Địa phương

TP. Hồ Chí Minh: Nhiều căn nhà xảy tranh chấp sau khi mua bán, sinh sống ổn định, được cấp “sổ đỏ”

Nguyễn Tuấn 20/05/2025 07:32

Nhiều căn nhà trên đường Huỳnh Tấn Phát, Quận 7, TP. Hồ Chí Minh được người dân mua bán, sinh sống ổn định và đã được cấp “sổ đỏ”…, nhưng bất ngờ lại xảy ra tranh chấp.

Mua nhà, sinh sống ổn định, đã được cấp “sổ đỏ”

nhà q7
Nhiều căn nhà trên đường Huỳnh Tấn Phát đang bị tranh chấp sau khi mua bán, sinh sống ổn định, đã được cấp "sổ đỏ"

Theo hồ sơ, ngày 1.4.1992, vợ chồng bà Đặng Kiều Xuân (SN 1959) nhận chuyển nhượng từ bà Đặng Thúy Kiều (SN 1964, em ruột bà Xuân) căn nhà số 128/22 (số cũ 107/3) Huỳnh Tấn Phát, Quận 7, TP. Hồ Chí Minh với giá 5 lượng vàng. Căn nhà này được bà Nguyễn Thị Lẹ (mẹ bà Xuân, bà Kiều) mua từ năm 1984 sau đó chuyển nhượng cho bà Kiều. Do là người trong gia đình nên các giao dịch đều không lập hợp đồng chuyển nhượng.

Sau đó, bà Xuân đã làm thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ).

Ngày 12.10.2005, vợ chồng bà Xuân được UBND Quận 7 cấp GCNQSDĐ, các nghĩa vụ về thuế đều được Chi cục Thuế Quận 7 xác nhận đã hoàn thành.

 GCNQSDĐ
"Sổ đỏ" UBND Quận 7 cấp cho vợ chồng bà Xuân đối với thửa đất và căn nhà số 128/24 (số cũ 107/2) Huỳnh Tấn Phát, Quận 7, TP. Hồ Chí Minh

Tương tự, ngày 7.5.1998, vợ chồng bà Xuân nhận chuyển nhượng từ ông Phạm Văn Dũng (SN 1957) căn nhà số 128/24 (số cũ 107/2) Huỳnh Tấn Phát, Quận 7 với giá 13,5 lượng vàng. Khi giao dịch 2 bên có làm giấy sang nhượng nhà, gửi chính quyền địa phương xin xác nhận căn nhà không có tranh chấp…

Sau đó, vợ chồng bà Xuân làm các thủ tục đăng ký nhà đất, kê khai nộp thuế, xin cấp GCNQSDĐ.

Ngày 28.3.2005, vợ chồng bà Xuân được UBND Quận 7 cấp GCNQSDĐ; năm 2008, được cấp giấy phép xây dựng khi xây dựng lại căn nhà; năm 2010 được cấp đổi GCNQSDĐ và cấp đổi số nhà...

Hàng chục năm qua, gia đình bà Xuân đã đăng ký thường trú và sinh sống tại 2 căn nhà trên. Trong quá trình sinh sống đã sửa chữa, nâng cấp 2 căn nhà nhưng không ai có ý kiến gì.

nhà 2
"Sổ đỏ" UBND Quận 7 cấp cho vợ chồng bà Xuân đối với thửa đất và căn nhà số 128/24 (số cũ 107/2) Huỳnh Tấn Phát, Quận 7, TP. Hồ Chí Minh

Trong khi đó, ngày 11.9.1996, vợ chồng bà Đặng Thúy Kiều nhận chuyển nhượng căn nhà số 145 (số cũ 69/1) Huỳnh Tấn Phát, từ cụ Đặng Thị Nhẫn (đã qua đời năm 2014) với giá 24 cây vàng. Khi giao dịch mua bán, 2 bên có ký giấy sang nhượng nhà, trong đó có nội dung cụ Nhẫn cam đoan căn nhà trên là của cụ, nếu có ai tranh chấp cụ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Sau khi mua, vợ chồng bà Kiều chuyển về căn nhà trên sinh sống, cải tạo, nâng cấp sửa chữa và sử dụng cho đến nay. Ngày 4.8.1999 vợ chồng bà Kiều làm giấy đăng ký kê khai nhà đất và đã được chính quyền địa phương xác nhận.

Mặc dù bà Xuân, bà Kiều mua nhà của những người khác nhau, nhưng họ đang cùng chung hoàn cảnh là bị những người được cho là cháu của chủ cũ từ nhiều đời trước khởi kiện đòi lại nhà.

Từng đình chỉ vụ án vì không có chứng cứ

đình chỉ vụ án
Cả 3 vụ án liên quan đến 3 căn nhà đều từng bị đình chỉ giải quyết vì nguyên đơn không có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền sở hữu

Theo tài liệu, vợ chồng bà Xuân, vợ chồng bà Kiều đều là bị đơn của các vụ án tranh chấp quyền sở hữu nhà với nguyên đơn là các cháu của cụ Phan Văn Phúc (mất tích năm 1947) và vợ là cụ Nguyễn Thị Huê (qua đời năm 1975).

Theo lời khai của các nguyên đơn, lúc sinh thời vợ chồng cụ Phúc, cụ Huê nhận chuyển nhượng 2 thửa đất, sau đó xây 2 dãy nhà gồm 26 căn để cho người khác thuê từ những năm 1960. Năm 1975 cụ Huê qua đời (không có di chúc).

Năm 1992, các con, cháu của cụ Huê xảy ra tranh chấp về quyền thừa kế đối với 26 căn nhà trên, sau đó đã tự thỏa thuận phân chia và thống nhất phần của ai thì người đó tự thực hiện thủ tục hợp thức hóa.

Năm 2003-2004, một số người cháu của cụ Huê đã đồng loạt khởi kiện vợ chồng bà Xuân, bà Kiều để đòi nhà vì cho rằng các căn nhà trên thuộc 26 căn nhà do cụ Huê để lại. TAND Quận 7 đã thụ lý thành 3 vụ án khác nhau, tương ứng với 3 căn nhà xảy ra tranh chấp. Sau đó các vụ án được chuyển tới TAND TP. Hồ Chí Minh giải quyết theo thẩm quyền.

Tuy nhiên, năm 2011-2012, TAND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định đình chỉ giải quyết cả 3 vụ án trên do các nguyên đơn không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện rằng các căn nhà trên thuộc sở hữu của cụ Huê và là di sản thừa kế do cụ Huê để lại cho các nguyên đơn.

Sau đó các nguyên đơn kháng cáo, nhưng đều bị Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP. Hồ Chí Minh bác đơn hoặc đình chỉ giải quyết do nguyên đơn tự rút đơn.

Từ năm 2013-2015, một số người con, cháu của cụ Huê tiếp tục gửi đơn khởi kiện bà Xuân, bà Kiều ra tòa. Tại các phiên tòa sơ thẩm, TAND TP. Hồ Chí Minh đều tuyên các bị đơn phải trả cho các nguyên đơn giá trị QSDĐ tương ứng với diện tích mà nguyên đơn yêu cầu.

Sau phiên tòa sơ thẩm, các bị đơn đều kháng cáo, kháng nghị. Tại các phiên tòa phúc thẩm, giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh, bà Xuân, bà Kiều tiếp tục bị tuyên phải trả lại giá trị quyền sử dụng đất cho các nguyên đơn.

Không đồng tình, bà Xuân, bà Kiều tiếp tục có đơn đề nghị TAND Tối cao xem xét vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. TAND Tối cao đã nhận đơn và đang xem xét để xử lý theo thẩm quyền.

don.jpg
TAND Tối cao đã nhận đơn của bà Xuân và đang xem xét xử lý theo thẩm quyền

Liên quan đến 26 căn nhà trên còn có trường hợp của ông Nguyễn Mạnh H. (SN 1959) mua căn nhà số 139 (số cũ 68/8) Huỳnh Tấn Phát vào ngày 4.8.1989. Gia đình ông H. cũng đã sinh sống ổn định từ đó đến nay, đã thực hiện nghĩa vụ nộp thuế nhà đất hàng năm, được cấp GCNQSDĐ vào ngày 24.9.2012.

Năm 2003, ông H. cũng bị hai người cháu của cụ Huê khởi kiện ra tòa để đòi nhà nhưng không cung cấp được chứng cứ chứng minh nên bị TAND TP. Hồ Chí Minh đình chỉ vụ án. Tòa án cấp phúc thẩm cũng đã bác yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn.

Năm 2013, nguyên đơn tiếp tục khởi kiện ông H. Tại phiên tòa sơ thẩm, TAND TP. Hồ Chí Minh đã tuyên ông H. phải trả nhà cho nguyên đơn. Không đồng tình, ông H. kháng cáo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã tuyên ông H. thắng kiện vì cho rằng ông mua nhà hợp pháp, ngay tình. Trong khi đó, nguyên đơn được xác định không có giấy tờ gì của cơ quan có thẩm quyền chứng minh là chủ sở hữu hợp pháp của căn nhà.

Tương tự, cháu của cụ Huê cũng khởi kiện vợ chồng ông Nguyễn Văn K. (SN 1956) để đòi lại căn nhà số 143 (số cũ 68/10) Huỳnh Tấn Phát với những thông tin, tài liệu tương tự các vụ án trên nhưng TAND TP. Hồ Chí Minh đã tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

*Báo Đại biểu Nhân dân tiếp tục thông tin tới bạn đọc, cử tri cả nước.

Nguyễn Tuấn