Khó khăn trong việc áp dụng khung tỷ lệ hao hụt nước sạch tại Kon Tum
Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, một số công ty cấp nước tại khu vực Tây Nguyên cho rằng, bên cạnh một số thuận lợi, họ còn gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng giá nước sạch tại vùng nông thôn và giảm tỷ lệ thất thoát nước.
Khung hao hụt 15% – Thách thức đối với nhiều địa phương miền núi
Theo đại diện Công ty Cổ phần Cấp nước Kon Tum, việc duy trì tỷ lệ thất thoát nước dưới 15% theo quy định đang bộc lộ một số bất cập khi áp dụng tại những địa bàn miền núi, địa hình phức tạp như Kon Tum. Với mạng lưới đường ống trải dài hàng trăm km, đi qua nhiều khu vực dân cư thưa thớt, địa chất không ổn định, việc duy trì tỷ lệ thất thoát nước dưới 15% là điều rất khó khăn.
Theo đại diện Công ty Cổ phần Cấp nước Kon Tum cho biết: “Hiện tỷ lệ hao hụt của công ty dao động quanh mức 18 – 20%, dù đã giảm đáng kể so với các năm trước. Tuy nhiên, để đưa về mức 15% là rất áp lực, đòi hỏi đầu tư lớn vào thay thế đường ống cũ, áp dụng các công nghệ dò tìm rò rỉ hiện đại, trong khi nguồn lực của công ty còn hạn chế.”
Trong khi đó, tại TP. Hồ Chí Minh, theo Quyết định số 729/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch cấp nước TP. Hồ Chí Minh đến năm 2025 ngày 19 tháng 6 năm 2012 cũng quy định giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch đến năm 2025 là 25%. Còn tại Kon Tum, Sở Xây dựng hiện đang yêu cầu Công ty Cổ phần Cấp nước Kon Tum áp dụng tỷ lệ thất thoát là 15%.


Thực tế năm 2024 tỷ lệ hao hụt đối với đa số các đô thị, tỷ lệ thất thoát hầu hết lớn hơn hoặc bằng 20%. Có thể thấy, tỷ lệ 15% là tỷ lệ bình quân trong ngành nước, tuy nhiên, để chính sách đi vào thực tiễn và mang lại hiệu quả lâu dài, cần có sự điều chỉnh linh hoạt theo điều kiện đặc thù từng địa phương.
Công ty Cổ phần Cấp nước Kon Tum hiện đang phục vụ gần hơn 18.000 hộ dân tại TP. Kon Tum và một số khu vực lân cận. Mạng lưới đường ống nước kéo dài qua nhiều địa hình đồi núi, đất đá dễ gây nứt vỡ, đặc biệt vào mùa mưa bão. Ngoài ra, hệ thống hạ tầng được đầu tư từ nhiều giai đoạn khác nhau, một phần còn sử dụng vật liệu cũ, dễ xuống cấp theo thời gian.
Một nguyên nhân khác là tình trạng người dân tự ý đấu nối, sử dụng nước không qua đồng hồ hoặc rò rỉ ngầm nhưng khó phát hiện do hệ thống đo lường chưa đồng bộ. Trong khi đó, nhân lực kỹ thuật và thiết bị dò tìm rò rỉ chuyên dụng chưa được đầu tư đầy đủ.
Đại diện công ty cho biết, giá nước hiện nay tại Kon Tum vẫn ở mức khá thấp so với mặt bằng chung cả nước, trong khi chi phí vận hành, bảo trì và sửa chữa không ngừng tăng. Nếu không được tính đúng, tính đủ giá thành, công ty sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì chất lượng dịch vụ và đầu tư mở rộng hệ thống cấp nước.
Theo Luật sư Tạ Quang Tòng, Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Trong điều kiện của tỉnh Kon Tum với địa hình đồi dốc, kết cấu địa tầng thiếu ổn định, việc quản lý vận hành các đường ống nước có khó khăn hơn các điều kiện bình thường, nên nếu vẫn duy trì mức thất thoát theo quy định 15%, công ty kinh doanh cung cấp nước sẽ gặp khó khăn đáng kể”.
Giá thành nước bị “kìm” bởi tỷ lệ hao hụt thấp
Trước tình hình này, Công ty Cổ phần Cấp nước Kon Tum đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh và các bộ, ngành xem xét cho phép điều chỉnh linh hoạt tỷ lệ hao hụt tối đa đối với các tỉnh miền núi, biên giới có địa hình phức tạp như Kon Tum. Đồng thời, đề xuất tăng hỗ trợ đầu tư nâng cấp hạ tầng cấp nước và ứng dụng công nghệ số trong quản lý mạng lưới.
Bên cạnh đó, công ty cũng xây dựng lộ trình cụ thể nhằm từng bước đưa tỷ lệ hao hụt về dưới mức quy định. Các giải pháp bao gồm: thay thế hệ thống ống cũ, đầu tư đồng hồ đo thông minh, đào tạo kỹ thuật viên dò tìm rò rỉ, tăng cường kiểm tra định kỳ và tuyên truyền đến người dân nâng cao ý thức bảo vệ hệ thống cấp nước.
Mới đây, Công ty Cổ phần Cấp nước Kon Tum cho biết, hiện dự án nhà máy công suất 20.000m3 ngày đêm tại Kon Tum do công ty thực hiện vẫn chưa thể khởi công vì lý do nguồn kinh phí đầu tư phụ thuộc vào giá nước sạch. Trong khi đó, Sở Xây dựng tỉnh Kon Tum đề nghị công ty áp tỷ lệ thất thoát xuống 15% theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ. Thế nhưng việc áp dụng tỷ lệ thất thoát này rất khó thực hiện. Tại các địa phương khác điển hình như miền Nam chỉ đang tiến tới tỷ lệ thất thoát là 18%.

Đối với những tỉnh miền núi như Kon Tum, một lộ trình phù hợp và sự hỗ trợ từ Trung ương sẽ giúp các doanh nghiệp cấp nước vừa đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, vừa có điều kiện cải thiện dịch vụ và phục vụ tốt hơn cho người dân.