Thế giới 24h

Các đồng minh phản ứng dữ dội trước chiến dịch tấn công mới của Israel

Quỳnh Vũ 20/05/2025 11:56

Một loạt nước đồng minh đã cảnh báo sẽ trừng phạt Israel nếu nước này không mở cửa cho viện trợ và ngừng tấn công Gaza. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Israel đã bắt đầu cuộc tấn công trên bộ quy mô vào Gaza sau khi tiến hành các cuộc không kích dữ dội khiến hơn 100 người thiệt mạng chỉ trong một đêm.

Chiến dịch Gideon's Chariots là gì?

Trong nhiều tuần, Israel đã cảnh báo về chiến dịch “Gideon's Chariots”, nói rằng chiến dịch này nhằm đạt được “tất cả các mục tiêu của cuộc chiến ở Gaza”, bao gồm đánh bại Hamas và đảm bảo giải thoát các con tin còn lại trong lãnh thổ này.

z6619646891070_87654c6897bfc7a64e24a5d2c8052414.jpg
Xe tăng của Israel ở biên giới Israel-Gaza. Ảnh: Ronen Zvulun/Reuters

Một quan chức an ninh cấp cao trước đó đã nói với CNN rằng chiến dịch này đã được Nội các An ninh chấp thuận vào ngày 5/5, đồng thời cho biết thêm rằng không giống như trước đây, quân đội sẽ vẫn ở lại những khu vực đã chiếm được.

Hôm 19/5, Thủ tướng Netanyahu cho biết Israel có kế hoạch "kiểm soát toàn bộ Dải Gaza" sau khi các bên tham chiến không đạt được thỏa thuận trong chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump tuần trước. Israel sau đó đã mở một cuộc tấn công chết chóc vào cuối tuần, bao gồm các không kích dữ dội và một cuộc tấn công trên bộ mở rộng vào ngày 18/5, khiến hơn 100 người thiệt mạng chỉ trong một đêm.

Sáng sớm 19/5, quân đội Israel đã tấn công kho vật tư y tế của Tổ hợp Y tế Nasser ở khu phố Khan Younis, phía nam Gaza, làm hư hại một số vật tư y tế được Tổ chức Viện trợ Y tế cho Người Palestine (MAP) cung cấp cho trung tâm, theo tổ chức có trụ sở tại Anh.

Các viên chức y tế tại Gaza cho biết hôm thứ Hai rằng chiến dịch này đã làm ít nhất 136 người chết trong 24 giờ qua và đóng cửa bệnh viện còn hoạt động cuối cùng ở phía bắc của vùng đất này. Theo số liệu của Bộ Y tế, hơn 400 người đã thiệt mạng và hơn 1.000 người khác bị thương kể từ thứ năm.

Chuyện gì đang xảy ra với hoạt động viện trợ?

Cũng trong ngày 19/2, Israel tuyên bố đã cho phép "một lượng thực phẩm cơ bản" vào Gaza, một động thái mà Thủ tướng Benjamin Netanyahu ám chỉ là do áp lực dữ dội từ các đồng minh. Tuy nhiên, giám đốc viện trợ của Liên Hợp Quốc (LHQ) Tom Fletcher mô tả quá trình viện trợ vô cùng "hạn chế" và "chỉ là một giọt nước so với những gì đang cần cấp bách". Cơ quan này cảnh báo rằng toàn bộ dân số hơn 2,1 triệu người của Gaza đang phải đối mặt với nguy cơ nạn đói sau 19 tháng xung đột và di dời hàng loạt.

z6619645821216_853cda6f2819995bcb4512f9c42364f0.jpg
Người dân Palestine chật vật nhận thực phẩm quyên góp tại một bếp ăn cộng đồng ở Jabalya, phía Bắc Gaza, vào ngày 19/5. Ảnh: Jehad Alshrafi/AP

Trước tình hình này, ngày 19/5, các nhà lãnh đạo Vương quốc Anh, Pháp và Canada – đều là các đồng minh của Israel, đã đe dọa sẽ thực hiện "các hành động cụ thể", bao gồm các lệnh trừng phạt có mục tiêu, nếu Israel không dừng các cuộc tấn công quân sự mới và tiếp tục chặn hàng viện trợ vào Gaza.

“Nếu Israel không ngừng các cuộc tấn công quân sự mới và dỡ bỏ các hạn chế về viện trợ nhân đạo, chúng tôi sẽ có thêm các hành động cụ thể để đáp trả”, tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo cho biết.

Trong một tuyên bố chung khác, các bộ trưởng ngoại giao từ 23 quốc gia, bao gồm Pháp, Đức, Italy và Anh, cùng các đại diện EU đã kêu gọi Israel cho phép "nối lại hoàn toàn" viện trợ vào Gaza ngay lập tức và cho phép LHQ và các tổ chức nhân đạo "làm việc độc lập và khách quan để cứu sống người dân".

“Trong khi chúng tôi thừa nhận những dấu hiệu cho thấy Israel cho phép tái khởi động viện trợ có giới hạn, nước này đã chặn viện trợ nhân đạo vào Gaza trong hơn hai tháng. Thực phẩm, thuốc men và nhu yếu phẩm đã cạn kiệt. Người dân phải đối mặt với nạn đói khủng khiếp”, tuyên bố hôm 19/5 cho biết.

Một tổ chức gây tranh cãi do Mỹ hậu thuẫn, Gaza Humanitarian Foundation (GHF), có nhiệm vụ cung cấp viện trợ cho vùng lãnh thổ này, đã hoan nghênh thông báo của Israel về việc cho phép viện trợ lương thực như một "cơ chế bắc cầu" cho đến khi nhóm này hoạt động hoàn toàn.

Tổ chức này sẽ điều hành một cơ chế mới về hoạt động cung cấp viện trợ, được kiểm soát chặt chẽ, đồng thời được Israel và Hoa Kỳ chấp thuận. Cả hai nước đều cho biết cơ chế này được thiết kế để ngăn chặn Hamas "đánh cắp" viện trợ.

Tuy nhiên, LHQ cảnh báo rằng do các địa điểm ban đầu chỉ nằm ở miền Nam và miền Trung Gaza nên điều này có thể được coi là nhằm phục vụ mục tiêu công khai mà Israel tuyên bố là buộc "toàn bộ người dân Gaza" phải rời khỏi miền Bắc Gaza, như Bộ trưởng Quốc phòng Israel Katz đã nói vào đầu tháng này.

Tuy nhiên, những người ủng hộ nhân quyền cho biết kế hoạch do Hoa Kỳ và Israel hậu thuẫn sẽ viện trợ bị quân sự hóa, gây nguy hiểm đến tính mạng của thường dân và khuyến khích họ phải di dời cưỡng bức.

Hôm 19/5, Giám đốc cơ quan nhi đồng của LHQ đã mô tả cơ chế GHF mới là "không khả thi", nói rằng kế hoạch này sẽ "biến viện trợ nhân đạo cho trẻ em và phụ nữ thành vũ khí".

Sự việc xảy ra sau khi Giám đốc cơ quan cứu trợ của LHQ, Tom Fletcher, khẳng định không cần phải có một kế hoạch viện trợ thay thế cho Gaza. "Đừng lãng phí thời gian: Chúng ta đã có một kế hoạch rồi", ông nói vào tuần trước. Trong một trong tuyên bố lên án mạnh mẽ nhất về cuộc chiến của Israel, ông Fletcher cho biết cộng đồng quốc tế phải ngăn chặn "nạn diệt chủng" ở vùng đất này.

Tổng thống Donald Trump nói gì?

Tuần trước, Tổng thống Donald Trump đã đến thăm các quốc gia Ảrập vùng Vịnh, bao gồm Qatar, nơi các đặc phái viên của ông đang tham gia vào các cuộc đàm phán ngừng bắn và giải cứu con tin.

Trước đó, ông tuyên bố muốn chấm dứt "cuộc chiến tàn khốc" ở Gaza và không đến thăm Israel trong chuyến công du khu vực này, nơi ông đã hai lần bỏ qua trong tháng này để đạt được các thỏa thuận song phương với các nhóm chiến binh trong khu vực.

Tuy nhiên tuần trước, ông Trump phủ nhận rằng Israel đã bị gạt ra ngoài lề; đồng thời nói rằng ông muốn Hoa Kỳ "tiếp quản" Gaza và biến nó thành "khu vực tự do".

Ông cũng nói với Fox News vào rằng ông không thất vọng với Netanyahu, vì thủ tướng Israel đang ở trong "tình thế khó khăn".

Các cuộc đàm phán đang tiến triển như thế nào?

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Katz cho biết, chiến dịch quân sự mới ở Gaza nhằm mục đích gây sức ép buộc Hamas quay lại đàm phán ở Qatar. Nhưng các nhà phân tích và quan chức cho rằng có nhiều khả năng nhóm chiến binh này đã đồng ý khởi động lại các cuộc đàm phán sau chuyến thăm Trung Đông của ong Trump.

Quan chức cấp cao của Hamas, Taher Al-Nunu, xác nhận hôm 18/5 rằng "các cuộc đàm phán không có điều kiện tiên quyết" đã bắt đầu tại Doha, theo kênh truyền hình al Aqsa do Hamas điều hành. Tuy nhiên, cả Israel và Hamas đều đưa ra những tuyên bố trái ngược về đàm phán.

Israel vào 18/5 rằng nước này sẵn sàng chấm dứt chiến tranh ở Gaza nếu Hamas đầu hàng, một đề xuất mà nhóm này khó có thể chấp nhận miễn là Israel vẫn tiếp tục khăng khăng đòi Hamas giải giáp.

Trong khi đó, một quan chức Hamas tuyên bố: “Chúng tôi sẵn sàng thả tất cả các tù nhân ngay lập tức, với điều kiện là bên chiếm đóng cam kết ngừng chiến sự theo các bảo đảm quốc tế, và chúng tôi sẽ không trao trả các tù nhân của bên chiếm đóng chừng nào họ vẫn tiếp tục hành động xâm lược Gaza vô thời hạn”.

Quỳnh Vũ