Thế giới 24h

Ẩn tình bên trong cuộc săn lùng Không lực Một mới của Tổng thống Trump

Quốc Đạt 20/05/2025 12:15

Trong nhiều năm, Qatar đã cố gắng bán một chiếc máy bay phản lực hạng sang mà không thành công. Nhưng rồi Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã để mắt và bắt đầu một chuỗi nỗ lực nhằm đưa chiếc máy bay trở thành Không lực Một thay thế.

Ngày 11/5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến giới chức Mỹ bất ngờ khi tuyên bố trên phương tiện truyền thông xã hội rằng Qatar sẽ cung cấp một chiếc máy bay cho Hoa Kỳ, ông đã mô tả nó là "một món quà, miễn phí” và có thể được sử dụng để thay thế chiếc Không lực Một.

Vẫn còn nhiều câu hỏi về ý nghĩa tài chính của thỏa thuận vẫn chưa được ký kết này, xét đến chi phí cải tạo máy bay để phục vụ như một chuyên cơ của tổng thống và vận hành nó trong thời gian dài. Những thông tin về thỏa thuận này cũng đã vấp phải sự lên án từ cả đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Washington, cũng như các luật sư về vấn đề đạo đức và xung đột lợi ích, những người cho rằng có vẻ như người Qatar đang sử dụng nó để lấy lòng chính quyền.

Sau đây là thông tin từ cuộc điều tra do tờ The New York Times cung cấp.

Vấn đề với chiếc Không lực Một 35 năm tuổi

Năm 2018, Hoa Kỳ đã ký hợp đồng trị giá 3,9 tỷ USD với hãng Boeing để chế tạo hai chiếc máy bay 747-8 dùng làm Không lực Một mới. Tuy nhiên, tiến độ chậm chạp đã đẩy thời hạn bàn giao vượt xa năm 2024, thậm chí có thể muộn hơn cả nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.

z6619948574671_0309404d873ffa41a7f38776cbf83978.jpg
Tổng thống Donald Trump trong văn phòng của mình trên Không lực Một hiện tại. Ảnh: Pete Marovich/New York Times

Trong khi đó, ông Trump vẫn phải bay đi đây đó bằng chiếc máy bay cũ kỹ đã phục vụ từ thời Tổng thống George H.W. Bush - những chiếc phi cơ đã hơn 35 năm tuổi, đòi hỏi bảo trì thường xuyên và gặp nhiều trục trặc. Từ lâu, cả hai đảng trong Quốc hội Mỹ đều kêu gọi thay thế những chuyên cơ này.

Nhưng với ông Trump, chờ đợi là không phải lựa chọn. “Chúng ta là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ”, ông nói. “Tôi tin rằng chúng ta nên có chiếc máy bay ấn tượng nhất thế giới”.

Câu chuyện về cách chính quyền Trump quyết định chấp nhận một chiếc Boeing 747-8 hạng sang miễn phí từ Qatar để làm Không lực Một liên quan đến nhiều tuần điều phối bí mật giữa Washington và Doha. Lầu Năm Góc và văn phòng quân sự của Nhà Trắng đã vào cuộc, và đặc phái viên Trung Đông của ông Trump, Steven Witkoff, đã đóng một vai trò quan trọng.

Cơ hội từ Qatar

Ngay sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức, các quan chức quân sự Mỹ bắt đầu thảo luận về khả năng mua một máy bay tạm thời để ông sử dụng trong khi chờ đợi Boeing. Cuộc phỏng vấn của The New York Times với 14 người tham vào quá trình tìm kiếm máy bay thay thế cho biết mọi việc bắt đầu khi Văn phòng Quân sự Nhà Trắng, đơn vị giám sát các chuyến đi của tổng thống, làm việc với Boeing và Bộ Quốc phòng để lập danh sách tất cả các máy bay Boeing 747 đời mới trên thế giới có thiết kế nội thất giống như chuyên cơ. Theo danh sách, chỉ có 8 chiếc đáp ứng được tiêu chí, trong đó có một chiếc sang trọng hai tầng thuộc sở hữu của Qatar, đã rao bán nhiều năm không thành. Nội thất được quảng bá với “vải bọc cao cấp nhất”, “gỗ quý và da sang trọng”, cùng phòng tắm được mô tả là “gần như một tác phẩm nghệ thuật”.

z6619946443941_16ea184efe2e09f9ce75d29612ac67b4.jpg
Hình ảnh lưu trữ mà New York Times thu thập cho thấy nội thất xa hoa của chiếc máy bay

Chiếc máy bay này từng phục vụ hoàng gia Qatar, và giống hệt chiếc mà quốc gia này từng tặng cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan năm 2018.

Ông Steven Witkoff, bạn cũ của Tổng thống Trump và cũng là Đặc phái viên Trung Đông của ông, có mối quan hệ mật thiết với giới chức Qatar. Chính ông Witkoff đã gọi cho phía Qatar để hỏi về chiếc máy bay.

“Tiếng sét ái tình” tại Florida

Giữa tháng 2/2025, chiếc phi cơ được đưa tới Florida để ông Trump xem trực tiếp tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago. Vào sáng ngày 15/2, chiếc máy bay hạ cánh xuống West Palm Beach sau hành trình từ Doha, và ông Trump nhanh chóng ra sân bay để tận mắt chiêm ngưỡng.

Tổng thống Trump bị mê hoặc bởi sự lộng lẫy của nội thất: tầng trên có phòng chờ và trung tâm liên lạc, phòng ngủ chính có thể biến thành khu y tế với hệ thống oxy trực tiếp, và khu vực dành cho nhân viên có 12 ghế hạng thương gia ngả hoàn toàn.

Tuy nhiên, các hãng hàng không lớn không quan tâm đến việc mua chiếc máy bay hạng sang này vì nó không được cấu hình để sử dụng cho mục đích thương mại. Và 747 ít được ưa chuộng hơn hiện nay ngay cả đối với các nguyên thủ quốc gia. Máy bay có bốn động cơ và tốn kém để bảo trì và vận hành. Việc mua phụ tùng theo thời gian cũng sẽ trở nên khó khăn hơn vì máy bay không còn được sản xuất nữa.

Ngay cả việc lái máy bay đến Hoa Kỳ để ông Trump có thể trải nghiệm cũng là một nỗ lực cực kỳ tốn kém. Theo một tạp chí thương mại, chi phí vận hành một chiếc máy bay như vậy ước tính là 25.000 USD/giờ. Chi phí thuê một chiếc máy bay phản lực như thế này theo giờ thậm chí còn cao hơn, khoảng 35.000 USD. Điều đó có nghĩa là chuyến bay khứ hồi từ Doha đến Florida kéo dài khoảng 30 giờ trên không – chưa tính thời gian trên mặt đất - có thể tốn tới 1 triệu USD cho một lần thuê.

z6619945180894_84e63f44438bfbfd74504a7257776b7e.jpg
Máy bay Boeing 747-8 của Qatar đỗ tại Sân bay quốc tế Palm Beach ở Florida sau khi Tổng thống Trump tham quan vào tháng 2/2025. Ảnh: Al Drago/New York Times

Vào thời điểm đó, Nhà Trắng cho biết, chuyến tham quan máy bay Qatar của ông Trump là nhằm gây sức ép buộc Boeing phải đẩy nhanh tiến độ sản xuất máy bay phản lực mới của tổng thống.

Sau khi ông Trump nhìn thấy chiếc máy bay, có một điều rõ ràng: Đó chính là “tình yêu sét đánh”.

Bay trở lại Washington trên một trong những chiếc Air Force One 747 hiện có, ông càng kinh ngạc trước sự xa hoa của nội thất chiếc máy bay của Qatar và nói về chiếc máy bay như thể việc sở hữu nó là một thỏa thuận đã được ký kết. Chỉ cần phủ một lớp sơn mới và vài cải tiến, các trợ lý nghĩ rằng chiếc máy bay có thể sẵn sàng trong vòng một năm - trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc.

Các cuộc thảo luận về việc mua lại nó ngày càng trở nên sôi nổi. Hai chiếc máy bay phản lực của Boeing mà Hoa Kỳ đã trả tiền đã trở thành ưu tiên thứ yếu của Nhà Trắng. Elon Musk đã được giao nhiệm vụ thúc đẩy Boeing đẩy nhanh tiến độ, nhưng các quan chức Không quân dự đoán rằng sớm nhất là năm 2027, sớm nhất, chiếc máy bay đầu tiên trong số hai chiếc đã mua mới sẵn sàng cho ông Trump.

Từ mua bán thành… quà tặng?

Ban đầu, Nhà Trắng có định mua lại chiếc máy bay. Nhưng sau chuyến thăm của ông Trump, nội bộ Nhà Trắng bắt đầu chuyển hướng sang một “món quà” - điều khiến nhiều quan chức Lầu Năm Góc bất ngờ.

Một quan chức Mỹ cho biết Qatar đã đề xuất ý tưởng tặng máy bay miễn phí, hoặc ít nhất cũng “đồng ý” khi điều này được nêu ra. Một người khác nói Đặc phái viên Witkoff từ đầu đã coi đây là một món quà. Tuy nhiên, phía Qatar từ chối xác nhận các thông tin này và cho biết vấn đề vẫn đang được xem xét pháp lý. Qatar cũng phủ nhận mọi đồn đoán cho rằng, việc tặng máy bay là nhằm “lấy lòng” Chính quyền Mỹ.

Dù vậy, giới chức Mỹ cũng có lập luận riêng: nếu Qatar sẵn sàng tặng máy bay – tại sao lại từ chối?

Những hoài nghi về động cơ

Điều rõ ràng là mối quan hệ Mỹ - Qatar vốn rất chặt chẽ, đặc biệt do căn cứ không quân Al Udeid ở Qatar - nơi Mỹ đặt một trong những trung tâm quân sự lớn nhất khu vực Trung Đông. Chỉ tính từ năm 2003, Qatar đã đầu tư hơn 8 tỷ USD xây dựng Căn cứ Không quân Al Udeid để Washington sử dụng, theo ước tính của Bộ Ngoại giao Mỹ. "Những đóng góp này là không thể thiếu để hỗ trợ các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ trên khắp khu vực", một báo cáo của Bộ Ngoại giao ban hành vào tháng 1 cho biết.

Qatar sẵn sàng chi nhiều tiền như vậy để hỗ trợ căn cứ quân sự của Hoa Kỳ trong lãnh thổ của mình một phần vì sự hiện diện của Hoa Kỳ giúp giữ khoảng cách với các đối thủ của Qatar, bao gồm cả Ảrập Xêút, các quan chức quân sự Hoa Kỳ cho biết. Trên thực tế, trong chuyến thăm Qatar của ông Trump vừa diễn ra, ông đã tuyên bố rằng Qatar hiện đang chuẩn bị chi thêm 10 tỷ USD tại căn cứ không quân ở đó.

Trong khi đó, mối quan hệ cá nhân giữa ông Witkoff và giới lãnh đạo Qatar cũng rất thân thiết - đến mức Thủ tướng Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani từng dự đám cưới con trai ông Witkoff.

Câu hỏi về đạo đức và kỹ thuật

Thông tin về “món quà” trị giá 400 triệu USD này gây ra làn sóng phản đối trên chính trường Mỹ, cả từ phe Dân chủ lẫn các nhà lãnh đạo Cộng hòa. Các nhà lập pháp Dân chủ và nhóm giám sát đạo đức cáo buộc kế hoạch này vi phạm nguyên tắc quà tặng từ nước ngoài. Ông Trump khẳng định chiếc máy bay là quà cho Bộ Quốc phòng, không phải cá nhân ông, và rằng sau này nó sẽ được trưng bày tại thư viện tổng thống của ông, như cách thư viện Reagan trưng bày một chiếc Không lực Một cũ. Tuy nhiên, khả năng thư viện tổng thống có thể tiếp nhận và duy trì một chiếc máy bay đang hoạt động vẫn còn là dấu hỏi lớn.

Vấn đề tài chính cũng không kém phần rắc rối. Dù chiếc máy bay có nội thất sang trọng, việc cải tạo nó thành Không lực Một đòi hỏi thay thế toàn bộ hệ thống liên lạc, phòng thủ tên lửa, bảo vệ khỏi xung điện từ - và loại bỏ mọi thiết bị nghe lén tiềm ẩn. Chi phí ước tính cho những nâng cấp này: ít nhất 1 tỷ USD – chưa kể đến thời gian thi công.

Theo ông Marc Foulkrod, chuyên gia tư vấn hàng không, ý tưởng rằng máy bay có thể sẵn sàng trong vòng vài tháng là “vô lý”. Thực tế, việc hoàn thiện có thể mất đến năm 2027 – thậm chí muộn hơn cả kế hoạch hiện tại của Boeing.

Tương lai chưa rõ ràng

Hiện tại, chiếc máy bay đang ở San Antonio, Texas. Không có ngân sách nào được Quốc hội thông qua để sửa chữa, vận hành hay thuê đội ngũ cho máy bay. Nhà Trắng được cho là đang cân nhắc hợp tác với tập đoàn quốc phòng L3Harris để thực hiện các cải tiến – nhưng nguồn tài chính vẫn chưa được xác định rõ.

Ông Trump có thể chọn cách miễn trừ một số yêu cầu về an ninh, nhưng các cựu quan chức Lầu Năm Góc cảnh báo đây sẽ là sai lầm nghiêm trọng – bởi Không lực Một không chỉ là chuyên cơ tổng thống, mà còn là trung tâm chỉ huy trong thời chiến.

Chi phí vận hành mỗi năm cho một chiếc Không lực Một là khoảng 134 triệu USD, riêng tiền lương đội ngũ vận hành đã hơn 37 triệu USD.

“Chỉ có nhà nước hoặc một hãng hàng không lớn mới đủ khả năng vận hành một chiếc máy bay như vậy”, ông Andrew Hunter, cựu trợ lý Bộ trưởng Không quân phụ trách dự án Không lực Một, nhận định.

Trong khi dư luận vẫn còn tranh cãi về đạo đức, chi phí và tính khả thi của thương vụ, một điều có vẻ chắc chắn: chiếc Boeing 747 xa xỉ của Qatar đã châm ngòi cho một cuộc tranh luận lớn về tính minh bạch, quyền lực cá nhân và biểu tượng quốc gia.

Quốc Đạt