tại hội trường

Vấn đề thứ hai, phần lớn cơ sở vật chất kỹ thuật của trường học, bệnh viện công lập do Nhà nước đầu tư nên giá trị tài sản này không được khấu hao đầy đủ. Vì vậy, phần chênh lệch giữa thu và chi thực chất không phải là thu nhập, mà là phần khấu hao còn lại, lẽ ra phải giữ lại để tái đầu tư. Đại biểu cho rằng nếu vẫn thu thuế trên phần này, sẽ làm mất đi nguồn lực đầu tư hạ tầng, gây khó khăn cho sự phát triển các cơ sở giáo dục, y tế.

Vấn đề thứ ba, việc nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ở các đơn vị trường học, bệnh viện không được tính bằng thu trừ chi, mà thường theo phương pháp tính trên doanh thu hiện nay là 2%. Điều này dẫn đến việc chi phí thuế được tính trực tiếp vào học phí và giá dịch vụ y tế. "Tức là, học phí và viện phí sẽ tăng thêm 2%, người học và người bệnh sẽ là người phải gánh chịu. Trong khi chúng ta đang chủ trương miễn học phí phổ thông và tiến tới miễn viện phí, việc thu thuế này lại đi ngược chủ trương, gây thiếu đồng bộ", ĐBQH Hoàng Văn Cường nêu rõ.

Ngoài ra, trong bản giải trình có nêu rằng “những quy định về thu thuế này đã được quy định từ luật cũ, không phải quy định mới, nên xin giữ nguyên”. Đại biểu cho rằng cách giải trình này chưa thuyết phục, không thể vì đã quy định từ trước mà tiếp tục giữ nguyên. "Việc sửa luật là để điều chỉnh những điều bất hợp lý, chưa phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Khi đã phân tích và chỉ ra rằng quy định này là bất hợp lý, thì cần điều chỉnh. Do đó, tôi đề nghị các hoạt động cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục của đơn vị công lập không thuộc đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, trừ các hoạt động liên doanh, liên kết với bên ngoài – vì những hoạt động này có yếu tố lợi nhuận", ĐBQH Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, ĐBQH Hoàng Văn Cường cũng đề nghị, sớm đưa các quy định của luật vào thực tiễn để thúc đẩy các nghị quyết đặc biệt như Nghị quyết 57 về phát triển khoa học công nghệ và Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân. Theo đó, trong bối cảnh hiện nay, khi nguy cơ tăng trưởng bị ảnh hưởng bởi thuế của Mỹ, chúng ta cần thúc đẩy tăng trưởng từ nội lực. Do đó, đại biểu cần đẩy mạnh triển khai các nội dung khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế tư nhân theo các nghị quyết trên và đề nghị quy định này có hiệu lực từ ngày 1/10/2025, không nên chờ đến 1/1/2026.

Tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp khoa học, công nghệ

Phát biểu thảo luận tại hội trường về Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) , ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai cho biết, một số nội dung mà Đoàn ĐBQH thành phố cũng như cá nhân đại biểu tham gia góp ý đã được tiếp thu đầy đủ; nhất là xử lý những vấn đề thuộc đối tượng thực hiện các luật về thuế thu nhập doanh nghiệp đã được có cơ chế, chính sách đặc thù theo Luật Thủ đô.

Thảo luận về Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); trong đó, tập trung vào nhóm vấn đề cụ thể hóa chủ trương của Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024, Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị, ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai đã đề cập nhiều nội dung liên quan đến nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Theo đó, về thu nhập được miễn thuế đối với hoạt động khoa học, công nghệ quy định tại Điều 4, đại biểu cho rằng: mặc dù, một số ý kiến đã nêu thời gian miễn thuế tối đa 3 năm như dự thảo Luật cơ bản cũng đã phù hợp; tuy nhiên, với thời gian là 3 năm thì chưa thực sự đủ trong việc khuyến khích đầu tư, nhất là trong chuyển đổi số và khoa học, công nghệ - những lĩnh vực rất mới mà chúng ta sẽ phải nỗ lực tiệm cận với thế giới.

"Thời gian 3 năm này là chưa đủ và tôi đề nghị cần thiết phải kéo dài thêm thời gian miễn thuế. Rất mong cơ quan soạn thảo cũng như thẩm tra sẽ ủng hộ đề nghị xem xét kéo dài thời gian miễn thuế lên 5 năm đối với những lĩnh vực thực hiện trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và được ưu tiên, như y tế, dược phẩm, công nghệ sinh học AI cũng như công nghệ mới", ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai kiến nghị.

ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tại hội trường
ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tại hội trường

Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 12 về nguyên tắc, đối tượng áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động khoa học, đại biểu cho rằng, cần thiết phải bổ sung đối với ứng dụng và thử nghiệm. Theo đó, dự thảo hiện mới chỉ dừng lại ở nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, công nghệ cao để sản xuất là chưa đủ vì ứng dụng, thử nghiệm cũng là một khâu rất quan trọng trước khi tiến hành sản xuất đại trà. Do đó, rất cần tiếp tục gia cố nội dung này ở dự thảo luật.

Về trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ tại Điều 17, ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai cho rằng, cần giao Chính phủ quy định rõ các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên trong việc sử dụng quỹ gắn với chiến lược phát triển khoa học công, nghệ quốc gia và các ngành mũi nhọn của nền kinh tế. Việc này giúp bảo đảm tinh thần mới trong xây dựng thể chế. Tùy vào mỗi một giai đoạn, mỗi một lĩnh vực trọng tâm trong từng giai đoạn mà Chính phủ sẽ quy định sẽ bảo đảm phù hợp, linh hoạt. "Không nhất thiết phải báo cáo với Quốc hội để bảo đảm tính kịp thời trong bối cảnh khoa học, công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay", đại biểu đề xuất.

Liên quan đến chuyển lỗ đối với doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 16, ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai đánh giá, riêng đối với doanh nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo thì thời gian chuyển lỗ cũng cần thiết phải tăng hơn so với dự thảo. Tuy nhiên, tăng đến đâu, thêm bao nhiêu, như thế nào thì Quốc hội đề ra nguyên tắc; còn lại giao cho Chính phủ tùy vào giai đoạn cụ thể để có thể quyết định và báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua.

Phi Long